Trong hai ngày 16-17 tháng 01 năm 2024, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã tham gia Đoàn chính thức tháp tùng Thủ tướng Chính phủ (TTCP) và phu nhân tham dự Hội nghị thường niên lần thứ 54 Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) theo lời mời của ông Borge Brende, Chủ tịch Điều hành WEF.
Với sự tham dự của gần 100 lãnh đạo cấp cao các nước và tổ chức quốc tế, khoảng 3.000 lãnh đạo các tập đoàn, doanh nghiệp toàn cầu, hội nghị năm nay với chủ đề “Tái thiết lòng tin” là sự kiện có quy mô lớn nhất từ sau đại dịch COVID-19. Hội nghị cũng là cơ hội rất giá trị để chúng ta nắm bắt những xu thế mới, những tư duy, ý tưởng mới, lắng nghe nhịp đập của thế giới, để từ đó tranh thủ, tận dụng hiệu quả, kịp thời những thời cơ, xử lý thách thức và tranh thủ tối đa nguồn lực phục vụ phát triển kinh tế - xã hội đất nước.
Theo Chương trình Hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diễn và lãnh đạo các Bộ, ngành tháp tùng Thủ tướng Chính phủ dự loạt sự kiện chính thức và bên lề Hội nghị WEF Davos 54, trong đó có một số phiên đặc biệt dành cho Việt Nam gồm Đối thoại chiến lược quốc gia (CSD) Việt Nam – WEF với các Tập đoàn hàng đầu của WEF về chủ đề “Chân trời phát triển mới: Thúc đẩy chuyển đổi, mở ra các động lực tăng trưởng mới tại Việt Nam và Đối thoại chính sách “Việt Nam: Định hướng tầm nhìn toàn cầu”.
Nhân dịp này, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã tham dự và phát biểu tại Tọa đàm về hợp tác phát triển trí tuệ nhân tạo (AI), công nghệ ô tô, chip bán dẫn và hệ sinh thái (do Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Tập đoàn FPT tổ chức) và tiếp xúc song phương với Lãnh đạo nhiều tập đoàn, các tổ chức quốc tế, trong đó có Thụy Sĩ, Xing-ga-po v.v... Nhiều lãnh đạo doanh nghiệp có chung nhận định Việt Nam là một trong những lựa chọn phù hợp nhất, là điểm đến đầu tư và tìm kiếm cơ hội hợp tác lâu dài; mong muốn tiếp tục hỗ trợ, đồng hành cùng Việt Nam trong tiến trình phát triển, chuyển đổi; đề nghị Việt Nam tiếp tục chia sẻ về những vấn đề cần hỗ trợ và tiếp tục duy trì các chính sách mang tính ổn định, dài hạn. Về thương mại với Thụy Sĩ, kim ngạch thương mại giữa hai nước 11 tháng đầu năm 2023 đạt trên 760 triệu USD. Những năm gần đây, Việt Nam luôn nằm trong Top 4 thị trường nhập khẩu thủy sản lớn nhất của Thụy Sỹ (xếp sau Na Uy, Pháp và Hà Lan). Hai bên đang nỗ lực thúc đẩy sớm kết thúc đàm phán Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Khối Mậu dịch tự do châu Âu (EFTA). Tại cuộc gặp với ông Gan Kim Yong Bộ trưởng Thương mại và Công nghiệp Xinh-ga-po, hai Bộ trưởng đã thảo luận về cách thức thúc đẩy Sáng kiến Chuyển đổi năng lượng khu vực ASEAN trong thời gian tới thông qua sự tham gia thực chất của các thành viên ASEAN và mở rộng hợp tác năng lượng với đối tác.
Việc tham dự Hội nghị WEF Davos 54 với các hoạt động dày đặc thể hiện sự chủ động, tích cực và đóng góp có trách nhiệm của Bộ Công Thương nói riêng và Việt Nam nói chung tại Hội nghị. Qua đó, bạn bè quốc tế hiểu hơn về tiềm năng, cơ hội hợp tác, vai trò, vị thế quốc tế của Việt Nam nhằm thu hút tối đa các nguồn lực phục vụ phát triển kinh tế -xã hội đất nước./.