Phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng thương mại

1. Hiện trạng

Đối với chợ: Đến hết năm 2017 cả nước có 8.539 chợ trong quy hoạch, trong đó đa phần là chợ hạng III (chiếm 87%), cơ sở vật chất còn hạn chế; chợ đầu mối chưa phát triển (có 83 chợ đầu mối, chiếm 0,97%); chợ nông thôn chiếm 74,5%. Đa phần các chợ đang hoạt động hiệu quả, chiếm 97%. Tính chung giá trị hàng hóa dịch vụ qua hệ thống chợ chiếm trung bình từ 35% - 40%.

Đối với siêu thị, trung tâm thương mại: Cuối năm 2017, cả nước có 957 siêu thị tại 62/63 tỉnh, thành phố (trừ Hà Giang) và 189 trung tâm thương mại tại 51/63 tỉnh, thành phố. Phần lớn tập trung tại các thành phố lớn và khu vực nội thành.

Về trung tâm hội chợ triển lãm và logistic: Cuối năm 2017, cả nước có 15 Trung tâm hội chợ triển lãm được phân bố tại 11 tỉnh, thành phố. Theo báo cáo sơ bộ của Sở Công Thương các tỉnh, thành phố, cả nước hiện có 45 trung tâm logistics tại 08 tỉnh, thành phố, đa phần là các trung tâm logistics cấp tỉnh, địa phương, các kho ngoại quan, cảng cạn IDC… Nhiều tỉnh, thành phố đã xây dựng và sớm triển khai thực hiện quy hoạch phát triển hệ thống trung tâm logistics trong thời gian tới theo Quyết định số 1012/QĐ-TTg ngày 30 tháng 7 năm 2015 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Quy hoạch phát triển hệ thống trung tâm logistics trên địa bàn cả nước đến năm 2020, định hướng đến năm 2030; Quyết định số 200/QĐ-TTg ngày 14 tháng 02 năm 2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Kế hoạch hành động nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics Việt Nam đến năm 2025.

Nguồn vốn đầu tư xây dựng các loại hình hạ tầng thương mại chủ yếu được huy động từ nguồn xã hội hóa.

2. Tồn tại, hạn chế và nguyên nhân

2.1. Tồn tại và hạn chế: (i) Phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng thương mại chưa đồng bộ, phân bố không đều, tập trung chủ yếu và phát triển ở khu vực thành thị; (ii) Hệ thống chợ chủ yếu thiên về chức năng bán lẻ và đa số chợ có quy mô nhỏ; chưa tương xứng với vị trí và vai trò của chợ; (iii) Việc kêu gọi và thu hút đầu tư vào phát triển hạ tầng thương mại còn nhiều hạn chế. Việc xã hội hoá đầu tư phát triển hạ tầng thương mại còn gặp nhiều khó khăn, nhất là ở địa bàn nông thôn, miền núi; (iv) dịch vụ logistics ngày càng được quan tâm phát triển nhưng chưa đồng bộ, công tác quy hoạch hạ tầng giao thông, dịch vụ vận tải, quy hoạch sản xuất công nghiệp, nông nghiệp, chiến lược xuất nhập khẩu, chiến lược phát triển kinh tế - xã hội chưa thực sự thống nhất, đồng bộ, gắn kết với quy hoạch về trung tâm logistics, cảng cạn, kho ngoại quan của các tỉnh, thành phố trong cả nước. Các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực logistics chủ yếu là doanh nghiệp vừa và nhỏ, nguồn vốn, năng lực còn hạn chế, chưa có sự liên kết, các đơn vị kinh doanh vận tải hàng hóa còn hoạt động với quy mô nhỏ, kinh doanh dịch vụ vận tải đường bộ, chưa có nhiều doanh nghiệp kinh doanh chuỗi các hoạt động logistics mà chỉ tham gia một số công đoạn trong chuỗi cung ứng dịch vụ logistics. Ngoài ra do thiếu vốn, thiếu kinh nghiệm, thiếu đồng bộ trong dịch vụ logistics đồng thời các trang thiết bị phục vụ cho dịch vụ logistics còn lạc hậu, thiếu hiện đại nên chất lượng phục vụ dịch vụ logistics chưa cao.

2.2. Nguyên nhân chủ yếu: (i) Nhận thức chưa đúng, chưa đủ và chưa thống nhất về phát triển hạ tầng thương mại; (ii) Chính sách hỗ trợ đầu tư và ưu đãi đầu tư phát triển hạ tầng thương mại còn hạn chế và thiếu đồng bộ (iii) Các tỉnh miền núi, vùng sâu, vùng xa, thu nhập người dân không cao, sức mua thấp, khó thu hút đầu tư phát triển hạ tầng thương mại.

