Phiên họp được tổ chức theo hình thức trực tuyến giữa đầu cầu Trụ sở Chính phủ với các điểm cầu các bộ, ngành, cơ quan và 63 tỉnh, thành phố trong cả nước. Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đề nghị các đại biểu tập trung đánh giá các nhiệm vụ được triển khai trong thời gian qua, những kết quả đạt được, những việc chưa làm được, phân tích, chỉ rõ nguyên nhân, đặc biệt là nguyên nhân chủ quan và bài học kinh nghiệm; đề ra nhiệm vụ, giải pháp cụ thể, thiết thực, phù hợp với tình hình thực tế nhằm đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số quốc gia trong thời gian tới.
Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh, nhiệm vụ của Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số là rất nặng nề; chúng ta phải chỉ đạo, tổ chức thực hiện các chủ trương, cơ chế, chính sách nhằm thúc đẩy tiến trình chuyển đổi số quốc gia, gắn kết chặt chẽ với cải cách hành chính; xây dựng, phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số và đô thị thông minh; tạo thuận lợi cho việc triển khai cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 tại Việt Nam; gắn với quá trình phục hồi nhanh và phát triển bền vững kinh tế - xã hội hiện nay cũng như các mục tiêu phát triển tới năm 2025, 2030 và 2045.
Từ đó, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu một số nhiệm vụ cần tập trung, như: rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện thể chế số; phát triển hạ tầng chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ số; huy động mạnh mẽ các nguồn lực qua việc thúc đẩy hợp tác công tư; xây dựng cơ chế, chính sách phù hợp; nâng cao năng lực quản trị hiện đại, phù hợp tình hình, năng lực và trình độ của Việt Nam; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; kiểm tra, giám sát thường xuyên để thúc đẩy công việc và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm, lãng phí… Trong bối cảnh thời gian, nguồn lực đều có hạn, Thủ tướng lưu ý việc đầu tư cho chuyển đổi số phải có trọng tâm, trọng điểm, làm việc nào dứt việc đó, không dàn trải, chia cắt, manh mún, rời rạc, lựa chọn những việc có tác động lan tỏa, hiệu quả ngay để triển khai.
Bộ Công Thương thực hiện Chuyển đổi số từ rất sớm
Phát biểu tại Phiên họp thứ 2 của Ủy ban Chuyển đổi số quốc gia do Thủ tướng chủ trì, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết từ tháng 4/2021, Bộ Công Thương đã thành lập Ban chỉ đạo Chuyển đổi số của Bộ, Ban hành kế hoạch hành động đồng thời tái chỉ đạo Đề án và Dự án theo Kế hoạch đầu tư công. Đến nay, 100% dịch vụ công trực tuyến của Bộ Công Thương là đạt mức độ… trở lên, trong đó 80% mức độ 4, 16% mức độ 3 và 4% ở mức độ 2. Bộ đã có 45% dịch vụ công kết nối vơi Cổng dịch vụ công quốc gia. Bộ đã kết nối 16/60 thru tục hành chính với cơ chế một cửa quốc gia với Bộ Tài chính.
Theo Bộ trưởng, chuyển đổi số đang diễn ra mạnh mẽ trong tất cả các lĩnh vực, đặc biệt là lĩnh vực Thương mại và Công nghiệp. Thương mại điện tử được ghi nhận là một trong những lĩnh vực tiên phong của nền Kinh tế số, với mức tăng trưởng cao và đồng đều khoảng 25-30% trong 10 năm vừa qua. Đến nay, Việt Nam đứng thứ 3 trong khu vực Đông Nam Á về thương mại điện tử. Đặc biệt, trong 2 năm đại dịch, thương mại điện tử vẫn giữ mức tăng trưởng 2 con số, góp phần tháo gỡ khó khăn trong xúc tiến tiêu thụ và lưu thông hàng hoá giữa đại dịch.
Thực hiện vai trò đầu mối, Bộ Công Thương đã chủ động phối hợp cùng các cơ quan Bộ, ngành, địa phương, các sàn thương mại điện tử lớn triển khai kết nối và hỗ trợ bán hàng, tiêu thụ nông sản trên nền tảng số. Hiện, hầu hết các tỉnh có vùng trồng, vùng nuôi tập trung đều thực hiện phương thức bán hang trên nền tảng sốt. Cùng với thương mại điện tử, Bộ Công Thương cũng phát huy vai trò của hệ thống Thương vụ nên đã thúc đẩy việc tiêu thụ hàng hóa, biệt là hàng nông sản, đặc sản vùng miền đến các thị trường để tận dụng cơ hội từ các FTA… Đây là một trong những giải pháp được đánh giá mang lại hiệu quả cao, là cánh tay nối dài bên cạnh phương thức phân phối hàng hoá truyền thống, từ đó giúp bà con nông dân mở rộng thị trường tiêu thụ khắp 63 tỉnh, thành phố, tận dụng ưu thế của công nghệ theo xu hướng 4.0.
