Giá giảm, tiêu thụ cũng giảm
Theo thông tin từ Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), nhu cầu thép yếu tại hầu hết khu vực trên thế giới và tâm lý tiêu cực đã tác động đến giá bán thép thành phẩm. Xu hướng giảm giá thép trên phạm vi toàn cầu càng được củng cố thêm khi các doanh nghiệp thép Trung Quốc đang tìm cách đẩy mạnh xuất khẩu với tốc độ giá giảm nhanh để cạnh tranh.
Tính từ đầu năm đến nay, giá thép xây dựng đã có 12-13 đợt giảm liên tiếp, hiện thép CB240 ở mức 13,74 - 14,48 triệu đồng/tấn; còn D10 CB300 khoảng 14,06 - 15,1 triệu đồng/tấn.
Đại diện Hiệp hội này cho biết, nhu cầu tiêu thụ thép xây dựng trong nước yếu nên các nhà máy cạnh tranh liên tục, điều chỉnh giá bán giảm dần. Bên cạnh đó, thị trường bất động sản chưa có tín hiệu khả quan trở lại, một vài dự án nhà ở xã hội cũng mới được triển khai chưa nhiều.
Theo số liệu từ VSA, sản lượng thép xây dựng sản xuất trong tháng 6 đạt 738.196 tấn, giảm 9% so với tháng trước và giảm 20% so với tháng 6/2022. Lượng bán hàng đạt 874.441 tấn giảm 6% so với tháng trước và giảm 14% so với cùng kỳ năm 2022; trong đó, xuất khẩu thép xây dựng đạt 149.623 tấn, giảm 21,5%.
Lũy kế 6 tháng đầu năm, sản lượng thép xây dựng sản xuất đạt gần 5 triệu tấn, giảm 25,5% so với cùng kỳ 2022. Lượng tiêu thụ đạt gần 5,1 triệu tấn, giảm 22,7% so với cùng kỳ năm 2022; trong đó xuất khẩu đạt 831.000 tấn, giảm 38%.
“Đây là tình hình khó khăn chung của toàn ngành thép khi giá liên tục giảm từ đầu quý II cho tới nay, nhu cầu tiêu thụ trong nước và xuất khẩu thấp khiến các doanh nghiệp phải cắt giảm sản xuất”, đại diện VSA cho hay.
Hiện giá quặng sắt loại (62% Fe) giao dịch ở mức 112 USD/tấn, tăng không đáng kể so với thời điểm đầu tháng 6/2023. Giá quặng sắt bình quân quý II/2023 khoảng 113 USD/tấn, giảm 11% so với đầu quý I/2023 và giảm 19% so với cùng kỳ năm 2022. Giá quặng sắt bình quân 6 tháng 2023 là 118,3 USD/tấn, giảm 15% so với cùng kỳ năm 2022.
Giá than mỡ luyện cốc ở mức khoảng 230 USD/tấn FOB, tương đương mức giá giao dịch so với đầu tháng 6/2023. Giá than mỡ luyện cốc giao dịch bình quân quý II/2023 ở mức 243,8 USD/tấn, giảm 29% so với mức giá bình quân quý I/2023 và giảm 45% so với cùng kỳ 2022. Mức giá giao dịch bình quân 6 tháng đầu năm 2023 đạt 293,6 USD/tấn, giảm 36,9 % so với cùng kỳ năm trước.
VSA cho hay, riêng trong tháng 5/2023, các đơn vị đã điều chỉnh giá bán thép xây dựng 5 lần với tần xuất giảm 1 lần/tuần, với các mức giảm từ 100-200 đồng/kg/lần tùy chủng loại sản phẩm, nhưng sức tiêu thụ của thị trường vẫn rất yếu.
Trong đợt giảm giá ngày 29/5, nhiều doanh nghiệp đồng thời thực hiện bảo lãnh giá cho hàng và tiếp tục bảo lãnh hàng bán vào thị trường dân dụng. Điều này cho thấy xu hướng dò đáy của giá thép xây dựng vẫn có khả năng tiếp tục trong thời gian tới.
Có khởi sắc về cuối năm?
Theo Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV), giá quặng sắt trong phiên 12/7 đã tăng 3% lên 108,93 USD/tấn. Mặc dù vậy, giá sắt vẫn đang thấp hơn gần 16% so với mức đỉnh gần nhất được lập được kể từ tháng 3.
Tại Việt Nam, mặc dù đối mặt nhiều thách thức nhưng nền kinh tế nước ta vẫn có những điểm sáng riêng. Cụ thể, để hỗ trợ doanh nghiệp và người dân tiếp cận dòng vốn phục vụ sản xuất, kinh doanh, Ngân hàng Nhà nước đã tiến hành hạ lãi suất lần thứ tư liên tiếp.
