Bước trưởng thành ấn tượng
EVNNPT được thành lập vào tháng 7/2008 trên cơ sở tổ chức lại 4 Công ty Truyền tải điện 1, 2, 3, 4 và 3 Ban quản lý Dự án các công trình điện miền Bắc, miền Trung và miền Nam, hoạt động theo mô hình Công ty TNHH một thành viên 100% vốn nhà nước. Nhiệm vụ chính của EVNNPT là đầu tư xây dựng, quản lý vận hành hệ thống truyền tải điện quốc gia và thực hiện sứ mệnh "Bảo đảm truyền tải điện an toàn, liên tục, ổn định cho các hoạt động kinh tế, chính trị, xã hội, an ninh, quốc phòng và thị trường điện Việt Nam".
Trước năm 1975, hệ thống điện truyền tải của Việt Nam khá manh mún, phân tán, thiếu sự đồng bộ và chỉ có cấp điện áp 110kV. Ở khu vực miền Bắc, năm 1963, mới đưa vào đóng điện vận hành tuyến đường dây 110kV đầu tiên là Đông Anh - Việt Trì, Uông Bí - Hải Phòng. Trong khoảng thời gian 10 năm tiếp theo, các tuyến đường dây tiếp tục được xây dựng kết nối để thu gom, truyền tải điện năng từ 9/12 nhà máy điện ở miền Bắc đến các trung tâm phụ tải. Tại khu vực phía Nam, năm 1961, tuyến đường dây 230kV Đa Nhim - Sài Gòn dài 257km - tuyến đường dây truyền tải cấp điện áp 220kV đầu tiên của Việt Nam - được xây dựng và hoàn thành vào 3 năm sau đó với sự giúp đỡ của Chính phủ Nhật Bản.
Nếu như trước năm 1981, cả nước mới có 2 đường dây và 2 trạm biến áp 220kV, thì đến nay, lưới điện truyền tải đã vươn tới 62/63 tỉnh, thành phố và từng bước kết nối lưới truyền tải điện của các nước trong khu vực với công nghệ ngày càng hiện đại. Hết năm 2016, EVNNPT đã quản lý vận hành trên 22.907km đường dây, trên 126 trạm biến áp với tổng dung lượng máy biến áp là 69.749MVA. Số lượng cán bộ, kỹ sư, công nhân viên của ngành truyền tải từ chỗ chỉ có vài chục người nay đã đạt con số hơn 7.800 người, đủ năng lực, kinh nghiệm để vận hành an toàn hệ thống điện hiện đại.
Phát huy vai trò “trục xương sống”
Dù đã xây dựng được hệ thống nguồn điện với công suất trên 43.000MW và hệ thống lưới phân phối hàng trăm nghìn km để cung cấp điện cho hơn 24 triệu khách hàng là doanh nghiệp, người dân nhưng nếu không có hệ thống lưới điện truyền tải (cấp điện áp 220 - 500kV) đủ năng lực thì mọi cố gắng cũng đều vô nghĩa. Chính vì vậy, hệ thống điện truyền tải được ví như “trục xương sống” của cả nền kinh tế.
Nói đến “trục xương sống” ấy, không thể không nhắc đến đường dây 500kV mạch 1, mạch 2 và đang chuẩn bị cho đường dây mạch 3. Bởi lẽ, nguồn điện của Việt Nam phân bố không đều và có sự chênh lệch khá lớn. Trong khi ở miền Bắc thừa nguồn cung (thủy điện và nhiệt điện than) thì ở miền Nam - khu vực tăng trưởng kinh tế năng động nhất cả nước, tiêu thụ khoảng 50% sản lượng điện lại thiếu nguồn.
Chỉ tính riêng đường dây 500kV mạch 1 đi vào hoạt động, sản lượng điện truyền tải đã tăng lên đáng kể, chấm dứt tình trạng thiếu điện cục bộ ở miền Trung và miền Nam. Năm 1994, sản lượng điện truyền tải trên lưới đạt 988 triệu kWh, năm 1995 đã lên tới 2.813 triệu kWh. Điện năng cung cấp cho miền Trung tăng thêm 43%, chất lượng điện áp được cải thiện rõ rệt. Hệ thống truyền tải điện 500kV Bắc - Nam đã đáp ứng hơn 30% nhu cầu điện năng của miền Nam; vào mùa khô, tỷ trọng này lên tới 40%.
Năm 2016, EVNNPT đã thực hiện truyền tải sản lượng điện đạt 156,16 tỷ kWh, trong đó sản lượng truyền tải cho miền Nam trên đường dây 500kV đạt trên 15,8 tỷ kWh, tương đương 18% tổng nhu cầu điện của toàn miền Nam và con số này sẽ tăng lên 21 tỷ kWh vào năm 2019.
Nguồn: Đình Dũng/Báo Công Thương điện tử