Chỉ cung ứng khoảng 10% nhu cầu nội địa
Theo Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương), hiện nay, năng lực và công nghệ sản xuất của phần lớn doanh nghiệp (DN) CNHT Việt Nam còn hạn chế, chỉ cung ứng được khoảng 10% nhu cầu nội địa. DN Việt Nam hầu như chưa tiếp cận và đáp ứng được yêu cầu của khách hàng đối với sản phẩm CNHT có hàm lượng công nghệ cao. Khoảng cách giữa yêu cầu của những tập đoàn đa quốc gia và khả năng sản xuất của DN sản xuất nội địa còn khá lớn. Một số DN tham gia CNHT chỉ quan tâm mở rộng quy mô, chứ chưa quan tâm nhiều đến đầu tư chiều sâu công nghệ và thiết bị. Trong khi đó, để tham gia được vào chuỗi sản xuất của tập đoàn đa quốc gia phải đáp ứng được 3 yếu tố: Chất lượng ổn định, giao hàng đúng hẹn và giá cả hợp lý.
Với những hạn chế này, Chính phủ đã ban hành Quyết định số 68/QĐ-TTg về Chương trình phát triển CNHT từ năm 2016 đến năm 2025, tạo tiền đề và định hướng phát triển cho ngành CNHT của Việt Nam với nhiều cơ chế, chính sách ưu tiên, đặc biệt là nguồn lực cho DN nội địa như: Chương trình nâng cao năng lực DN; liên kết tìm thị trường; hỗ trợ công nghệ mới để tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu. Thông qua chương trình này giúp giảm giá thành một số mặt hàng công nghiệp tiêu dùng như ôtô, dệt may, da giày, điện tử...
Sẽ tăng tỷ lệ nội địa hóa
Mục tiêu chung đến năm 2020, sản phẩm CNHT đáp ứng khoảng 45% nhu cầu cho sản xuất nội địa, đến năm 2025, đáp ứng được 65%. Đặc biệt, trong giai đoạn đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025, Chính phủ tập trung phát triển CNHT thuộc 3 lĩnh vực chủ yếu.
Đối với lĩnh vực linh kiện phụ tùng, tập trung phát triển linh kiện phụ tùng kim loại, linh kiện phụ tùng nhựa - cao su và linh kiện phụ tùng điện - điện tử, đáp ứng mục tiêu đến năm 2020 cung ứng được 35% nhu cầu sản phẩm linh kiện phụ tùng cho các ngành công nghiệp ưu tiên phát triển. Đến năm 2025, cung ứng được 55% nhu cầu trong nước, đẩy mạnh sản xuất các lĩnh vực sản phẩm phục vụ ngành công nghiệp công nghệ cao.
Trong lĩnh vực CNHT ngành dệt may - da giày, tập trung phát triển nguyên vật liệu và phụ liệu phục vụ ngành dệt may - da giày, đáp ứng mục tiêu đến năm 2020, tỷ lệ cung cấp trong nước của ngành công nghiệp dệt may đạt 65%, ngành da giày đạt 75-80%.
Lĩnh vực CNHT cho công nghiệp công nghệ cao sẽ tập trung phát triển sản xuất vật liệu, thiết bị hỗ trợ chuyên dụng, phần mềm và dịch vụ phục vụ các ngành công nghiệp; phát triển hệ thống DN cung cấp thiết bị hỗ trợ chuyên dụng, hỗ trợ chuyển giao công nghệ...
Khi chương trình trên triển khai thực hiện, Việt Nam sẽ từng bước đạt được các mục tiêu đề ra về phát triển CNHT trong một số ngành. Quan trọng hơn, nhờ CNHT mà các nguồn nguyên liệu đầu vào cho sản xuất được chủ động hơn, qua đó, giảm được nhập siêu, nâng cao năng suất lao động và gia tăng giá trị hàng hóa.
Hàng năm, căn cứ vào chương trình và đề xuất của Bộ Công Thương, Bộ Tài chính cân đối kinh phí từ ngân sách để thực hiện các hoạt động phát triển CNHT; UBND cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương xây dựng kế hoạch, dự toán kinh phí thực hiện để bố trí trong dự toán ngân sách nhà nước của địa phương theo quy định của Luật Ngân sách và quy định hiện hành.

Nguồn: Báo Công Thương điện tử