Đối diện nguy cơ

Rõ thấy nhất là hiện tượng bão lũ, ngập úng kéo dài xuất hiện những năm gần đây đã gây hư hại nhiều di tích lịch sử văn hóa, tài nguyên du lịch. Không chỉ vậy, việc gia tăng các hiện tượng thời tiết cực đoan cũng ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động vận chuyển hành khách. Nước biển dâng cũng khiến một số bãi biển có thể bị biến mất trong khi một số khác bị xói lở sâu vào đất liền, ảnh hưởng đến tài nguyên thiên nhiên ở vùng đất thấp ven biển, làm hư hại các khu bảo tồn, khu du lịch sinh thái, cơ sở hạ tầng du lịch; một số cơ sở hạ tầng du lịch buộc phải di chuyển hoặc đình trệ kinh doanh, tăng chi phí cải tạo, bảo trì… Tình trạng xói lở bãi biển tại bờ Bắc Cửa Đại, Quảng Nam bắt đầu từ năm 2004 và ngày càng trở nên nghiêm trọng cho thấy sự đe dọa đã là hiện hữu.

Thiệt hại do tác động của BĐKH đối với ngành Du lịch mặc dù rất nặng nề như vậy, nhưng theo đánh giá của ông Peter Burns - Chuyên gia cao cấp về chính sách biến đổi khí hậu Dự án ESRT (Chương trình Phát triển du lịch có năng lực và trách nhiệm với môi trường xã hội do EU tài trợ) thì những năm qua, các Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Việt Nam đã có nhận thức về nguy cơ của BĐKH, nhưng lại thiếu kiến thức chuyên môn về thích ứng và giảm thiểu. Các biện pháp thích ứng thường dựa trên các ứng phó của từng doanh nghiệp, không có những nỗ lực hợp tác được điều phối trong một kế hoạch tổng thể. Ngược lại, phía các cơ quan nghiên cứu BĐKH địa phương có kiến thức khoa học rất tốt, nhưng không nhận thức được những vấn đề, khó khăn cụ thể, riêng biệt đối với ngành Du lịch.

Giải pháp giảm tiêu cực

Tại Hội nghị “Việt Nam hướng tới du lịch bền vững trong kỷ nguyên BĐKH” mới đây, các chuyên gia cho rằng, đã đến lúc cần có các biện pháp thích nghi để giảm bớt hậu quả do tác động BĐKH. Theo đó, tất cả các cơ quan Chính phủ phải nhận thức rõ về du lịch, đưa ra chiến lược phát triển du lịch xanh, gắn du lịch với các hành động bảo vệ môi trường và khí hậu.

Đại diện Tập đoàn Khách sạn Accor, ông Anthony Slewka đã đưa ra những cam kết, hành động cho dịch vụ lưu trú tích cực. Đó là, khách hàng tham gia trải nghiệm bền vững, không để thức ăn thừa và phấn đấu thực phẩm tốt cho sức khỏe. Đơn vị này còn khẳng định 100% khách sạn thuộc hệ thống làm việc tay trong tay với cộng đồng dân cư để có những tác động tích cực. Còn ông Bùi Kiến Quốc - Phó chủ tịch Viện Kiến trúc Pháp - Việt Nam đã trình bày dự án thí điểm sinh thái chống sạt lở, bảo vệ, phát triển hành lang tre ven sông thay vì dùng công nghệ, thiết bị nặng khi phát triển du lịch nông thôn tại thôn Triêm Tây, xã Điện Phương, Quảng Nam. Theo ông Quốc, hiệu quả đạt được của dự án là giữ lại cảnh quan của ngôi làng từng bị sạt lở từ 20 - 40m kể từ năm 2010; thu hút và phát triển du lịch nông thôn; không có chi phí nhà nước, người dân được hưởng lợi…

Nhằm hỗ trợ ngành Du lịch Việt Nam phát triển có trách nhiệm và bền vững, từ tháng 4/2016 đến nay, Dự án ESRT đã huy động chuyên gia quốc tế và trong nước về BĐKH để nghiên cứu thực tế của Việt Nam và các điển hình tốt của quốc tế. Sau khi khảo sát thực địa tại khu vực 3 tỉnh duyên hải miền Trung và 3 tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long (Cần Thơ, An Giang, Kiên Giang), các chuyên gia đã xây dựng bộ tài liệu “Hướng dẫn thực hành tốt về phát triển du lịch bền vững trong bối cảnh BĐKH tại Việt Nam”. Dự kiến, bộ tài liệu hướng dẫn sẽ được hoàn thiện trong tháng 8 năm nay để bàn giao cho Tổng cục Du lịch phổ biến rộng rãi.

Ngành Du lịch muốn phát triển bền vững trong kỷ nguyên BĐKH toàn cầu rất cần sự đồng thuận của người dân, khách du lịch trong việc sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên, ngăn chặn các tác động gây hủy hoại và ô nhiễm môi trường.

Nguồn: Bảo Thoa/Báo Công Thương điện tử