4 phương án cấp điện

Ông Ngô Sơn Hải - Phó Tổng giám đốc EVN - cho biết, trong 10 tháng, điện sản xuất và mua của EVN đạt 152,5 tỷ kWh, tăng 11,91% so với cùng kỳ. Ước tính cả năm 2016, tổng sản lượng điện sản xuất và mua của EVN ước đạt 183,2 tỷ kWh, tăng 11,54% so với năm 2015, cao hơn 660 triệu kWh so với kế hoạch phê duyệt đầu năm.

Căn cứ kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 5 năm từ 2016 - 2020 và năm 2017, cũng như các yếu tố đầu vào của hệ thống, EVN đưa ra 4 phương án cấp điện. Cụ thể, phương án cơ sở được dự tính phụ tải tăng trưởng 11,5%, tần suất nước về đạt 65%. Trong phương án này, EVN sẽ huy động cao nguồn nhiệt điện than ở phía Nam như Vĩnh Tân 2, Duyên Hải 1, Duyên Hải 3. Dự kiến, EVN sẽ huy động nguồn điện dầu từ tháng 3/2017 với sản lượng 2,22 tỷ kWh mùa khô và cả năm là 2,23 tỷ kWh.

Phương án 2 ước tính phụ tải tăng 11,5%, tần suất nước về kém cả mùa khô và mùa lũ. Sản lượng thủy điện chỉ đạt 7,6 tỷ kWh; do đó, cần huy động cao các tổ máy nhiệt điện than, khí và dầu. Từ tháng 2/2017, phải huy động điện dầu Ô Môn, tháng 4 huy động thêm nhiệt điện dầu Thủ Đức, Cần Thơ với sản lượng điện 2,68 tỷ kWh mùa khô và 4,87 tỷ kWh cả năm.

Phương án 3 với phụ tải cao hơn so với phương án cơ sở là 2,7 tỷ kWh, tần suất nước về tốt đạt 65%. Trong 6 tháng mùa khô, vẫn phải huy động cao nguồn nhiệt điện than, khí và dầu. Ước tính, sản lượng điện dầu huy động mùa khô đạt 2,44 tỷ kWh và 3,1 tỷ kWh cả năm.

Phương án 4 là phụ tải cao 13%, nước về kém 75%. Ngoài huy động cao các nguồn điện khác, sản lượng điện dầu phải huy động cao ngay từ đầu năm. Đặc biệt, trong mùa khô, cần huy động tới 3 tỷ kWh và 5,6 tỷ kWh cả năm.

Các giải pháp thực hiện

Theo ông Ngô Sơn Hải, dù phương án nào, EVN cũng không tiết giảm phụ tải và bảo đảm cung cấp đủ điện phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Hiện, EVN đang thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp để thực hiện kế hoạch cấp điện: Chỉ đạo các đơn vị tập trung sửa chữa, củng cố các tổ máy thủy điện, các tổ máy nhiệt điện than, tua-bin khí; bố trí hợp lý lịch bảo dưỡng các tổ máy; tích nước các hồ thủy điện đến mực nước dâng bình thường để bảo đảm khả dụng nguồn cao nhất cho mùa khô năm 2017, đặc biệt là các nguồn thủy điện miền Trung. Đồng thời, yêu cầu các tổng công ty phát điện quản lý vận hành các nhà máy an toàn, tin cậy ngay từ đầu năm, nhất là các nhà máy phía Nam; nhanh chóng hòa lưới Vĩnh Tân 4; chủ động tìm nguồn nhập khẩu than cho các nhà máy mới; đẩy nhanh việc khảo sát xây dựng các nhà máy điện năng lượng gió, mặt trời…

EVN đề nghị Bộ Công Thương chỉ đạo Tập đoàn Dầu khí Việt Nam bảo đảm đủ khí khu vực Đông Nam bộ cho phát điện, rút ngắn tối đa thời gian ngừng cấp khí bảo dưỡng các hệ thống khí, đặc biệt không thực hiện các công tác gây giảm khả năng cấp khí trong mùa khô; vận hành ổn định các tổ máy của nhà máy điện Cà Mau 1 và 2, Nhơn Trạch 1, Nhơn Trạch 2, Vũng Áng 1. Đồng thời, chỉ đạo Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam đảm bảo cung cấp đủ than cho các nhà máy nhiệt điện than, nhất là cho các nhà máy Vĩnh Tân 2, Duyên Hải 1; vận hành ổn định các nhà máy điện Cẩm Phả, Sơn Động, Na Dương, Cao Ngạn, Mạo Khê, Đồng Nai 5 của TKV.

Để bảo đảm điện, EVN cũng đề nghị Bộ Công Thương chỉ đạo các nhà máy BOT đầu tư tại Lào vận hành theo định hướng kế hoạch cung cấp điện 2017; đồng thời chỉ đạo các chủ đầu tư tại các trung tâm điện lực có phương án đấu nối phù hợp hạn chế dòng ngắn mạch; đẩy mạnh thực hiện chương trình tiết kiệm điện theo Chỉ thị 171 của Chính phủ.

Ông Ngô Sơn Hải – Phó Tổng giám đốc EVN:

EVN đề nghị Bộ Công Thương nghiên cứu đề xuất Chính phủ về chính sách Quy hoạch phát triển phụ tải vùng miền và điều tiết nhu cầu giữa các mùa trong năm nhằm tối ưu hóa chi phí trong toàn hệ thống, giảm áp lực trong đầu tư nguồn và lưới.

 Nguồn” Đình Dũng/Báo công thương điện tử