Kim ngạch xuất khẩu xơ, sợi dệt các loại trong quý I tăng 31%. Kim ngạch xuất khẩu vải mành, vải kỹ thuật khác tăng 8,8%.
Bộ Công Thương nhận định, ngành dệt may trong quý I đã có nhiều tín hiệu khởi sắc hơn so với cùng kỳ năm trước. Dù dịch bệnh vẫn còn, tuy nhiên đến thời điểm hiện nay các doanh nghiệp đã tìm ra được hướng đi phù hợp. Thị trường dệt may thế giới đã dần sôi động trở lại.
Chính vì vậy, chỉ số sản xuất ngành dệt tính chung 3 tháng đầu năm 2021 tăng 5,1% so với cùng kỳ năm 2020 (tháng 3 tăng 5,3% so với cùng kỳ). Chỉ số sản xuất trang phục tăng 1,4% so với cùng kỳ năm 2020 (tháng 3 tăng 0,1%).
Một số sản phẩm trong ngành đạt mức tăng trưởng khá, như vải dệt từ sợi tự nhiên ước đạt 143 triệu m2, tăng 3,4% so với cùng kỳ; sản xuất vải dệt từ sợi tổng hợp và sợi nhân tạo ước đạt 266,3 triệu m2, tăng 2,5% so với cùng kỳ; quần áo mặc thường ước đạt 1.077,5 triệu cái, tăng 1,3%.
Với Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện KHu vực, cơ hội cho Việt Nam có một thị trường rộng mở hơn ở thị trường Trung Quốc. Với thị trường Nhật Bản, RCEP cho phép Việt Nam có thể nhập vải bất cứ đâu, chỉ cần cắt may tại Việt Nam là có thể được hưởng ưu đãi thuế khi xuất vào Nhật Bản.
ÔNG VŨ ĐỨC GIANG, CHỦ TỊCH HIỆP HỘI DỆT MAY VIỆT NAM
Kết quả này có được theo ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam là do các doanh nghiệp trong ngành đã thích ứng nhanh chóng trong bối cảnh dịch Covid-19. Bằng việc đa dạng hóa dòng hàng, thị trường. Nhanh chóng thích ứng được với nền tảng cơ chế mua bán và thanh toán trong bối cảnh mới, từ thư tín dụng sang chuyển tiền bằng điện thậm chí trả chậm.
Bên cạnh đó, các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương, Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU, Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực vừa được thực thi được coi là đòn bẩy, động lực, giải pháp cho ngành dệt may trước những biến động trên toàn cầu.
Để hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu, Bộ Công Thương cho biết, sẽ đẩy mạnh khai thác, tận dụng cơ hội từ các Hiệp định Thương mại tự do để tìm giải pháp phát triển thị trường và tháo gỡ rào cản để thâm nhập các thị trường mới. Tiếp tục theo dõi sát sao diễn biến của đại dịch Covid-19 trên thế giới để có các biện pháp ứng phó kịp thời.
Đặc biệt, ưu tiên triển khai các hoạt động xúc tiến xuất khẩu và các thị trường xuất khẩu sớm khôi phục sau đại dịch. Tập trung theo dõi sát tình hình từng thị trường để rà soát, xác định các chủng loại hàng hóa mà các nước đang có nhu cầu nhập khẩu để khai thác, thúc đẩy xuất khẩu.
Đồng thời, củng cố và mở rộng thị trường xuất khẩu, tận dụng tối đa lợi thế từ các Hiệp định thương mại tự do đã có hiệu lực. Đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, nhập khẩu, đặc biệt là các thị trường nhỏ và thị trường ngách. Đa dạng hoá cơ cấu sản phẩm xuất khẩu, nâng cao năng lực cạnh tranh sản phẩm xuất khẩu, phát triển thương hiệu.

Nguồn: vneconomy.vn