Tham dự hội nghị có Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hoàng Long; Thứ trưởng Bộ Công Thương Trương Thanh Hoài; Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam Marc E.Knapper; đại diện lãnh đạo một số Bộ, ngành Trung ương; đại diện các cơ quan, các tổ chức quốc tế; các Cục, Vụ và các đơn vị liên quan thuộc Bộ Công Thương; các Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Tập đoàn Than và Khoáng sản Việt Nam, Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam, các Hiệp hội, doanh nghiệp cùng đại diện UBND 63 tỉnh/ thành phố và các sở, ngành địa phương.
 
 
 
Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh: Việt Nam được đánh giá là nền kinh tế phát triển năng động trong khu vực và thế giới, có tốc độ tăng trưởng kinh tế khá cao và ổn định. Vì vậy, nhu cầu sử dụng điện của Việt Nam tăng lên rất nhanh (hiện tại tăng từ 12 đến 13%/năm) và dự kiến sẽ còn tăng cao hơn trong thời gian tới. Dự kiến đến năm 2030, Việt Nam cần gấp đôi công suất đặt của hệ thống so với hiện nay (150.424 MW, tương đương tăng trên 14%/năm) và dự kiến đến năm 2050 đạt trên 500.000 MW, gấp 6-7 lần công suất hiện nay. Do đó để bảo đảm cung ứng điện bảo đảm theo Quy hoạch điện VIII và yêu cầu trung hòa carbon vào năm 2050, một mặt nước ta cần tăng cường huy động mọi nguồn lực để đầu tư phát triển nguồn, hệ thống truyền tải và lưu trữ điện; mặt khác, phải đẩy nhanh rà soát, sửa đổi, bổ sung, ban hành mới các cơ chế, chính sách đủ mạnh, khả thi để đẩy mạnh thu hút đầu tư, vận hành hệ thống năng lượng tái tạo; hoàn thiện cơ chế giá, vận hành, quản trị, hệ thống (như sửa đổi Luật Điện lực; phát triển thị trường điện cạnh tranh ở cả 3 cấp độ; xây dựng cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản tự tiêu, cơ chế phát triển điện khí, điện gió ngoài khơi; ban hành cơ chế giá điện hai thành phần (giá công suất và giá điện năng); tách bạch giá, phí truyền tải trong cơ cấu giá thành điện năng...).
 
Cơ chế mua bán điện trực tiếp (DPPA) đã chính thức được Chính phủ ban hành tại Nghị định số 80/2024/NĐ-CP ngày 03/7/2024. Đây là bước tiến quan trọng, đột phá, thúc đẩy hình thành, phát triển thị trường điện cạnh tranh tại Việt Nam trong tương lai, đồng thời giúp doanh nghiệp sản xuất có cơ hội lựa chọn nhà cung cấp điện phù hợp để đạt chứng chỉ sản xuất xanh, đáp ứng yêu cầu phát triển trong tình hình mới.
 
“Thừa uỷ quyền của Chính phủ, Bộ Công Thương tổ chức hội nghị này nhằm kịp thời triển khai, tổ chức thực hiện Nghị định này đến các cấp, ngành, địa phương, đơn vị, doanh nghiệp. Bên cạnh đó, Bộ Công Thương và Chính phủ Việt Nam sẵn sàng tiếp tục đón nhận những góp ý của xã hội đối với nội dung của Nghị định để từng bước hoàn thiện cơ chế này”- Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên khẳng định và nhấn mạnh, cơ chế DPPA đối với Việt Nam là mới nhưng với một số quốc gia không còn mới nhưng DPPA ở Việt Nam cũng không thể giống tuyệt đối như các quốc gia khác, vì vậy quá trình hình thành, triển khai thực hiện chính sách này cũng cần có bước đi, lộ trình cụ thể.
 
 
 
Tại hội nghị, đại diện lãnh đạo Cục Điều tiết điện lực đã báo cáo tóm tắt các nội dung và đặc điểm chính của cơ chế DPPA, đồng thời, nhấn mạnh việc ban hành Cơ chế DPPA thể hiện sự quyết tâm, nỗ lực rất lớn của Chính phủ, Bộ Công Thương và các Bộ, ngành, Tập đoàn liên quan trong việc xây dựng và hoàn thiện các cơ chế/chính sách tiên tiến, công bằng, minh bạch, tạo động lực để thu hút nguồn vốn tư nhân trong đầu tư và sử dụng năng lượng tái tạo, cũng như thúc đầy phát triển thị trường điện cạnh tranh tại Việt Nam.
 
 
 
 
 
 
 
 
 
Cũng tại Hội nghị, Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam cùng đại diện một số cơ quan, đơn vị và tổ chức quốc tế như Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF), Ngân hàng Quốc tế Nhật Bản (JBIC), Liên minh năng lượng sạch châu Á (ACEC), khách hàng sử dụng điện lớn như Samsung và đại diện lãnh đạo các địa phương đều bảy tỏ sự ủng hộ và đánh giá cao về những nỗ lực của Bộ Công Thương và ý nghĩa quan trọng, kịp thời của việc ban hành cơ chế DPPA, coi đây không chỉ là một cơ chế góp phần bảo đảm an ninh cung cấp điện, mà còn là cơ chế giúp khách hàng đạt được các mục tiêu sản xuất và tăng trưởng xanh. Thực hiện Cơ chế DPPA, khách hàng sử dụng điện sẽ đáp ứng mục tiêu và xu hướng sử dụng năng lượng sạch, qua đó góp phần thu hút đầu tư không chỉ trong ngành năng lượng tái tạo mà còn cả các lĩnh vực kinh tế - xã hội có nhu cầu tiêu thụ điện lớn. Cơ chế DPPA cũng góp phần không nhỏ trong việc triển khai thị trường bán lẻ điện cạnh tranh tại Việt Nam; nâng cao tính hiệu quả của công tác quản lý nhà nước và mức độ cạnh tranh trong hoạt động mua bán điện nói chung và thị trường điện nói riêng.
 
