Sử dụng than sản xuất điện Việt Nam đối diện với rủi ro
EuroCham đã đưa ra những rủi ro trong quy hoạch hiện tại của ngành điện Việt Nam. Cụ thể, quy hoạch 7 dự kiến có 55 GW điện than vào năm 2030, tăng so với 14 GW hiện nay. Quy hoạch điện 7 dự kiến điện than sẽ chiếm 53,2 % công suất lắp đặt trong cơ cấu năng lượng của Việt Nam đến năm 2030. Nguồn điện tăng thêm này chủ yếu được sản xuất từ than nhập khẩu với chi phí tài chính và rủi ro cao cho Việt Nam.
Cụ thể, Việt Nam sẽ phải nhập khẩu khoảng 10 triệu tấn than mỗi năm từ năm 2017 trở đi, đây là một gánh nặng tài chính và vận tải lớn chưa được phản ánh đầy đủ trong chi phí than giả định.

Theo quy hoạch nêu trên đến năm 2030 Việt Nam sử dụng than cho các nhà máy nhiệt điện than tăng cao gấp 15 lần và trở thành nước sử dụng than nhiều thứ 8 trên thế giới.

Chủ tịch Ngân hàng Thế gipsu Jim Yong Kim đã nhận hồi tháng 5/2016 rằng quyết định của Việt Nam phát triển 40 GW công suất điện than sẽ là một thảm họa cho hành tinh và tuyên bố WB sẽ dành 28% quỹ của mình để hỗ trợ các nước đang phát triển ngành năng lượng tái tạo.

Trong khi đó, EuroCham cho rằng Tập đoàn Điện lực (EVN) không có nguồn lực để thực hiện quy hoạch điện 7.

Tại Việt Nam, tình hình sử dụng năng lượng không hiệu quả dự kiến sẽ trở nên trầm trọng hơn, EuroCham nhận định. Cụ thể, tổ chức này phân tích nhu cầu điện năng gia tăng đã vượt quá mức tăng trưởng đầu vào dẫn đến mức độ sử dụng điện năng tăng nhanh chóng.
Từ năm 2004 đến năm 2014 tốc độ tăng trưởng nhu cầu điện vượt xa tốc độ tăng trưởng GDP. Năm 2004, để tạo ra một đô la GDP cần 0,9kWh điện nhưng năm 2014 con số này tăng lên 1,5 kWh điện cho một đô la GDP.

Khi Việt Nam có mức tăng 70% mức độ sử dụng điện năng trong giai đoạn 10 năm thì mức độ sử dụng điện năng của một số nước trong khu vực giảm Trung Quốc (giảm 0,9%), Thái Lan (giảm 3,2%), Philippin (giảm 17,4%)…Một số nước có mức tăng nhẹ khoảng 0,2- 8% như Malaysia, Indonesia.

“Điều này cho thấy Việt Nam đang sử dụng điện rất kém hiệu quả và tình trạng này sẽ kéo dài nếu không có biện pháp khắc phục lớn về mặt pháp lý như thiếu khung chính sách và năng lực thực thi, biểu giá điện quá thấp, thiếu cơ chế tài chính đối với hoạt động đầu tư vào công nghệ hiệu quả về năng lượng và tiết kiệm năng lượng”, EuroCham khẳng định.

Theo tính toán của Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF), ước tính chi phí do ảnh hưởng sức khỏe và môi trường của các dự án nhiệt điện than trong quy hoạch phát triển điện lực hiện nay có thể lên tới 15 tỷ USD hàng năm vào năm 2030. Con số này được tính với mức ước tính sản lượng phát nhiệt điện than là 311 TWh năm 2030 và số liệu ước tính của ÌM về chi phí môi trường từ việc sử dụng than ở Việt Nam là 2.26 USD Mỹ/GJ tương đương khoản 8,07/MWh điện được sản xuất.
EuroCham kiến nghị cho phép tư nhân tham gia lĩnh vực phát điện
EuroCham khuyến nghị Việt Nam cần tránh phụ thuộc vào than nhập khẩu dễ dẫn tới rủi ro đối với an ninh cung cấp cũng như cần hàng tỷ USD ngoại hối và cân bằng các rủi ro thanh toán. Đồng thời cần giảm gánh nặng về tài chính, chi phí hậu cần và chi phí môi trường của vận chuyển than và xỉ than.
Để phát triển ngành điện, cộng đồng doanh nghiệp châu Âu khuyến nghị Việt Nam áp dụng các biện pháp sử dụng năng lượng hiệu quả, khuyến khích khu vực tư nhân đầu tư vào lưới điện thông minh và công nghệ chuyển đổi thông mình nhằm đưa ra các giải pháp tiết kiệm.
Cũng theo EuroCham, Việt Nam nên cho phép đầu tư tư nhân trong lĩnh vực phát điện, cho phép áp dụng hợp đồng mua bán điện trực tiếp giữa các nhà sản xuất điện và khách hàng tiêu thụ điện lớn vào năm 2017, thực tế này đã cho thấy hiệu quả lớn khi áp dụng ở các quốc gia tương tự.

EuroCham đề xuất đưa ra các yêu cầu bắt buộc về hiệu quả sử dụng năng lượng đối với các sản phẩm cụ thể như các thiết bị máy phát, điều hòa không khí…; xây dựng hệ thống biến chất thải thành năng lượng được cấu trúc hợp lý ở quy mô nhỏ và quy mô lớn nhằm mang lại sức khỏe cho cộng đồng. Đồng thời tăng cường tuyên truyền cho người tiêu dùng giảm lãng phí sử dụng điện.

Nguồn: Hải Minh/ndh.vn