Theo Sở Công Thương Hậu Giang, nguyên nhân giá trị sản xuất trong tháng 8/2016 không cao là do ngành chế biến thủy sản xuất khẩu trong tỉnh rơi vào thế bị động bởi các rào cản kinh tế, các tiêu chuẩn chất lượng khắt khe của các thị trường châu Âu và Mỹ, kéo theo giá trị sản xuất chung của toàn tỉnh không tăng cao.

Về hoạt động thương mại, trong tháng 8/2016 các nhóm ngành hàng như lương thực, thực phẩm, đồ dùng, dụng cụ, gỗ, vật liệu xây dựng, xăng, dầu, gas đều có xu hướng giảm so với tháng trước, chỉ có một số nhóm hàng phục vụ năm học mới như hàng may mặc, vật phẩm tăng. Tuy nhiên, tỷ trọng của các nhóm này nhỏ nên không làm tăng tổng mức bán lẻ chung của toàn tỉnh so với tháng trước.

Theo đó, tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ trong tháng đạt 2.448,33 tỷ đồng, bằng 95,69% so với tháng trước và tăng 10,16% so với cùng kỳ. Lũy kế 8 tháng, tổng mức bán lẻ hàng hóa, doanh thu dịch vụ tiêu dùng và doanh thu hoạt động dịch vụ lưu trú, ăn uống, du lịch lữ hành được 20.609,98 tỷ đồng, tăng 7,68% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, tổng mức bán lẻ hàng hóa thực hiện được 14.911,19 tỷ đồng; ngành dịch vụ (trừ dịch vụ lưu trú, ăn uống, du lịch lữ hành) đạt 1.965,26 đồng; ngành lưu trú, ăn uống, du lịch lữ hành đạt 3.653,53 tỷ đồng.

Sở Công Thương Hậu Giang cho biết, trong các tháng tới, để hoàn thành những kế hoạch đã đề ra, Sở sẽ phối hợp với các sở ngành tìm những biện pháp thiết thực nhằm khắc phục những khó khăn và tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp cũng như cơ sở kinh doanh cá thể hoạt động kinh doanh hiệu quả hơn.

Nguồn: Thùy Dương/Báo Công Thương điện tử