Trong lĩnh vực năng lượng, các đối tác Hoa Kỳ rất quan tâm đến định hướng phát triển năng lượng của Việt Nam trong những năm tới, đặc biệt là Quy hoạch điện 8 quốc gia, cũng như việc sửa đổi, bổ sung hệ thống pháp lý mở đường cho sự phát triển của thị trường điện cạnh tranh tại Việt Nam.
1. Tại cuộc dự tiếp Bộ trưởng Thương mại Hoa Kỳ (DOC) Gina Raimondo, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đánh giá cao những phát triển vượt bậc trong quan hệ kinh tế - thương mại hai nước những năm gần đây. Về phần mình, bà Gina Raimondo đánh giá cao tầm nhìn và kế hoạch phát triển kinh tế của Chính phủ Việt Nam, nhất là việc chuyển đổi sang kinh tế số, tăng tỷ lệ sử dụng năng lượng sạch, kinh tế xanh, đang dạng chuỗi cung ứng…
Trong tiến trình đó, Bộ Công Thương, với vai trò Chủ tịch Hội đồng Thương mại và Đầu tư Việt Nam – Hoa Kỳ (TIFA) đã chủ trì, điều phối, thúc đẩy hoạt động đối thoại chính sách thông qua cơ chế của Hội đồng TIFA ngày càng thực chất, đi vào chiều sâu, giúp tháo gỡ nhiều vấn đề phức tạp trong quan hệ thương mại song phương.
Nhân dịp này, Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng Lãnh đạo các Bộ ngành và Bộ trưởng Thương mại Raimondo chứng kiến lễ trao các văn kiện hợp tác giữa các bộ, ngành, doanh nghiệp hai nước trên nhiều lĩnh vực như năng lượng, ứng phó với biến đổi khí hậu, góp phần hỗ trợ Việt Nam sớm đạt được cam kết đề ra tại COP26, như: (i) Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư dự án Kho cảng LNG Sơn Mỹ cho Tập đoàn AES và Tổng Công ty Khí Việt Nam – PVGas; (ii) Thỏa thuận hợp tác trong lĩnh vực phát điện và truyền tải, trao đổi thông tin công nghệ mới áp dụng cho hệ thống điện của Mỹ, đào tạo và cung cấp dịch vụ cho các dự án điện khí giai đoạn 2022-2027; (iii) Thỏa thuận về hợp tác đầu tư nâng cao hiệu suất vận hành Nhà máy điện Nhơn Trạch 1;
2. Tại cuộc làm việc với Tập đoàn Texhong (Hồng Kông), ông Hong Tian Zhu - Chủ tịch Tập đoàn bày tỏ lời cảm ơn sâu sắc tới Lãnh đạo và các đơn vị liên quan của Bộ Công Thương đã quan tâm hỗ trợ hiệu quả trong suốt quá trình Texhong đầu tư sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam. Chủ tịch Texhong khẳng định tương lai của Texhong gắn với Việt Nam, với hơn một nửa lượng vốn đầu tư ra nước ngoài của Tập đoàn hiện tập trung ở Việt Nam, trị giá hơn 1,5 tỷ USD và sử dụng tới hơn 25 ngàn lao động. Các sản phẩm chính của Tập đoàn là mặt hàng sợi và vải dệt kim phục vụ xuất khẩu với nguồn bông nhập khẩu từ nhiều nước, trong đó chủ yếu từ Hoa Kỳ. Thời gian tới, Texhong mong muốn nhận được sự hỗ trợ từ Bộ Công Thương trong quá trình xử lý những thông tin bất lợi gần đây liên quan đến nguồn gốc bông nhập khẩu phục vụ sản xuất vải sợi.
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh kể từ khi Việt Nam tham gia các Hiệp định tự do thương mại thế hệ mới, ngày càng nhiều các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào Việt Nam. Các doanh nghiệp không chỉ cần quan tâm tới việc tận dụng cơ hội do các Hiệp định này đem lại mà còn cần quan tâm tới các vấn đề liên quan tới nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm để bảo vệ lợi ích chính đáng của ngành hàng cũng như của bản thân doanh nghiệp.
Về vấn đề Texhong nêu, Lãnh đạo Bộ Công Thương sẵn sàng có trao đổi và có công thư gửi cho các cơ quan hữu quan của Hoa Kỳ đề nghị các cơ quan này xây dựng cơ chế thực thi các đạo luật có tác động tới doanh nghiệp Việt Nam cần tiếp cận một cách khách quan, công bằng, đảm bảo lợi ích lợi ích chính đáng của ngành dệt may Việt Nam, của người lao động Việt Nam cũng như người tiêu dùng Hoa Kỳ, không tạo ra rào cản cho hàng dệt may xuất khẩu của Việt Nam và cho phép các doanh nghiệp có cơ hội giải trình về nguồn gốc xuất xứ sản phẩm.
3. Chiều cùng ngày, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên tiếp tục tham gia nhiều hoạt động song phương gồm dự tiếp Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen, tham dự chương trình Tọa đàm tại Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế Mỹ (CSIS), dự tiếp Thủ tướng Campuchia, Tổng Giám đốc Ngân hàng Thế giới và các Tập đoàn Asia Group, Blackstone, GenX/AES.
4. Trong ngày 12/5/2022, Bộ trưởng Công Thương tiếp tục có các cuộc làm việc với Trưởng Cơ quan Đại diện Thương mại Hoa Kỳ (USTR), Lãnh đạo Bộ An ninh nội địa Hoa Kỳ (DHS), Cơ quan Hải quan và bảo vệ biên giới Hoa Kỳ (CBP) về các cơ chế hợp tác thương mại song phương và hợp tác trong việc kiểm soát nguồn gốc xuất xứ, cùng nhiều hoạt động gặp gỡ, tiếp xúc cộng đồng doanh nghiệp.