Các nguồn năng lượng hóa thạch như than, khí đốt đang ngày càng cạn kiệt trong khi mục tiêu Chính phủ đặt ra tới năm 2020, ngành năng lượng phải đạt 265 tỷ kWh điện và tới năm 2030 là 570 tỷ kWh, nhưng Việt Nam hiện mới có trên 170 tỷ kWh điện thương phẩm.

Tại hội nghị toàn quốc về Phát triển thủy điện vừa và nhỏ, năng lượng tái tạo diễn ra mới đây, các chuyên gia cho rằng, nguồn thủy điện vừa và nhỏ sẽ góp phần bổ sung lượng điện thiếu hụt. Tuy nhiên, do phong trào xây dựng thủy điện ồ ạt giai đoạn 2010-2014 nên đã nảy sinh một số bất cập, tồn tại và Quốc hội đã đồng ý loại khỏi quy hoạch trên 400 dự án.
Ông Phan Duy Phú - Phó Vụ trưởng Vụ Thủy điện (Tổng cục Năng lượng - Bộ Công Thương) - cho hay: Thời gian qua, việc thẩm định hồ sơ quy hoạch, đánh giá chất lượng xây dựng công trình thủy điện tại các địa phương chưa bài bản, còn nhiều thiếu sót dẫn đến chất lượng quản lý chưa cao, hiệu quả kinh tế thấp...
“Tuy nhiên, đánh giá khách quan trên 300 dự án thủy điện vừa và nhỏ đã được xây dựng với công suất khoảng 3.000 MW, hàng năm đã đóng góp hơn 10 tỷ kWh điện vào hệ thống điện quốc gia; nhiều dự án hoạt động ổn định, không ảnh hưởng đến tái định cư cũng như đời sống của nhân dân vùng thượng, hạ lưu; hoàn thành trồng bù rừng và thực hiện đóng góp theo quy định. Đây là những mặt tích cực của thủy điện vừa và nhỏ” - ông Trần Viết Ngãi - Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam - nhấn mạnh.
Ngoài ra, theo tính toán của các chuyên gia, chi phí vận hành và bảo dưỡng hàng năm của các thủy điện vừa và nhỏ ở mức thấp hơn nhiều so với các nhà máy điện khác và là nguồn cung ứng điện linh hoạt bởi khả năng huy động nhanh.
Lãnh đạo Sở Công Thương nhiều địa phương khẳng định, khai thác tiềm năng thủy điện đã và sẽ mang lại nguồn lợi lớn cho địa phương và đất nước, giải quyết bài toán thiếu điện… Song, để khai thác hiệu quả tiềm năng thủy điện, cần xem xét lựa chọn nhà đầu tư có đủ năng lực quản lý; tăng cường phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương thực hiện tốt công tác quản lý quy hoạch, xây dựng, vận hành và khai thác các công trình thủy điện.
Để phát triển thủy điện nhỏ và vừa bền vững, nhiều chuyên gia khuyến cáo, chúng ta cần tiếp tục hoàn thiện, tạo lập cơ chế, chính sách thu hút nguồn lực đầu tư phát triển nguồn điện và lưới điện. Ban hành các tiêu chuẩn, quy chuẩn quốc gia, các tiêu chuẩn chuyên ngành liên quan đến công tác thiết kế, vận hành các nguồn năng lượng tái tạo. Đặc biệt, nghiên cứu xây dựng và ban hành quy định về cơ chế đấu giá các dự án năng lượng tái tạo...
Ông Trần Viết Ngãi cho rằng, cần xem xét lại trong số các dự án còn có khả năng đầu tư tiếp, đó là những dự án có hiệu quả kinh tế, công suất điện khá (trên 30 MW trở lên), nhất là ở vùng sâu, vùng xa, giảm bớt gánh nặng cho hệ thống điện quốc gia nhưng với điều kiện bảo đảm quy trình lập đề án; có quy trình xây dựng các dự án, trong đó có vận hành hồ chứa...
Theo tính toán của Hiệp hội Năng lượng Việt Nam, nếu cho khai thác thêm khoảng 300 - 400 dự án thủy điện nhỏ và vừa nữa thì tổng công suất nguồn thủy điện khai thác sẽ đạt từ 3.000 - 4.000 MW, có khả năng cung cấp khoảng 15 tỷ kWh điện/năm.
Nguồn: Thanh Tâm/Báo Công Thương điện tử