“Chúng tôi cũng đề nghị Bộ Thông tin và Truyền thông với tư cách là Thường trực ban chỉ đạo, cùng với Bộ Công An, Bộ Tài chính phối hợp chặt chẽ với Bộ Công Thương để thực hiện chương trình phòng chống gian lận thương mại, hàng gian, hàng giả trên môi trường thương mại điện tử”, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh.
Theo Bộ trưởng, trong lĩnh vực công nghiệp và năng lượng, Bộ đã xác định chuyển đổi số ưu tiên tập trung cho ngành điện lực hướng đến tối đa hóa và tự động hóa các mạng lưới, hướng việc cung ứng điện một cách hiệu quả, nhằm xác định sự cố về mạng lưới nhanh hơn. Lĩnh vực công nghiệp cũng đã sử dụng các biện pháp kiểm soát quá trình và tự động hóa, số hoá trong những năm gần đây, để tối đa hóa chất lượng, sản lượng trong khi giảm thiểu việc sử dụng năng lượng và các chi phí đầu vào liên quan.
Bên cạnh đó, qua thực tế quản lý, có thể thấy vai trò của các cơ sở dữ liệu nhằm hỗ trợ công tác ra quyết định, quản lý, điều hành, xử lý công việc của các cơ quan quản lý nhà nước ngày càng lớn và cấp thiết. Điển hình, trong thời gian vừa qua, Bộ Công Thương và Bộ Thông tin và Truyền thông đã phối hợp để xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu quản lý, điều hành hoạt động kinh doanh xăng dầu quốc gia ngay sau Phiên chất vấn của Quốc hội và Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo thì đến giờ này chúng tôi đã hoàn thành phần mềm quản lý đối với doanh nghiệp đầu mối, các thương nhân phân phối và đang xây dựng phần mềm quản lý đến các cửa hàng bán lẻ.
Giai đoạn 1, Bộ Công Thương sẽ quản lý trực tiếp đến 36 doanh nghiệp đầu mối, 330 thương nhân phân phối và phân cấp các UBND các tỉnh, thành phố quản lý 17.000 cửa hàng bán lẻ. Giai đoạn 2, dự kiến đến hết 2022, Bộ Công Thương sẽ kết nối tất cả hệ thống kinh doanh xăng dầu từ trung ương đến địa phương, đồng thời, chúng tôi cũng đề nghị Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với Bộ Công Thương trong việc xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu quản lý bằng công nghệ đối với lĩnh vực điện, khoáng sản, đặc biệt là lĩnh vực xuất nhập khẩu.
Bộ Công Thương được giao nhiệm vụ quản lý quá trình sản xuất, phân phối, lưu thông xuất khẩu nhưng việc tiếp cận số liệu, dữ liệu đôi khi phải gián tiếp qua một đơn vị thứ 2 hoặc thứ 3. Ví dụ như dữ liệu xuất nhập khẩu phải thông qua Tổng cục Hải quan mới có được, như vậy là chậm các kỳ chỉ đạo.
“Tôi rất muốn Ban chỉ đạo quốc gia, đặc biệt là Bộ Thông tin và Truyền thông với tư cách là cơ quan thường trực và cơ quan chuyên môn sẽ giúp chúng tôi kết nối để Bộ Công Thương có thể liên thông được với các Bộ, ngành liên quan để có được dữ liệu kịp thời. đề nghị Bộ Thông tin và Truyền thông giúp chúng tôi mấy chương trình quản lý xăng dầu, điện, khoáng sản, quản lý xuất nhập khẩu và một số lĩnh vực khác trong Bộ”, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nêu thực tế.
Theo Bộ trưởng, quan trọng nhất của chuyển đổi số vẫn là cơ sở dữ liệu, vậy nên Thủ tướng Chính phủ và Ban Chỉ đạo quốc gia cần có chủ trương yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương tập trung thật cao các nguồn lực để xây dựng cơ sở dữ liệu, có như vậy thì quá trình chuyển đổi số của chúng ta mới thành công.
Việt Nam có tốc độ tăng trưởng kinh tế số cao
Báo cáo của Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, đóng góp của kinh tế số cho nền kinh tế Việt Nam ngày càng tăng. Số doanh nghiệp công nghệ số thành lập mới tính đến hết tháng 02/2022 đạt 65.329 doanh nghiệp, tăng 487 doanh nghiệp so với năm 2021.
