Hiệu quả thấp

Theo báo cáo của Trung tâm Con người và Thiên nhiên, cả nước hiện có hơn 5.000 điểm mỏ và 60 loại khoáng sản khác nhau với khoảng 170 DN nhà nước hoạt động trong lĩnh vực này.

Tuy nhiên, tại Hội thảo “Quản lý đầu tư trong khai thác khoáng sản: Các bất cập và khuyến nghị” tổ chức mới đây, nhiều ý kiến có chung nhận định, tính hiệu quả của đầu tư nhà nước trong các dự án phát triển nói chung và khai thác khoáng sản nói riêng thời gian qua chưa tỷ lệ thuận với nhau.

TS. Lê Đăng Doanh – Nguyên Viện trưởng Viện quản lý Kinh tế Trung ương - cho biết, tình trạng xuất khoáng sản thô kéo dài cũng như xuất lậu khoáng sản sang Trung Quốc vẫn rất nghiêm trọng. Số liệu thống kê xuất nhập khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc ít hơn so với con số do Trung Quốc thống kê là 5 tỷ USD. TS. Lê Đăng Doanh cũng chỉ ra rằng, khai thác khoáng sản hiện đang được thực hiện với nhiều trình độ khác nhau, tỷ lệ thu hồi khoáng sản chưa cao. Công tác bảo vệ môi trường chưa được coi trọng. Đặc biệt, vấn đề công khai, minh bạch thấp gây thất thoát, lãng phí cho ngân sách nhà nước…

Cần nhanh chóng thực hiện EITI

Do những đặc thù phức tạp của công nghiệp khai thác khoáng sản, thế giới đã phát triển nhiều sáng kiến hỗ trợ công tác quản trị, trong đó, minh bạch trong công nghiệp khai thác (EITI) được coi là sáng kiến hiệu quả nhất. Nhờ thực hiện sáng kiến này, Nigieria đã tránh thất thu 1 tỷ USD hàng năm trong lĩnh vực khai khoáng. Ngoài ra, EITI còn hỗ trợ cải cách lĩnh vực khai khoáng tại rất nhiều quốc gia như Philippines, Myanmar...

Việt Nam cũng đã bắt đầu tiếp cận EITI từ năm 2005. Tuy nhiên, đến nay Việt Nam vẫn chưa đưa ra những tuyên bố rõ ràng về việc tham gia EITI, mặc dù nhu cầu cải cách, đổi mới đối với ngành công nghiệp khai thác hiện nay rất lớn. Chính vì vậy, chia sẻ tại hội thảo, giới chuyên gia cho rằng, Việt Nam cần sớm thực hiện EITI đang được áp dụng thành công tại nhiều nước trên thế giới. Nhà nước cần kiểm soát chặt chẽ, tiến tới chấm dứt xuất khẩu lậu quặng thô sang Trung Quốc…

Tại hội thảo, nhiều bài học thành công trong công tác quản lý khai thác khoáng sản của các nước trên thế giới đã được chia sẻ, nhà nước chỉ đóng vai trò quản lý và tạo môi trường thuận lợi để thu hút đầu tư tư nhân. Vì vậy, câu hỏi Việt Nam nên tiếp tục duy trì mô hình nhà nước đầu tư khai thác khoáng sản, hay thúc đẩy cải thiện môi trường pháp lý để thu hút đầu tư tư nhân cũng được nhiều chuyên gia quan tâm tại hội thảo lần này.

Bên cạnh đó, các diễn giả cũng đặc biệt lưu ý, Việt Nam đã cam kết với quốc tế về việc giảm sử dụng than cho sản xuất điện. Do đó, các DN khoáng sản cần nhanh chóng chuyển hướng đầu tư vào năng lượng sạch để phù hợp với yêu cầu, cũng như xu hướng bảo vệ môi trường trên thế giới.

Công tác quy hoạch trong khai thác khoáng sản còn tồn tại nhiều bất cập: Quy hoạch rất nhiều nhưng chất lượng thấp; việc thực hiện quy hoạch cũng được đánh giá không đồng bộ và thay đổi liên tục.

Nguồn: Thanh Tâm/Báo Công Thương điện tử