Trong kiến nghị đưa ra tại Hội nghị chiều 7/4 do Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì với các bộ ngành, 94 cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, các hiệp hội, doanh nghiệp để chủ động thích ứng tình hình mới về thương mại quốc tế, ông Trương Văn Cẩm, Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt May Việt Nam (Vitas) cho rằng, mức thuế 46% đối với Việt Nam là thách thức lớn đối với nhiều doanh nghiệp dệt may. Đây là mức thuế quá cao và khiến doanh nghiệp dệt may phải cạnh tranh khốc liệt hơn với các nước khác.
Mức thuế 46% sẽ khiến hàng hóa Việt Nam giảm lợi thế cạnh tranh so với các nước khác như Trung Quốc (34%), Ấn Độ (26%), Bangladesh (37%), Indonesia (32%), Mexico (25%), Pakistan (29%), Thổ Nhĩ Kỳ (10%), Honduras (10%).
Trước bối cảnh đầy thách thức như vậy, ông Trương Văn Cẩm cho rằng, các doanh nghiệp, nhất là những doanh nghiệp xuất khẩu lớn sang Mỹ cần tỉnh táo, tự tin, cập nhật tình hình, hợp tác chặt chẽ với nhau, với người mua hàng để cùng tìm ra giải pháp, chia sẻ rủi ro, lợi ích. Bên cạnh đó, cần đa dạng hóa thị trường, đặc biệt là các thị trường có tiềm năng như thị trường Halal, Nam Mỹ và thị trường Việt Nam đã ký FTA.
Doanh nghiệp cũng cần tận dụng cơ hội về chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo để nâng cao năng lực nội tại, ứng phó với biến động và yêu cầu của thị trường.
Ông Trương Văn Cẩm cũng kiến nghị các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài bên cạnh việc tìm hiểu, chia sẻ thông tin về thị trường sở tại, nhu cầu, thị hiếu, dung lượng... và khả năng hợp tác thương mại, đầu tư với dệt may Việt Nam, cũng cần tăng cường kết nối giao thương để doanh nghiệp 2 bên gặp gỡ, trao đổi, liên kết hợp tác.
Về phía chính phủ và các bộ, ngành, Phó chủ tịch Vitas kiến nghị, cần xúc tiến nhanh đàm phán FTA ASEAN - Canada hoặc có thể khởi động song phương FTA Việt Nam – Canada để có thể quy định xuất xứ 2 công đoạn mà dệt may Việt Nam và Canada cùng quan tâm, thay vì 3 công đoạn trong CPTPP mà hai nước là thành viên.
Chính phủ cũng cần rà soát ban hành mới và duy trì các chính sách thuế, phí, lệ phí, tiếp cận vốn vay, giảm lãi suất, khoanh nợ, giãn nợ, giữ nguyên nhóm nợ, giảm các khoản đóng góp để hỗ trợ doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp chịu tác động trực tiếp vượt qua giai đoạn khó khăn.
Theo số liệu của Vitas, xuất khẩu dệt may của Việt Nam năm 2024 đạt 43,6 tỷ USD, trong đó sang Mỹ 16,6 tỷ USD, chiếm 38% kim ngạch xuất khẩu toàn ngành và bằng 15% kim ngạch nhập khẩu dệt may của Mỹ.
Năm 2024, nhập khẩu dệt may của Việt Nam đạt 24,8 tỷ USD, trong đó từ Mỹ 1,2 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 4,8%.
 

Nguồn: doanhnghiepkinhdoanh.doanhnhanvn