Còn nhiều vướng mắc

Ông Đoàn Mạnh Trường - Trưởng phòng Quản lý khuyến công (Cục CNĐP) cho biết, tính đến 30/6 vẫn còn 16 đề án khuyến công chưa triển khai, trong đó có 12 đề án về hội chợ, 3 đề án về sản xuất sạch hơn. Nguyên nhân là do các tỉnh, thành phố khu vực miền Bắc, miền Trung thường tổ chức đề án hội chợ vào quý 3 - 4 để tránh mùa mưa.

Cũng theo ông Trường, thời gian từ khâu lập đến phê duyệt đề án kéo dài tới 6 tháng đã phát sinh một số vấn đề. Đầu tiên, do năng lực cân đối tài chính, cơ sở thụ hưởng đã không bố trí được vốn triển khai. Một số địa phương nôn nóng thực hiện đề án trước khi được cấp kinh phí khiến hóa đơn chứng từ không thuộc năm tài chính, không thanh quyết toán được. Với 3 đề án sản xuất sạch hơn, mặc dù trong văn bản chính sách có quy định nhưng hiện không còn phù hợp, khó triển khai buộc địa phương phải xin ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo Bộ làm ảnh hưởng đến tiến độ triển khai.

Cũng với ý kiến này, bà Đỗ Minh Trâm - Phó Cục trưởng Cục CNĐP cho hay: Trung tâm khuyến công các tỉnh, thành phố khu vực phía Nam đang trông chờ vào hướng dẫn của Cục CNĐP để triển khai đề án hỗ trợ sản xuất sạch hơn. Hơn nữa, các đề án khuyến công quốc gia (KCQG) chỉ tập trung hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị, xây dựng mô hình trình diễn, trong khi, địa phương rất quan tâm vấn đề hỗ trợ: Đào tạo nghề; nâng cao năng lực quản trị doanh nghiệp và khởi sự doanh nghiệp.

Sửa đổi văn bản chính sách

Theo lãnh đạo Cục CNĐP, việc gỡ vướng cho những đề án chưa được triển khai, sửa đổi văn bản chính sách thuộc lĩnh vực quản lý của Cục là những vấn đề trọng tâm phải hoàn thành trong năm 2016. Hiện các đơn vị trong Cục đang lấy ý kiến địa phương về những điểm vướng mắc, không phù hợp trong triển khai Thông tư liên tịch số 26/2014/TTLT/BTC-BCT về hướng dẫn trình tự lập, quản lý, sử dụng kinh phí KCQG và kinh phí khuyến công địa phương; Thông tư số 36/2013/TT-BCT về việc xây dựng kế hoạch, tổ chức thực hiện và quản lý kinh phí KCQG. Theo đó, Cục sẽ điều chỉnh về quy trình, thời gian xây dựng kế hoạch, phê duyệt đề án, mức chi giúp các địa phương thuận lợi hơn trong việc triển khai các nội dung khuyến công.

Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Công Thương - Hoàng Quốc Vượng đánh giá cao những kết quả Cục CNĐP đạt được trong 6 tháng đầu năm. Việc phân bổ kinh phí KCQG về địa phương đã nhanh chóng được triển khai và đạt kết quả khá tốt. Hoạt động thông tin tuyên truyền đi vào nền nếp, đặc biệt việc xây dựng được cơ sở dữ liệu về làng nghề, doanh nghiệp nhỏ và vừa… đã tạo thuận lợi cho công tác của Cục. Tuy nhiên, theo Thứ trưởng, sau nhiều năm triển khai, công tác khuyến công luôn có tồn tại phải khắc phục. Mỗi năm có nhiều đề án phải điều chỉnh, thậm chí hoãn, chuyển sang năm sau. Tỷ lệ giải ngân cho đến giữa năm chỉ đạt 25% là thấp.

Thứ trưởng yêu cầu: trong 6 tháng cuối năm, Cục CNĐP cần đẩy mạnh nghiên cứu, đề xuất chính sách phát triển công nghiệp địa phương. Triển khai các đề án khuyến công hướng đến phát triển đội ngũ doanh nghiệp khu vực nông thôn, vùng sâu vùng xa. Công tác đào tạo khởi sự doanh nghiệp, cung cấp thông tin, hỗ trợ về vốn, phát triển thị trường… cần làm tốt hơn. Tăng cường kiểm tra, giám sát đảm bảo đề án được triển khai đúng, đạt hiệu quả cao.

Về Nghị định quản lý CCN, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã ký trình Chính Phủ phê duyệt, Thứ trưởng yêu cầu: Trên tinh thần cải cách thủ tục hành chính, Cục sớm xây dựng văn bản hướng dẫn thực hiện nghị định; tạo điều kiện thuận lợi không chỉ cho doanh nghiệp phát triển hạ tầng CCN mà còn thu hút được doanh nghiệp di dời, doanh nghiệp mới thành lập vào cụm.

Tính đến 31/6 Cục CNĐP đã được giao trên 103 tỷ đồng thực hiện 259 đề án khuyến công. Cục đã giao 75% số kinh phí này về các địa phương để tiến hành thực hiện.

Nguồn: Việt Nga/Báo Công Thương điện tử