Chi phí tín dụng giảm sẽ là yếu tố hỗ trợ cho các doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh thép trong nước, góp phần cải thiện lợi nhuận trước thuế. Chính phủ cũng liên tục điều hành một cách quyết liệt để tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp. Mới đây, Thủ tướng Chính phủ cũng đã đốc thúc Ngân hàng Nhà nước và các ngân hàng thương mại cần tiếp tục nghiên cứu, điều chỉnh điều kiện cho vay thuận lợi hơn, tiết giảm chi phí để hạ lãi suất cho vay.
Tuy nhiên, dư địa giảm lãi suất có giới hạn, nên bên cạnh chính sách tiền tệ, chính sách tài khoá vẫn tiếp tục được kỳ vọng sẽ là một trụ cột tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong năm nay, đặc biệt là lĩnh vực đầu tư công.
Theo Bộ Tài chính, giải ngân vốn đầu tư công 6 tháng đầu năm 2023 ước đạt 215.578,9 tỷ đồng, tương đương 30,49% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, Tính riêng trong tháng 6/2023, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công tăng trên 8%, cao hơn gần gấp đôi tốc độ giải ngân bình quân những tháng trước của năm 2023.
Theo ông Phạm Quang Anh, Giám đốc Trung tâm Tin tức MXV, sắt thép là loại nguyên vật liệu quan trọng với các công trình xây dựng, công trình cao tốc. Vì thế, việc giá sắt duy trì ở vùng giá hợp lý như hiện nay sẽ góp phần làm giảm bớt sức ép chi phí đối với các doanh nghiệp. Bên cạnh đó, sự tăng trưởng của các hoạt động đầu tư công và cơ sở hạ tầng cũng sẽ góp phần giải quyết bài toán đầu ra và tạo điều kiện thuận lợi để ngành sắt thép trong nước tăng trưởng.
MXV cho biết tình hình sản xuất và tiêu thụ thép nội địa trong tháng 5 đã có sự cải thiện so với tháng 4. Những khó khăn được kỳ vọng sẽ giảm bớt trong giai đoạn cuối năm, đặc biệt là vào quý IV, bởi đây là giai đoạn nhu cầu tăng cao khi các công trình xây dựng gấp rút đẩy nhanh tiến độ.
Bên cạnh đó, triển vọng đầu tư công vẫn sẽ hỗ trợ khơi thông tiêu thụ sắt thép trong nước. Năm 2023, Quốc hội đã thông qua kế hoạch đầu tư công với tổng số vốn trên 700.000 tỷ đồng, tăng khoảng 25% so với kế hoạch năm 2022.
“Việt Nam là quốc gia dẫn đầu châu Á về đầu tư cơ sở hạ tầng để thúc đẩy nền kinh tế, với mức chi khoảng 5,7% GDP. Việt Nam cũng đang trong thời kỳ chuyển đổi hướng đến một nền kinh tế thu nhập cao và phát triển cơ sở hạ tầng đóng vai trò quan trọng trong việc đạt được mục tiêu đó. Do đó, đầu tư công gia tăng đối với các dự án cơ sở hạ tầng sẽ là “lực kéo” giúp thị trường sắt thép nội địa vượt khó trong cuối năm nay”, ông Phạm Quang Anh đánh giá.
Hơn nữa, kỳ vọng thị trường bất động sản dần phục hồi vào giai đoạn cuối năm 2023 cũng được coi là nền tảng thuận lợi cho các doanh nghiệp vật liệu xây dựng. Nhờ sự góp sức của Chính phủ, ngành sản xuất thép được kỳ vọng sẽ vượt khó trong giai đoạn cuối năm và khẳng định vị thế là ngành công nghiệp mũi nhọn để phát triển kinh tế đất nước, ông Phạm Quang Anh nhận định.
Theo ông Phạm Công Thảo, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Thép Việt Nam, dự báo thời gian tới thị trường thép vẫn còn khó khăn. Trong bối cảnh đó Tổng công ty tiếp tục chỉ đạo các đơn vị trong hệ thống phát huy tính chủ động, năng động, sáng tạo, quyết đoán trong công tác điều hành sản xuất kinh doanh tại đơn vị mình nhằm kiểm soát tình hình, khắc phục và từng bước vượt qua khó khăn, phấn đấu hoàn thành ở mức cao nhất kế hoạch được giao; đồng thời chủ động chuẩn bị các điều kiện cần thiết để tranh thủ cơ hội khi thị trường phục hồi...