Dẫn chứng cụ thể ông Bảo nêu, nếu tính riêng doanh nghiệp (DN) trong nước thì vào tháng 10 vừa qua Công ty XNK Bắc Giang đã đưa thêm dây chuyền sản xuất giấy Tissue số 2 vào hoạt động, đưa công suất lên 18.000 tấn giấy/năm. Công ty CP giấy An Bình đã có dự án đầu tư mới với công suất khoảng 380.000 – 420.000 tấn/năm ở Bầu Bàng. Công ty CP Đông Hải Bến Tre (DHC) đã dự án xây dựng nhà máy giấy Giao Long 2 với tổng vốn đầu tư 660 tỷ đồng, công suất 500tấn/ngày và dự kiến dự án sẽ hoàn thành và đi vào hoạt động trong tháng 8 - 9/2017. Ngoài ra còn có hàng loạt các DN như: Công ty Giấy Lam Sơn, Công ty Giấy Mộc Sơn mỗi một DN này sẽ đưa vào hoạt động máy khoảng 30.000 tấn/năm…

Với DN nước ngoài, Công ty TNHH giấy Lee & Man (thuộc Tập đoàn Lee & Man Paper Hong Kong – Trung Quốc) dự kiến đầu năm 2017 sẽ đưa vào vận hành nhà máy 420 ngàn tấn/năm tại Hậu Giang. Công ty TNHH Cheng Loong Bình Dương (thuộc Tập đoàn Cheng Loong, Đài Loan) đầu tư lên tới 22.700 tỷ đồng (tương đương hơn 1 tỷ USD) cho nhà máy giấy tại khu công nghiệp Singapore Ascendas - Protrade (thị xã Bến Cát, tỉnh Bình Dương). Dự án có diện tích 75ha, công suất lên tới 1 triệu tấn giấy công nghiệp và 50.000 tấn giấy tiêu dùng mỗi năm. Dự kiến bắt đầu cung cấp giấy ra thị trường từ đầu năm 2018.

Công ty CP MIZA đầu tư mở rộng dây chuyền tái chế giấy thải để sản xuất giấy bao bì, bao gói chất lượng cao, nâng công suất từ 25.000 tấn/năm lên 32.500 tấn/năm. Công ty TNHH Giấy Kraft Vina - công ty con của Tập đoàn SCG tại Việt Nam rót thêm 180 triệu USD để đầu tư mở rộng nhà máy ở Việt Nam. Dự kiến dây chuyền sản xuất mới sẽ đi vào hoạt động vào quý I/2017, đưa tổng công suất của Kraft Vina lên 500 nghìn tấn/năm và trở thành nhà sản xuất giấy lớn nhất Việt Nam…

Theo ông Bảo, đến năm 2018, công suất của hàng loạt dự án này vào khoảng 3 triệu tấn giấy/năm. Mặc dù nguồn cung cho thị trường sẽ được gia tăng nhưng theo ông Bảo, Việt Nam vẫn còn phải nhập khẩu khoảng 400.000 tấn giấy kraft (giấy tái sinh, dùng nhiều trong công nghiệp và Việt Nam chưa sản xuất được) thay vì phải nhập khẩu 1,6 triệu tấn giấy các loại như hiện nay.

Những dẫn chứng kể trên cho thấy ngành giấy rất có tiềm năng nên các DN mới đổ vốn vào đề đầu tư, nâng công suất hoạt động tại Việt Nam lên. Tuy nhiên, sân chơi của ngành giấy sẽ thuộc về các DN lớn, có sự đầu tư bài bản (chủ yếu là DN FDI). Các DN giấy trong nước vẫn tiếp tục phát triển nhưng chiếm lĩnh thị trường cấp thấp hơn, do các loại máy sản xuất dưới 400.000 tấn/năm. Còn những dây chuyền khoảng 10.000 – 20.000 tấn/năm sẽ bị đào thải dần vì không đủ công nghệ xử lý môi trường và cũng không thể chịu nổi mức xử phạt đã tăng lên rất cao, chứ chưa nói tới năng lực cạnh tranh, chất lượng sản phẩm.

Nhận định về sự phát triển của DN trong nước, ông Mạc Cẩm Phước, Trưởng phòng Kinh doanh Công ty Valmet Việt Nam - cho rằng, “bố cục” trong ngành bao bì và bột giấy đã được sắp xếp xong. Trong đó, phần bánh ngon đều đã nằm trong tay các DN FDI như Kraft Vina (thuộc Tập đoàn SCG - Thái Lan), Tetra Pak (Thụy Điển), Combibloc (Đức)… Việt Nam chỉ được vài cái tên như An Hòa, Tổng công ty Giấy Việt Nam…

"Điều đáng buồn là chúng ta chỉ chiếm lĩnh thị trường cấp thấp và vẫn sản xuất giấy bằng máy Trung Quốc gây ô nhiễm môi trường. Nếu trong tương lai chúng ta không cải thiện được vấn đề này thì sẽ khó lòng tồn tại trên thị trường", ông Phước nói.

Nguồn: Thùy Dương/Báo Công Thương điện tử