Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ Công Thương Cao Quốc Hưng cho biết, trong 10 năm qua công nghiệp Việt Nam đã có những thành tựu nổi bật. Giá trị sản xuất công nghiệp Việt Nam sau 10 năm tăng cao gần 3,5 lần từ 0,34 triệu tỷ đồng lên 1,17 triệu tỷ đồng với tỷ trọng đóng góp vào GDP duy trì ổn định khoảng 31 - 32% và trở thành ngành đóng góp nhiều nhất cho ngân sách nhà nước.
Theo đó, công nghiệp luôn là ngành xuất khẩu (XK) chủ đạo của Việt Nam với tỷ trọng ở mức xấp xỉ 90% tổng kim ngạch XK cả nước qua các năm. Cơ cấu XK của các ngành công nghiệp chuyển dịch theo hướng tích cực với tỷ trọng các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo từ mức 46,7% năm 2000 lên 97,3% vào năm 2015. Trong khi nhóm ngành khoáng sản liên tục giảm, từ 22% năm 2007 xuống còn 7% vào năm 2010 và 2,7% vào năm 2015, thì đối với các ngành như điện tử, dệt may và da giày đã trở thành 3 ngành XK chủ lực của nền kinh tế với tỷ trọng chiếm hơn 60% tổng kim ngạch XK cả nước.
Tuy nhiên, đánh giá một cách thực chất cho thấy: Tái cơ cấu trong lĩnh vực công nghiệp chuyển dịch vẫn còn chậm, chưa thực sự đi vào chiều sâu; Năng suất lao động trong các ngành chậm cải thiện, các ngành công nghiệp phần lớn vẫn chỉ tham gia được ở các khâu giá trị gia tăng thấp của chuỗi giá trị toàn cầu; phát triển ngành Công nghiệp hỗ trợ vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu của các ngành sản xuất trong nước; sản xuất tăng cao chủ yếu ở một số nhóm ngành có vốn đầu tư nước ngoài; phân bố không gian công nghiệp chưa khai thác được tốt lợi thế về vị trí địa lý, tiềm năng của các địa phương.
Theo Thứ trưởng Cao Quốc Hưng, Việt Nam vẫn đứng thứ 101 trong tổng số 143 nước về chỉ số giá trị gia tăng trong ngành công nghiệp chế biến chế tạo theo bình quân đầu người. Đồng thời, năng suất lao động công nghiệp Việt Nam vẫn bị bỏ xa so với các nước phát triển và các nước trong khu vực… “Đây là những vấn đề đáng lo ngại khi mà Việt Nam mới chỉ ở giai đoạn đầu của quá trình công nghiệp hóa” - Thứ trưởng lưu ý.
Tại “Kế hoạch cơ cấu lại ngành công nghiệp giai đoạn 2016- 2020” của Bộ Công Thương cũng chỉ ra 12 điểm nghẽn lớn khiến tăng trưởng công nghiệp của Việt Nam chậm và chưa thực sự bền vững. Trong đó, một số ngành công nghiệp chủ đạo chưa được tổ chức theo mô hình chuỗi giá trị, đặc biệt là ngành công nghiệp định hướng XK. Việt Nam chỉ tham gia ở các công đoạn có giá trị gia tăng thấp như gia công, lắp ráp.
Để tập trung các giải pháp tái cơ cấu ngành công nghiệp, nhiều ý kiến tại hội thảo cho rằng, cần phải chỉ ra những điểm còn yếu, tắc nghẽn trong phát triển các ngành nghề một cách rõ nét và đúng hơn.
Dưới góc độ phát triển ngành công nghiệp cơ khí, ông Nguyễn Văn Thụ- Chủ tịch Hiệp hội Cơ khí Việt Nam cho rằng, cần ưu tiên phát triển nhanh các nhóm ngành và sản phẩm cơ khí trọng điểm có lợi thế cạnh tranh trên cơ sở có nhu cầu thị trường trong và ngoài nước. Mục tiêu tổng quát của ngành cơ khí đến năm 2025 là sản xuất cơ khí khai thác trên 90-95% năng lực ngành, đáp ứng tối thiểu 55-60% nhu cầu thị trường nội địa, sản phẩm XK chiếm 34-36% giá trị sản lượng.
Chia sẻ về vấn đề này, ông Dương Duy Hưng - Vụ trưởng Vụ Kế hoạch (Bộ Công Thương) cho biết, nếu Việt Nam không cải tiến công nghiệp và dịch chuyển nhanh sang các ngành công nghiệp công nghệ cao hơn, tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu sẽ khó có cơ hội để cải thiện tốc độ tăng trưởng. Theo đó, Việt Nam cần lựa chọn một số ngành công nghiệp có quy mô lớn và đóng góp quan trọng cho tăng trưởng kinh tế để tập trung cải thiện năng suất, chất lượng và giá trị gia tăng như dệt may, da giày, ngành công nghiệp thực phẩm, hóa chất và giá trị gia tăng như dệt may, da giày, ngành công nghiệp thực phẩm, hóa chất và các sản phẩm hóa chất, cơ khí…
“Sau buổi hội thảo, Bộ Công Thương sẽ tập hợp các ý kiến, sửa đổi và tiếp tục rà soát thêm, hoàn thiện hơn bản kế hoạch để trình Chính phủ, với mục tiêu từ nay đến 2020, quá trình tái cơ cấu trong CN sẽ diễn ra mạnh mẽ, hiệu quả hơn” - ông Hưng khẳng định.
Nguồn: Lan Anh - Phạm Tiệp/Báo Công Thương điện tử