Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 9,66%, đóng góp 2,58% vào mức tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế, tiếp tục khẳng định ngành công nghiệp chế biến, chế tạo vẫn là động lực tăng trưởng cho nền kinh tế.
Theo số liệu được Tổng cục Thống kê công bố ngày 29/6, sản xuất công nghiệp trong quý 2/2022 tăng trưởng khá do hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp được duy trì và đang dần phục hồi, tốc độ tăng giá trị tăng thêm ước đạt 9,87% so với cùng kỳ năm trước.
6 tháng đầu năm, giá trị tăng thêm toàn ngành công nghiệp ước tính tăng 8,48% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 9,66%, đóng góp 2,58% vào mức tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế.
Đáng chú ý, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) 6 tháng đầu năm 2022 so với cùng kỳ năm trước của một số ngành trọng điểm tăng cao. Chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo 6 tháng đầu năm 2022 tăng 9,4% so với cùng kỳ năm 2021.
Ngược lại, một số địa phương có chỉ số IIP tăng thấp hoặc giảm do hoạt động sản xuất kinh doanh vẫn gặp nhiều khó khăn, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo chưa lấy lại đà tăng trưởng cao như thời điểm trước khi xảy ra dịch bệnh.
Chỉ số tồn kho toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo ước tính tại thời điểm 30/6/2022 tăng 6,1% so với cùng thời điểm tháng trước và tăng 14,1% so với cùng thời điểm năm trước (cùng thời điểm năm trước tăng 29,5%). Tỷ lệ tồn kho toàn ngành chế biến, chế tạo bình quân 6 tháng đầu năm 2022 là 78%.
Về lao động, số lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp công nghiệp tại thời điểm 1/6/2022 tăng 1,3% so với cùng thời điểm tháng trước và tăng 5,8% so với cùng thời điểm năm trước.
Mặc dù hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến chế tạo và xây dựng đã phục hồi sau đại dịch Covid-19, nhu cầu sản xuất, xây dựng tăng cao, tuy nhiên do Trung Quốc giảm dần sản lượng sản xuất, xuất khẩu thép khiến nguồn cung sắt, thép toàn cầu sụt giảm làm cho giá sắt, thép trong nước liên tục bị đẩy lên cao. Bên cạnh đó, giá xăng, dầu tăng dẫn đến giá các nguyên vật liệu khác dùng cho xây dựng cũng tăng như: xi măng, cát, sỏi…., điều này đã tác động trực tiếp đến giá thành xây dựng các công trình, dự án đã ký kết. Các doanh nghiệp, nhà thầu xây dựng đang đứng trước nguy cơ phải tự bù lỗ khi giá nguyên vật liệu tăng đối với các hợp đồng đã ký.
Để tạo điều kiện thuận lợi, hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất kinh doanh, các doanh nghiệp kiến nghị cần quyết liệt và kịp thời hơn nữa để bình ổn giá nguyên vật liệu đầu vào cho ngành xây dựng để các doanh nghiệp ổn định thi công.
Đồng thời, hướng dẫn thực hiện điều chỉnh hợp đồng, điều chỉnh giá hợp đồng do ảnh hưởng biến động giá vật liệu đối với các dự án đang triển khai theo quy định của pháp luật, đặc biệt với các công trình giao thông để đảm bảo đúng tiến độ. Đẩy nhanh tiến độ đền bù, giải phóng mặt bằng để bàn giao cho các doanh nghiệp thi công.
Bên cạnh đó, cần tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn dễ dàng hơn thông qua các thủ tục vay vốn ngân hàng thuận lợi, nhanh chóng; bổ sung vốn kịp thời cho các dự án thuộc nguồn vốn ngân sách nhà nước, hạn chế tình trạng nợ đọng thanh toán cho các công trình làm ảnh hưởng đến vòng quay vốn của doanh nghiệp.
Và tổ chức đấu thầu công khai với các dự án đầu tư công, tiếp tục rà soát lại những nhà thầu thi công chậm tiến độ, năng lực thi công kém để chuyển cơ hội cho các nhà thầu khác thi công do sau dịch Covid-19 nhiều doanh nghiệp, nhà thầu không có công trình mới.
 

Nguồn: Haiquanonline