Doanh nghiệp công nghiệp thực phẩm tăng mạnh
Tại Tọa đàm Chính sách trong lĩnh vực công nghiệp thực phẩm, ngày 13/4, ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) cho biết, ngành công nghiệp thực phẩm của Việt Nam đang có xu hướng tăng trưởng mạnh và tiềm năng trong khu vực nhờ vào thu nhập cùng xu hướng tiêu dùng của người dân Việt Nam ngày càng cải thiện, thị trường từng bước cung ứng nhiều sản phẩm có sức cạnh tranh cao, chiếm lĩnh thị trường nội địa và gia tăng xuất khẩu.
Các sản phẩm chủ lực đóng vai trò đáng kể trong cơ cấu và giá trị sản phẩm công nghiệp ở Việt Nam gồm rượu, bia, nước giải khát; chế biến sữa và các sản phẩm từ sữa; dầu thực vật; chế biến bột và tinh bột; sản xuất thuốc lá...
Hiện, số lượng doanh nghiệp Việt Nam hoạt động trong ngành công nghiệp thực phẩm hiện đạt khoảng 5080 doanh nghiệp, tăng 83,8% so với năm 2019, đây là con số tích cực sau thời gian dài hai năm chống chọi với đại dịch covid-19.
Ông Vũ Bá Phú cho biết, trong vòng 5 năm qua, lượng tiêu thụ thực phẩm và đồ uống tại Việt Nam tăng trung bình lần lượt 9,68% và 6,66%, trong các ngành thuộc lĩnh vực công nghiệp thực phẩm, ngành rau củ và trái cây chế biến chiếm 24,7% tăng trưởng doanh thu của ngành và tiếp tục dự kiến tiềm năng tăng trưởng nhanh nhất nhờ vào hoạt động xuất khẩu và lượng tiêu dùng nội địa, số liệu nổi bật là lợi nhuận ngành này đã chứng kiến sự tăng trưởng gần 205%. Các loại trái cây chủ lực và thu hút khách hàng gồm xoài, chuối, thanh long, cam, dứa.
Đặc biệt, công nghiệp thực phẩm cũng là một trong các ngành công nghiệp chủ lực được chính phủ Việt Nam ưu tiên phát triển từ nay đến 2025, và tầm nhìn đến 2035, đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển kinh tế - xã hội bao gồm: tạo thêm công ăn việc làm, thúc đẩy các hoạt động xuất khẩu hàng hóa và nâng cao thu nhập cho người lao động, định hướng ưu tiên nâng cao tỷ lệ chế biến các sản phẩm nông sản, thủy sản, áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế trong quá trình sản xuất, chế biến, góp phần xây dựng thương hiệu và sức cạnh tranh cho sản phẩm sản xuất tại Việt Nam.
Dư địa cho các nhà đầu tư
Việt Nam là một địa điểm đầy tiềm năng cho ngành công nghiệp thực phẩm, đặc biệt với Hàn Quốc dư địa để doanh nghiệp hai nước thúc đẩy ngành công nghiệp thực phẩm còn rất lớn.
Theo lãnh đạo Cục Xúc tiến thương mại, đối với ngành thực phẩm hai nước, các thương hiệu thực phẩm Hàn Quốc tập trung sản phẩm và dịch vụ qua việc quảng bá sản phẩm đặc trưng của địa phương rất thành công như: rượu Soju vị trái cây, phù hợp với khẩu vị của người Việt vào mùa hè, hay hương vị đã tồn tại lâu dài và có thương hiệu với người Việt đến từ O’Star là bánh Choco Pie cũng không ngừng phát triển và gia tăng thị phần.
Ngược lại, sản phẩm nổi bật tại thị trường Hàn Quốc có nguồn gốc Việt Nam đó là bạch tuộc tươi/sống và đông lạnh, chiếm 80% tổng giá trị xuất khẩu và là sản phẩm xuất khẩu chủ lực của Việt Nam sang thị trường Hàn Quốc, bên cạnh mực chế biến làm sạch đông lạnh, và mực sushi đông lạnh cũng thu hút khẩu vị người tiêu dùng Hàn.
Đặc biệt, hiện tại bốn hiệp định thương mại đã được ký kết có sự hiện diện của hai quốc gia cũng góp phần thúc đẩy đáng kể hàng hóa Việt Nam thâm nhập thị trường Hàn Quốc và ngược lại, bao gồm: Hiệp định Thương mại Tự do ASEAN – Hàn Quốc (AKFTA), Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam – Hàn Quốc (VKFTA), Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP), và đặc biệt là Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).
Ở góc độ địa phương, bà Phạm Thị Đào, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hải Dương cho biết, tỉnh hiện có nhiều sản phẩm đặc sắc, thương hiệu nổi tiếng trên thị trường như vải thiều Thanh Hà, gạo nếp cái Hoa Vàng, gà đồi Chí Linh, bánh đậu xanh, bánh gai Ninh Giang, sứ Hải Dương, gốm Chu Đậu... Hải Dương hiện có 134 dự án đầu tư của Hàn Quốc, với tổng đầu tư đăng ký 1.398 triệu USD. Tuy nhiên, chưa có dự án đầu tư của Hàn Quốc nào đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp chế biến thực phẩm trên địa bàn tỉnh.
Bên cạnh đó, trên địa bàn tỉnh Hải Dương có khoảng 12.040 cơ sở chế biến nông sản; tuy nhiên hình thức tổ chức sản xuất chủ yếu hiện nay là hộ gia đình, quy mô nhỏ lẻ chiếm 98% cơ sở sản xuất, sự gắn kết giữa sản xuất và tiêu thụ thiếu chặt chẽ. Bên cạnh đó, doanh nghiệp chế biến ít, nên chưa tạo động lực mạnh mẽ để phát triển chế biến, chưa hình thành rộng khắp sản xuất - chế biến – tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị nên sản xuất thiếu ổn định và hiệu quả thấp.
Chính vì vậy, bà Phạm Thị Đào đề xuất Chính phủ trình Quốc hội sửa đổi, bổ sung, một số nội dung của Luật Đất đai tạo điều kiện cho việc tập trung, tích tụ đất đai đồng thời sử dụng hiệu quả tài nguyên đất; có cơ chế chính sách khả thi hơn để các cá nhân, hộ gia đình, hợp tác xã, doanh nghiệp vừa và nhỏ đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp tiếp cận được nguồn vốn vay, vốn vay ưu đãi của các tổ chức tín dụng. Bên cạnh đó, các bộ, ngành cần xây dựng và hoàn thiện các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia cho các ngành hàng.
Đặc biệt, cơ quan xúc tiến thương mại – đầu tư Hàn Quốc giới thiệu doanh nghiệp lớn, uy tín đầu tư tại Hải Dương nhà máy chế biến hàng nông sản phục vụ xuất khẩu và tiêu thụ trong nước hoặc đầu tư sản xuất trực tiếp các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, sản xuất nông nghiệp công nghệ cao để làm hạt nhân lan tỏa, nhân rộng trên địa bàn.

Nguồn: Haiquanonline