 
 
Kết luận tại hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên một lần nữa khẳng định, cơ chế DPPA là bước tiến quan trọng trong hình thành, phát triển thị trường điện đầy đủ tại Việt Nam trong thời gian tới. Tuy nhiên, đây là lần đầu tiên Việt Nam xây dựng, ban hành, vận hành cơ chế này do đó chắc chắn không tránh khỏi hạn chế nhất định về nội dung và bỡ ngỡ trong vận hành giai đoạn đầu, nhất là trong bối cảnh tình hình thế giới thay đổi nhanh chóng và khó lường. Vì vậy để kịp thời triển khai thực hiện đồng bộ, thống nhất trong phạm vi cả nước, Chính phủ, người đứng đầu Bộ Công Thương đề nghị:
 
Các Bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp trong và ngoài nước nghiên cứu kỹ nội dung được quy định trong Nghị định để chủ động hoàn thành các công việc theo yêu cầu, phân công của Chính phủ; đồng thời, cần lập kế hoạch của Bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp để triển khai thực hiện Nghị định bảo đảm phù hợp, hiệu quả. Tiếp tục phát hiện, đề xuất biện pháp tháo gỡ những bất cập vướng mắc (nếu có); chủ động giải quyết những vướng mắc theo thẩm quyền và khuyến nghị, đề xuất kịp thời với cấp có thẩm quyền để xem xét giải quyết.
 
Cục Điều tiết điện lực, Vụ Pháp chế chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan thuộc Bộ Công Thương, ngay sau hội nghị này, tập trung rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới các thông tư hướng dẫn (thuộc trách nhiệm Bộ Công Thương); đồng thời tham mưu, kiến nghị các Bộ, ngành hữu quan xem xét sửa đổi, bổ sung, ban hành mới Thông tư hướng dẫn (nếu cần) để bảo đảm việc triển khai thực hiện cơ chế DPPA không có vướng mắc, trở ngại lớn.
 
Khẩn trương nghiên cứu, đề xuất cơ chế thí điểm giá điện hai thành phần (giá công suất và giá điện năng); tách bạch giá, phí truyền tải trong cơ cấu giá thành điện năng...) trình cấp có thẩm quyền xem xét trong thời gian sớm nhất nhằm tạo đồng bộ, thuận lợi trong triển khai thực hiện và bảo đảm công bằng giữa các bên mua bán điện.
 
 
 
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cũng lưu ý 3 điểm căn bản trong thực hiện cơ chế này. Theo đó, các địa phương, đơn vị cần (i) tuân thủ nghiêm ngặt Quy hoạch, Kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII (đã được ban hành) và các quy định về đối tượng, phạm vi mua bán điện trực tiếp được quy định trong Nghị định này; (ii) EVN và các bên mua bán điện cần chủ động rà soát các điều kiện về kỹ thuật thuộc phạm vi, trách nhiệm của mình để bảo đảm tuyệt đối an toàn, không gây sự có đáng tiếc cho toàn hệ thống; (iii) Trong khi Quy hoạch điện VIII chưa được rà soát, điều chỉnh theo quy định của pháp luật thì “room” mua bán điện trực tiếp không được vượt quá công suất được quy định trong Quy hoạch điện VIII.
 
Với các tỉnh, thành phố, Bộ trưởng đề nghị khẩn trương triển khai, rà soát điều chỉnh Quy hoạch tỉnh (nếu cần) để bảo đảm phù hợp với Quy hoạch ngành quốc gia về năng lượng và Quy hoạch điện VIII; điều chỉnh, bổ sung Quy hoạch, Kế hoạch sử dụng đất và các quy hoạch chuyên ngành của địa phương để sẵn sàng điều kiện triển khai các dự án, công trình về năng lượng điện trên địa bàn. Đồng thời yêu cầu các địa phương quyết liệt triển khai việc lựa chọn chủ đầu tư cho các dự án điện đã được xác định trong Quy hoạch, Kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII trên phạm vi địa bàn quản lý, nhất là các dự án điện nền, truyền tải liên miền, dự án nguồn ưu tiên theo địa bàn cụ thể.
 
Đối với các cơ quan truyền thông, báo chí ở Trung ương và địa phương, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cũng đề nghị cần tăng cường tuyên truyền, phổ biến sâu rộng về vai trò, tầm quan trọng và các nội dung cốt lõi của Cơ chế DPPA tới các cấp, các ngành, cộng đồng doanh nghiệp và các tầng lớp nhân dân nhằm tạo đồng thuận xã hội trong triển khai, thực hiện; đồng thời là kênh thông tin giúp các cơ quan chức năng của Chính phủ, Bộ Công Thương và các Bộ, ngành chức năng trong việc nhận diện những vấn đề và nội dung cần đánh giá, xem xét (nếu có), cũng như đề xuất, khuyến nghị những giải pháp xử lý phù hợp, góp phần từng bước hoàn thiện cơ chế này./.
 
 

Nguồn: Cổng TTĐT Bộ Công Thương