An toàn và ổn định 

Trao đổi với phóng viên Báo Công Thương ông Phạm Lê Phú - Giám đốc PTC1 - cho biết: 5 năm qua, lao động bình quân công ty sử dụng chỉ tăng 8,38%, trong khi khối lượng công việc tăng gấp 4 - 5 lần, khối lượng đường dây và trạm biến áp luôn tăng trưởng trên 10%... nhưng công ty vẫn luôn hoàn thành nhiệm vụ, bảo đảm lưới điện truyền tải, đặc biệt là hệ thống truyền tải 500 kV Bắc - Nam vận hành ổn định, cung cấp điện an toàn liên tục. Năm 2016, công ty đạt sản lượng điện truyền tải 63,9 tỷ kWh, bằng 100,1% kế hoạch năm, tăng trưởng 13,9% so với sản lượng điện truyền tải thực hiện năm 2015. Tỷ lệ tổn thất điện năng (TTĐN) lưới 220kV là 1,22%, thấp hơn kế hoạch giao (1,33%). Số sự cố do sét chỉ còn 44 vụ, giảm 40 vụ so với năm 2015, tương ứng với tỷ lệ giảm 47,6%. Đặc biệt không có sự cố lớn gây ảnh hưởng đến quá trình cung cấp điện hay mất điện trên diện rộng.
Với những khó khăn trong công tác quản lý, vận hành, PTC1 đã thành lập Ban chỉ đạo giảm TTĐN do giám đốc công ty làm trưởng ban, đồng thời giao chỉ tiêu TTĐN cho từng đơn vị, theo dõi tỷ lệ TTĐN của từng đường dây và máy biến áp. Trên cơ sở phân tích, đánh giá nguyên nhân chủ quan và khách quan làm tăng, giảm TTĐN của từng khu vực, để từ đó công ty có các giải pháp kịp thời khắc phục, bảo đảm lưới điện vận hành an toàn.
Xác định tầm quan trọng của việc giảm TTĐN, trong năm 2016, PTC1 đã hoàn thành các công trình nâng công suất trạm biến áp 220kV Thanh Hóa từ 125+250MVA lên 2x250MVA; máy biến áp 500kV AT2 Thường Tín lên 900MVA; trạm biến áp 220kV Hoành Bồ từ 2x125MVA lên 125+250MVA… Đồng thời công ty cũng đã tiếp nhận đưa vào vận hành 8 trạm biến áp mới, đưa khối lượng vận hà nh lên tổng số 52 trạm, 9 trạm biến áp 500kV và 43 trạm 220kV. Tổng chiều dài đường dây tăng thêm là 453,9km tương ứng với mức tăng 8% so với cuối năm 2015. Các dự án đã kịp thời góp phần chống quá tải trên lưới, cũng như đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế tại các tỉnh phía Bắc và bảo đảm công tác quản lý, vận hành ổn định, truyền tải liên tục cho tuyến đường dây 500 kV Bắc - Nam.
 Đưa khoa học công nghệ vào quản lý và sản xuất
Là doanh nghiệp thuộc Tổng công ty Truyền tải điện quốc gia (EVNNPT), có địa bàn hoạt động trải dài và rộng tại 27 tỉnh phía Bắc, nhiều đơn vị thành viên đặt tại các tỉnh, khu vực có địa hình, địa lý khó khăn, phức tạp, để nâng cao công tác quản trị, đáp ứng yêu cầu quản lý, vận hành đường dây, PTC1 đã chủ động đưa công nghệ thông tin vào quản lý. Thông qua phần mềm E-office, mọi cán bộ, công nhân viên ở các vị trí đều nắm bắt yêu cầu của từng công việc đối với từng cá nhân. Ngoài ra các phần mềm như: Điều hành giao ban phục vụ đá nh giá kết quả nhiệm vụ theo tuần; phần mềm về duyệt phương án dự toán qua mạng; phần mềm hệ thống kế toán; phầm mềm quản lý đường dây; phần mềm lấy thông số vận hành trên lưới điện, trên MBA; phần mềm kiểm tra online MBA; phần mềm quản trị nhân sự… việc áp dụng công nghệ thông tin đã góp phần xử lý khó khăn về khoảng cách địa lý, tiết giảm chi phí đi lại và hội họp, đồng thời xử lý kịp thời các vấn đề nảy sinh trong quá trình hoạt động.

 

 PTC1 cũng đã sử dụng công nghệ kiểm soát hạn chế ảnh hưởng của sét đến đường dây; phun rửa vệ sinh cách điện sứ hotline; lọc dầu online; kiểm tra online các máy biến áp; dùng Flycam kiểm tra đường dây và vận hành hành lang tuyến, giúp hỗ trợ công tác quản lý vận hành sản xuất, công nghệ này có thể ứng dụng để chuyển dây mồi phục vụ kéo dây hay cho những địa hình, vị trí phức tạp, khó khăn như khu vực miền núi để kiểm tra các vị trí cột và đường dây mà những vị trí, địa điểm đó con người không có khả năng tiếp cận.
Còn nhiều thách thức
Trong giai đoạn 2016-2020, EVNNPT xác định mục tiêu đó là tiếp tục đầu tư mở rộng hệ thống truyền tải điện quốc gia để đáp ứng nhu cầu tăng trưởng về điện năng của đất nước, đồng thời phải phát triển theo chiều sâu, tập trung nâng cao năng suất, chất lượng hiệu quả. Nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt cả giai đoạn này là nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh và tăng năng suất lao động, cũng như tập trung xây dựng hệ thống truyền tải điện quốc gia đồng bộ, hiện đại, đến năm 2020 chuyển 60% trạm biến áp vận hành theo tiêu chí không người trực.
 
Chia sẻ về vấn đề này ông Phạm Lê Phú cho hay; Hiện công ty đã xây dựng phương án tổ chức sản xuất và bố trí lao động đối với trạm biến áp vận hành theo tiêu chí không người trực. Tuy nhiên, khó khăn chính là hệ thống cơ sở hạ tầng không đồng bộ, nhiều thiết bị ghép kênh đã vận hành lâu năm, tổ chức không khoa học nên chưa xác định được ghép kênh chủ để các phần tử còn lại đồng bộ theo (chế độ master/slaver) nên nhiều khi dẫn đến mất hoặc trượt đồng bộ kênh… Cục Cảnh sát phòng cháy chữa cháy (PCCC) chưa thống nhất ban hành quy định về trang thiết bị PCCC cho trạm biến áp không người trực. Ngoài ra, hiện nay EVN và EVNNPT cũng đang xem xét điều chỉnh lại mô hình và quy trình vận hành tại Trung tâm điều khiển xa theo hướng tập trung tại các trung tâm điều độ miền.
Để thực hiện bài toán hiện đại hóa hệ thống truyền tải, nâng cao năng suất và chất lượng truyền tải, PTC1 mong muốn EVNNPT sớm có định hướng rõ về mô hình, cũng như phương án giải quyết các khó khăn, vướng mắc liên quan tới các điều kiện cần để thực hiện Đề án Trung tâm điều khiển xa và trạm biến áp không có người trực.

Nguồn: Hường Th/Báo Công Thương điện tử