Sức hấp dẫn từ thị trường nội địa

Trong những năm qua, ngành dệt may, da giày luôn đứng trong top đầu các nhóm, ngành xuất khẩu (XK) chủ lực của cả nước, với tổng kim ngạch đạt hàng chục tỷ USD mỗi năm. Tuy nhiên, gần đây, do khó khăn cũng như những biến động về nhu cầu tiêu dùng thế giới khiến cho các đơn hàng XK của DN liên tục bị sụt giảm.

Trước bối cảnh thị trường XK sa sút, với mức tiêu thụ nội địa tăng trung bình từ 10-15%/năm, thị trường trong nước đang là mục tiêu được các DN nhắm đến. Đơn cử, năm 2015, tổng doanh thu tại thị trường nội địa của Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) đạt khoảng 26.000 tỷ đồng, tăng 15% so với năm 2014. Năm nay, doanh thu dự kiến tăng trưởng trên dưới 10% so với cùng kỳ năm 2015.

Để chiếm lĩnh thị trường nội địa, các DN thành viên của Vinatex đã thường xuyên thay đổi cách thức kinh doanh cho phù hợp với thị trường và không ngừng mở rộng hệ thống phân phối sản phẩm trên toàn quốc, đem đến cho người tiêu dùng những sản phẩm có chất lượng như khăn bông cao cấp Mollis của Tổng công ty CP Phong Phú; áo sơ mi thương hiệu Việt Tiến, An Phước, May 10…

Không riêng ngành dệt may, các DN da giày cũng đã và đang ngày càng chú trọng hơn đến khu vực thị trường trong nước. Đơn cử, nhận thấy những tiềm năng lớn của khu vực thị trường nội địa, đầu thập niên 1990, Biti’s chuyển hướng tập trung sang thị trường nội địa và ghi dấu ấn bằng thông điệp quảng cáo nổi tiếng “Nâng niu bàn chân Việt”. Không ngừng nâng cao chất lượng và cải thiện giá bán, hiện Biti’s đang là một trong những DN da giày hàng đầu Việt Nam với tốc độ tăng trưởng đạt mức khoảng 15-20%/năm.

Cùng với Biti’s, nhiều DN da giày khác cũng thường xuyên đẩy mạnh đầu tư, nghiên cứu, phát triển mẫu thiết kế, cho ra đời những sản phẩm dành riêng cho thị trường trong nước như giày Tuvi’s, 8Topia của Công ty Giày Tuấn Việt; Prowin của Công ty Giày Nam Bình; giày Thượng Đình…

Xử lý mạnh nạn hàng nhái, hàng giả

Theo đánh giá của Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas), với dân số hơn 90 triệu người, mức tiêu dùng hàng dệt may hiện nay chiếm khoảng 5-6% chi tiêu của người dân, tương đương khoảng 3,5 tỷ USD, cho thấy đây là thị trường rất tiềm năng đối với các DN nội địa. Tuy nhiên, để có thể chiếm được thị phần từ 10-30% lại là điều rất khó, bởi lẽ, trên thị trường hiện nay, hàng lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng được bày bán tràn lan.

Đồng ý kiến với Vitas, theo Hiệp hội Da giày Việt Nam, hàng nhái, hàng giả, hàng kém chất lượng nhập lậu từ nước ngoài về Việt Nam gây ảnh hưởng lớn đến thương hiệu, sản xuất và tiêu thụ trong nước của các DN da giày.

Thực tế, hàng nhái, hàng giả với đặc trưng nguyên liệu rẻ, không phải chịu thuế nên có giá bán rất cạnh tranh. Thậm chí, lợi dụng sức ảnh hưởng của Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, hàng nhái, hàng giả còn được gắn mác hàng Việt Nam chất lượng cao, hàng hiệu, khiến nhiều người tiêu dùng nhầm lẫn. Do vậy, xử lý tốt các sản phẩm hàng nhái, hàng giả trên thị trường là điều quan trọng nhằm khuyến khích DN đẩy mạnh sản xuất, giúp sản phẩm đứng vững trên thị trường.

Ông Hoàng Vệ Dũng - Phó Tổng giám đốc Vinatex:

Coi trọng thị trường nội địa chính là một yếu tố để đẩy mạnh xuất khẩu, vì làm tốt ở trong nước, DN sẽ có thương hiệu của riêng mình, có giá trị thiết kế, giá trị gia tăng. Hơn nữa, chúng ta đang ở thời điểm thuận lợi để tập trung vào thị trường trong nước bởi người tiêu dùng đang có xu hướng đẩy mạnh lựa chọn hàng Việt Nam.

 

 Nguồn: Phương Lan/Báo công thương điện tử