Nhu cầu tăng cao

Trong những năm qua, nhờ có đầu tư lớn, liên tục và đa dạng từ nhiều nguồn vốn khác nhau nên đến nay, hệ thống nguồn điện Việt Nam đã đạt gần 39.000 MW, đáp ứng đủ nhu cầu điện cho nền kinh tế và sinh hoạt của người dân, đồng thời có dự phòng khoảng 20%.

Ông Đinh Thế Phúc - Phó Cục trưởng Cục Điều tiết Điện lực, Bộ Công Thương - cho biết, trong thời gian qua độ dự phòng điện ở phía Nam rất thấp nên đã phải truyền tải điện từ miền Bắc và miền Trung vào cung ứng cho miền Nam. Khi làm quy hoạch điện VII, đã tính đến việc bổ sung thêm nguồn điện cho miền Nam. Trước có trung tâm điện lực Phú Mỹ, và giờ đang trung tâm điện lực Vĩnh Tân và Duyên Hải. Tuy nhiên với tốc độ tăng trưởng nhu cầu điện ở Việt Nam rất cao thì đòi hỏi các dự án đầu tư phải đảm bảo đúng tiến độ cam kết thì mới có thể giảm bớt chênh lệch, cân bằng nguồn cung cầu.

Mặc dù khẳng định năm 2017, Cục vẫn đảm bảo đủ điện cho nền kinh tế, tuy nhiên về lâu dài vẫn cần đầu tư thêm nhiều nguồn điện và lưới điện. Theo tổng sơ đồ VII hiệu chỉnh, trong giai đoạn 2016-2030 nhu cầu nguồn điện tăng thêm là 95.852 MW  (bình quân ~6.400MW/năm). Riêng giai đoạn 2016-2020, cần đưa vào vận hành 21.650MW (~4.330MW/năm). Trong đó EVN chỉ có thể đảm bảo khoảng 7.185MW (bằng 33,2%), còn lại gần 14.500MW (66,8%) do các doanh nghiệp khác đầu tư.

Nhưng để thực hiện mục tiêu này là không hề đơn giản, vì Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều thách thức như thiếu nguồn vốn, các vấn đề về môi trường, giải phóng mặt bằng...

Theo ông Đinh Thế Phúc, để đạt được mục tiêu theo Quy hoạch VII điều chỉnh, số tiền đầu tư xây dựng phát triển nguồn điện và lưới điện các loại trong 5 năm là gần 40 tỷ USD. Bình quân mỗi năm gần 7,9 tỷ USD.

Ông Franz Genner - Chuyên gia năng lượng của Ngân hàng thế giới - cho rằng việc thu hút 70% nguồn vốn đầu tư từ tư nhân là rất khó, nhất là trong bối cảnh giá điện hiện nay quá thấp. Trong quá khứ, gần 1/3 nguồn đầu tư đều dựa vào ODA, tuy nhiên việc duy trì nguồn này cũng tương đối khó khăn vì nguồn vốn hữu hạn và ngày càng có yêu cầu khắt khe hơn.

Trong khi đó, đơn vị đang đầu tư, sản xuất, cung ứng điện lớn nhất tại Việt Nam là Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) hiện nay đang gặp khó khăn về tài chính, do thiếu nguồn vốn, do chênh lệch tỷ giá hối đoái….

Còn theo Tiến sĩ Trần Đình Thiên - Viện trưởng Viện Kinh tế thì hiện chúng ta đang đối mặt với nhiều vấn đề gay gắt như: Đầu tư rất lớn, khả năng cung ứng vốn ít và còn hàng loạt vấn đề khác đặc biệt là vấn đề môi trường và hiệu quả.

