Nhiều rào cản

Theo ông Lò Văn Thiện - Phụ trách phòng Khuyến công, nguồn ngân sách hỗ trợ khuyến công của tỉnh rất thiếu. Mỗi năm, khuyến công địa phương chỉ được giao khoảng 500 triệu đồng, thậm chí có những năm không bố trí được ngân sách. Trong khi đó, số lượng cơ sở công nghiệp nông thôn (CNNT) trên địa bàn tỉnh ít, có quy mô nhỏ và siêu nhỏ, doanh nghiệp dịch vụ, xây dựng, thương mại chiếm đa số, doanh nghiệp chế biến, sản xuất ít, do vậy việc tìm kiếm đối tượng thụ hưởng đáp ứng được các tiêu chí rất khó khăn. Các cơ sở lại nằm phân tán, xa trung tâm tỉnh, trong khi địa hình phức tạp khiến việc tiếp cận cũng không dễ dàng.

Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp tỉnh Điện Biên đã hoàn thành sớm kế hoạch khuyến công quốc gia năm 2016 với 3 đề án, tổng kinh phí thực hiện 675 triệu đồng, bảo đảm tiến độ triển khai kế hoạch khuyến công địa phương.

 

Hơn nữa, theo quy định, công tác đào tạo nghề phải liên kết và doanh nghiệp tạo việc làm cho học viên sau học nghề. Tuy nhiên, hầu hết các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh có quy mô rất nhỏ, số doanh nghiệp đủ sức tiếp nhận hết số lao động được đào tạo (1 lớp có từ 35 người trở lên) rất ít. Lao động vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa của tỉnh phần lớn là người dân tộc thiểu số, đời sống rất khó khăn không thể theo học chính quy 3 tháng, 6 tháng… Đây là những nguyên nhân khiến khuyến công Điện Biên ít tổ chức được các đề án đào tạo nghề.

Hướng vào nội dung đổi mới công nghệ

Trước những rào cản trên, Sở Công Thương tỉnh Điện Biên hướng hoạt động khuyến công hỗ trợ cho các đề án đổi mới công nghệ vào sản xuất nhằm tạo điển hình, tăng sức hút cho chương trình.

Thực tế, các đề án này đã bước đầu phát huy hiệu quả. Tiêu biểu, năm 2016, Điện Biên triển khai 3 đề án khuyến công quốc gia hỗ trợ các đối tượng thụ hưởng ứng dụng và đổi mới công nghệ sản xuất ngô, cà phê và đồ gỗ. Tổng kinh phí hỗ trợ của các đề án là 675 triệu đồng.

Ông Trương Văn An - Giám đốc Công ty TNHH Hải An (huyện Mường Ảng) - một trong những đối tượng thụ hưởng - cho biết: Năm 2016, Hải An được trung tâm hỗ trợ triển khai đề án ứng dụng thiết bị máy móc trong chế biến cà phê. Từ 250 triệu đồng kinh phí hỗ trợ, Hải An đã đầu tư hệ thống máy rang, xay hiện đại công suất 100kg/mẻ. Hệ thống có tổng giá trị đầu tư khoảng 2,2 tỷ đồng và được nhập khẩu phụ tùng từ Italia. Cùng với việc đầu tư cho công nghệ sản xuất, Hải An cũng đang trồng 20ha cà phê, trong đó 2ha đang thí điểm áp dụng quy trình trồng, chăm sóc, chế biến cà phê theo tiêu chuẩn 4C (sản xuất cà phê bền vững).

Đánh giá về tác động nguồn vốn hỗ trợ, ông An cũng cho hay: Chương trình khuyến công rất hữu ích, đặc biệt là với doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ thuộc vùng sâu, vùng xa như Hải An. Tuy nguồn vốn hỗ trợ không lớn nhưng có giá trị động viên tinh thần rất cao khi sẵn sàng đồng hành cùng doanh nghiệp trong quá trình phát triển đầy khó khăn.

Để tiếp tục phát huy hiệu quả nội dung đã thực hiện, trung tâm cũng đã khảo sát và xây dựng kế hoạch, đề án khuyến công quốc gia năm 2017 với 4 đề án, tổng kinh phí hỗ trợ 600 triệu đồng. Các đề án cũng đều thuộc nội dung hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến vào sản xuất: Tôn lợp dạng sóng tại Công ty TNHH Tiến Phát Điện Biên (200 triệu đồng), gạch lát vỉa hè và lát sân không nung tại Công ty TNHH số 32 (200 triệu đồng), đồ nội thất từ gỗ công nghiệp tại Công ty TNHH Thương mại Đức Hải (100 triệu đồng), đồ trang trí nội thất và hàng lưu niệm tại Công ty TNHH Quảng cáo Alpha (100 triệu đồng).

Ngoài ra, trung tâm cũng có kế hoạch tham quan, học hỏi kinh nghiệm mô hình khuyến công, quản lý cụm công nghiệp hiệu quả tại các tỉnh có điều kiện tương đồng; cung cấp thông tin và tuyên truyền sâu rộng hơn nữa về chương trình khuyến công nhằm thu hút thêm đối tượng thụ hưởng.

Nguồn: Bùi Việt/Báo Công Thương điện tử