Thời gian qua, nhận thức về tầm quan trọng của chuyển đổi số ở tất cả các cấp, các ngành, nhất là người lãnh đạo, người đứng đầu đã có chuyển biến rõ nét, 100% các bộ, ngành, địa phương đã kiện toàn Ban chỉ đạo chuyển đổi số do người đứng đầu làm Trưởng ban. Công tác hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách được quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, đạt kết quả tích cực. Thủ tướng Chính phủ đã ban hành 05 Quyết định về chuyển đổi số, trong đó, có phê duyệt Ngày 10/10 hằng năm là Ngày Chuyển đổi số quốc gia.
Các cơ sở dữ liệu tạo nền tảng cho Chính phủ số được đẩy mạnh triển khai. Bộ Công an đã tích cực, phối hợp với các bộ, ngành triển khai cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; tích hợp, kết nối và mở rộng thu thập dữ liệu dân cư; từng bước hình thành hệ sinh thái công dân số (kết nối với 8 bộ, ngành để bổ sung làm giàu dữ liệu dân cư, như gần 78 triệu thông tin công dân với trên 133 triệu mũi tiêm chủng; trên 570.000 thông tin dữ liệu về cán bộ, giáo viên; triển khai thí điểm chip điện tử gắn trên thẻ căn cước công dân; thí điểm sử dụng thẻ căn cước công dân trong khám chữa bệnh…).
Bên cạnh đó, cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai đang được tích cực triển khai; bước đầu thí điểm chia sẻ thông tin dữ liệu với Cơ sở dữ liệu Quốc gia về dân cư. Các cơ sở dữ liệu quốc gia khác như bảo hiểm, hộ tịch, đăng ký doanh nghiệp đã đi vào vận hành ổn định, đang mang lại hiệu quả tích cực. Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử toàn quốc có khoảng 23 triệu dữ liệu đăng ký khai sinh, trong đó, có trên 7 triệu trẻ em được cấp số định danh cá nhân theo quy định; trên 4,5 triệu dữ liệu đăng ký kết hôn; trên 3,2 triệu dữ liệu đăng ký khai tử. Cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp chứa thông tin đăng ký doanh nghiệp theo thời gian thực của hơn 01 triệu doanh nghiệp và đơn vị trực thuộc; tỉ lệ số hóa hồ sơ đăng ký doanh nghiệp đạt 100%.
Dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 tiếp tục được triển khai tích cực, có hiệu quả. Đến nay, Cổng Dịch vụ công quốc gia đã tích hợp 3.552 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 của các bộ, ngành, địa phương, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp (Triển khai Quyết định 06 - đã tích hợp thêm 11/25 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4). Trong quý I/2022, Cổng đã có trên 167.000 tài khoản đăng ký; trên 14 triệu hồ sơ đồng bộ trạng thái; trên 332.000 lượt thực hiện các dịch vụ tiện ích từ cổng; trên 510.000 hồ sơ trực tuyến thực hiện từ Cổng; trên 163.000 giao dịch thanh toán trực tuyến với số tiền hơn 366 tỷ đồng. Hệ thống hóa đơn điện tử đã được triển khai toàn quốc, tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp. Trong Quý I/2022, cơ quan thuế đã tiếp nhận xử lý 77.732.636 hóa đơn điện tử...
Về hạ tầng số, tốc độ truy cập mạng băng rộng ở Việt Nam Quý I/2022 được cải thiện so với cùng kỳ năm 2021, đặc biệt là chỉ số tải xuống (download) ở mạng di động băng rộng tăng khoảng 26% (từ 26,92 Mbps lên 33,90 Mbps), ở mạng cố định băng rộng tăng khoảng 44% (từ 44,18 Mbps lên 67,96 Mbps). Cả nước hiện còn 980 thôn thiếu sóng băng rộng di động, trong đó, 774 thôn sẽ được các doanh nghiệp viễn thông di động triển khai phủ sóng trước ngày 30/6/2022; 118 thôn chưa có điện, 88 thôn thuộc khu vực vùng sâu, vùng xa, đi lại khó khăn, dân cư thưa thớt, dưới 50 hộ gia đình trong một thôn sẽ tiếp tục được triển khai phủ sóng sau. Tỷ lệ dân số trưởng thành có điện thoại thông minh là 70,91%; tỷ lệ hộ gia đình có điện thoại thông minh là 85,08%; tỷ lệ hộ gia đình có cáp quang băng rộng là 68,8%...