“Tôi nghĩ rằng, bàn đến vấn đề điện phải bàn đến vấn đề cung điện, nhưng cung như thế nào, cung cho cái gì? Thiếu hay thừa, có vấn đề gì về ô nhiễm?... mà chỉ có 1 mình EVN đứng ra cáng đáng thì rất khó. Thiếu điện còn do dùng điện chứ không chỉ do cung cấp điện. Cho nên cần phải thấy mức độ gay gắt của vấn đề để xét cả 2 chiều” – TS Thiên nhấn mạnh.

Những thách thức về giá

Ông Franz Genner cho rằng Việt Nam đã rất thành công trong việc tạo nên các nguồn điện từ nhiệt điện than, mang đến nguồn điện giá rẻ. Tuy nhiên, những nguồn lực nội địa không đủ cung ứng trong tương lai nên phải nhập khẩu than. Việt Nam đang kỳ vọng dựa vào nguồn năng lượng tái tạo như gió, mặt trời… tuy nhiên đầu tư vào nguồn năng lượng này khá tốn kém.

Vấn đề là làm thế nào để thu hút đầu tư vào nguồn điện tuy nhiên với giá điện Việt Nam hiện nay không đủ cao để hấp dẫn  đầu tư trong tương lai.

“Với giá 7,6 cent/KWh hiện nay, khó thu hút đầu tư vào giá điện. Ước tính giá điện 7,6 cent/KWh này chỉ đủ để đáp ứng chi phí vận hành, bảo trì của EVN” - ông Franz Genner chia sẻ thêm.

Cùng quan điểm này, TS. Trần Đình Thiên cho rằng nếu giá điện không được cải thiện thì không ai đầu tư cả.  Nếu giá điện theo cơ chế thị trường sẽ buộc người sản xuất, người tiêu dùng phải tiết kiệm. Giá cao khiến họ phải thay đổi công nghệ và cũng khiến nhà đầu tư sẵn sàng đầu tư vào ngành điện.

Ngoài ra, vấn đề về môi trường nhiệt điện cũng cần phải xem xét kỹ lưỡng để hạn chế tối đa những tác động đến xã hội, tuy nhiên nếu giải quyết vấn đề giá thành đầu tư, sử dụng công nghệ cao, tiên tiến hiện đại, cùng các giải pháp triệt để xử lý tro xỉ than; bên cạnh đó là các chế tài giám sát chặt chẽ các doanh nghiệp tuân thủ quy định về môi trường thì nhiệt điện than vẫn có thể chấp nhận được.

Đâu là giải pháp?

Để đảm bảo cung ứng điện cho nền kinh tế, nhiều chuyên gia cho rằng cần có một giải pháp đồng bộ, cụ thể và quyết liệt hơn.

Theo đó, bên cạnh việc tiếp tục đầu tư cả nguồn và lưới điện theo Quy hoạch, ông Phúc khuyến cáo người dân, doanh nghiệp sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả.

Tiết kiệm hiện nay dựa trên cơ sở tự nguyện. Và như vậy các doanh nghiệp được khuyến khích áp dụng các biện pháp để đáp ứng chỉ tiêu nhất định nhưng thiếu sự bắt buộc để đảm bảo được chỉ tiêu đó. Do đó, cần có chính sách bắt buộc với những cơ chế thưởng phạt rõ ràng, đồng thời tăng cường giám sát đối với các doanh nghiệp sử dụng điện.

Ông Franz Genner cho rằng cần tăng giá điện theo cơ chế thị trường, duy trì biểu giá điện bậc thang, có hỗ trợ cho người nghèo như hiện nay.

Về lâu dài, TS Thiên khẳng định cần một giải pháp chiến lược. Nghĩa là cần thay đổi tư duy tiếp cận mới. Không nên duy trì một nền kinh tế tiêu tốn năng lượng, sử dụng năng lượng quá nhiều như xi măng, thép...Muốn vậy phải tái cơ cấu, lựa chọn mô hình tăng trưởng có trọng tâm. Như vậy phải tiếp cận ở cả hai phía cầu và cung.

Nguồn: Đình Dũng/Báo Công Thương điện tử