Thiếu gỗ nguyên liệu trầm trọng

Ông Bùi Như Việt - Phó Chủ tịch Hiệp hội Gỗ Bình Dương - thông tin, hiện nay các DN chế biến gỗ phía Nam đang ngồi trên đống lửa vì nguồn cung nguyên liệu ngày càng thu hẹp.

Nguyên nhân là do thời gian qua rất nhiều DN Trung Quốc vào Việt Nam thu mua với số lượng lớn. Nếu cứ để tình trạng này xảy ra thì nguy cơ nguyên liệu gỗ dành cho sản xuất trong nước thiếu hụt trầm trọng.

Bà Trương Mộng Trinh - Giám đốc Công ty Gỗ Mộc Lục khẳng định: “DN nước ngoài vào thu mua gỗ nguyên liệu ngày càng nhiều. Điều này vô hình trung dẫn đến tình trạng khan hiếm gỗ nguyên liệu. Bằng chứng giá gỗ nguyên liệu liên tục tăng cao trong thời gian qua, cụ thể trước đây mức giá chỉ dao động từ 2 – 3 triệu/m3 nay lên đến hơn 5 triệu đồng/m3.

Liên quan đến giá gỗ nguyên liệu, ông Đỗ Xuân Lập - Chủ tịch Hiệp hỗ Gỗ Bình Định cho hay, đến thời điểm này giá gỗ cao su tăng 20 – 25%. Thị trường nguyên liệu gỗ có sự cạnh tranh rất lớn về giá. Có nhiều địa chỉ bán gỗ yêu cầu DN phải mua hơn mức giá bán cho DN nước ngoài. Điều này đang tạo ra sức ép rất lớn, thậm chí là nguy cơ khủng hoảng gỗ nguyên liệu tại các DN ở TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, và Bình Định.

Cần hướng giải quyết kịp thời

Các DN sản xuất gỗ trong nước cho rằng, thời gian qua, Chính phủ đã thể hiện sự quan tâm bảo vệ ngành chế biến gỗ trong nước bằng các giải pháp, trong đó có chính sách thuế xuất khẩu đối với các mặt hàng gỗ nguyên liệu và sản phẩm gỗ của Việt Nam hiện hành theo Thông tư 182/2015/TT-BTC ngày 16 /11 /2015. Tuy nhiên, mức thuế suất thuế xuất khẩu hiện tại chưa đủ sức hạn chế hoạt động xuất khẩu gỗ nguyên liệu sang Trung Quốc một cách ồ ạt như thời gian qua.

Để bảo vệ ngành chế biến gỗ xuất khẩu trong nước và đảm bảo nguồn gỗ nguyên liệu rừng trồng được cung cấp đầy đủ và bền vững trong những năm tới, các DN đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Hiệp hội Gỗ và lâm sản Việt Nam kiến nghị Chính phủ ban hành các giải pháp hạn chế xuất khẩu gỗ nguyên liệu một cách hiệu quả.

Đồng thời, đề nghị tăng mức thuế suất thuế xuất khẩu đối với mặt hàng gỗ tròn và gỗ xẻ (không phân biệt quy cách “Loại chiều dày từ 30mm trở xuống, chiều rộng từ 95mm trở xuống, chiều dài từ 1.050mm trở xuống”) lên cùng mức 20% trong khung quy định Nghị quyết số 830/2009/UBTVQH12 ngày 17/10/2009 của Ủy ban thường vụ Quốc hội.

Về phía cơ quan nhà nước, bà Dương Phương Thảo - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) - cho rằng, trong thời gian tới cần siết xuất khẩu nguyên liệu gỗ. Song song đó, Chính phủ sẽ tạo cơ chế khai thác gỗ ở nước ngoài. Nghĩa là sẽ làm việc với DN trồng rừng của Việt Nam ở các nước Campuachia, Lào và làm việc với Chính phủ hai nước trên để đưa nguồn gỗ nguyên liệu đang bị kẹt cứng ở đây. 

Nguồn: Thùy Dương/Báo Công Thương điện tử