3. Giải pháp trong thời gian tới

- Rà soát, sửa đổi Luật Thương mại theo hướng bổ sung quy định về hạ tầng thương mại để làm căn cứ pháp lý cho việc triển khai các chính sách có liên quan;

- Rà soát, kiến nghị sửa đổi, bổ sung các chính sách ưu đãi, phát triển hạ tầng thương mại theo hướng đồng bộ, thuận lợi cho phát triển các loại hình kết cấu thương mại, đặc biệt là tại khu vực nông thôn;

- Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương nghiên cứu xây dựng văn bản quy phạm pháp luật thay thế cho Nghị định số 02/2003/NĐ-CP và Nghị định số 114/2009/NĐ-CP về phát triển và quản lý chợ;

- Lồng ghép việc triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới để nâng cấp, cải tạo hạ tầng chợ nông thôn;

- Nâng cấp, phát triển chợ truyền thống, kết hợp với từng bước nâng cao chất lượng dịch vụ của chợ, đáp ứng nhu cầu sản xuất và đời sống hàng ngày của người dân trên địa bàn nông thôn; tập trung cải tạo, nâng cấp các chợ đô thị tại trung tâm quận, thị xã, thành phố hiện có; tiếp tục kiện toàn và nâng cao năng lực hoạt động của tổ chức quản lý chợ; khuyến khích phát triển chợ an toàn vệ sinh thực phẩm, chợ văn minh thương mại;

- Nghiên cứu kỹ điều kiện và nhu cầu thực tế để lựa chọn xây dựng một số chợ đầu mối nông sản theo chuẩn quốc tế;

- Tập trung cải tạo, nâng cấp các chợ trung tâm quận, thị xã, thành phố hiện có; duy trì các chợ cấp phường (hoặc liên phường) hoạt động có hiệu quả, có cơ sở vật chất kỹ thuật bảo đảm, nằm trong quy hoạch, phục vụ đông đảo người dân trên địa bàn; với các chợ xuống cấp và quá tải, mất vệ sinh và gây ô nhiễm môi trường, vi phạm quy định về trật tự an toàn giao thông, chợ tạm, chợ không có trong quy hoạch đều phải chuyển đổi công năng, giải thể hoặc sát nhập.

Về vấn đề tổ chức các kênh phân phối nông sản để thúc đẩy tiêu thụ nông sản hàng hóa.

1. Những kết quả đạt được trong tiêu thụ nông sản nói riêng và tổ chức các kênh phân phối trong nước để thúc đẩy tiêu thụ hàng hóa trên thị trường nội địa

Thời gian qua, với sự nỗ lực của Bộ Công Thương và các Bộ ngành, hiệp hội, doanh nghiệp... trong việc triển khai các biện pháp thúc đẩy sản xuất, đàm phán mở cửa và đa dạng hóa thị trường tiêu thụ, việc tiêu thụ nông sản nói riêng và tổ chức các kênh phân phối trong nước để thúc đẩy tiêu thụ hàng hóa trên thị trường nội địa đã có những kết quả đáng ghi nhận, cụ thể:

- Việc triển khai Chương trình bình ổn thị trường, giá cả, góp phần tiêu thụ sản phẩm nông sản với giá ổn định vừa thực hiện được mục tiêu kiềm chế lạm phát, vừa tạo điều kiện để gắn kết các doanh nghiệp sản xuất, bán lẻ với nông dân, qua đó giúp nông dân yên tâm sản xuất khi đầu ra tiêu thụ ổn định.

- Thông qua triển khai Đề án Phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” giai đoạn 2014 - 2020, từ năm 2014 đến nay, Bộ Công Thương đã phê duyệt 223 dự án, nhiệm vụ thực hiện Đề án Phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” giai đoạn 2014-2020. Các dự án, nhiệm vụ thực hiện Đề án được Bộ Công Thương phê duyệt đều chú trọng đến hoạt động tuyên truyền, quảng bá cho nông sản Việt Nam và tổ chức các hoạt động kết nối cung cầu, thiết lập điểm bán hàng Việt Nam cố định, nhằm tạo thuận lợi cho hoạt động tiêu thụ nông sản.

- Triển khai thực hiện Quyết định số 72/2010/QĐ-TTg ngày 15 tháng 11 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Quy chế xây dựng, quản lý và thực hiện Chương trình Xúc tiến thương mại quốc gia. Đến nay, Bộ Công Thương đã phê duyệt hơn 1000 đề án với tổng kinh phí hơn 510 tỷ đồng (đặc biệt, tỷ lệ các đề án hỗ trợ liên quan đến ngành hàng nông, lâm, thủy sản chiếm khoảng 30% các đề án được phê duyệt), đã góp phần đẩy mạnh tiệu thụ các mặt hàng nông sản tại thị trường trong nước thông qua hệ thống phân phối truyền thông và hiện đại, cụ thể theo báo cáo của Sở Công Thương các địa phương (i) tỷ lệ hàng Việt Nam tại các hệ thống siêu thị trong nước chiếm tỷ lệ khá cao, cụ thể: Co.opmart (90-93%), Satra (90-95%), Vinmart (96%), Vissan (95%), Hapro (95%)…), (ii) tỷ lệ hàng Việt Nam tại các hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại nước ngoài tại Việt Nam chiếm từ 68% đến 95%, cụ thể: Lotte, Big C (90%), AEON - Citimart (82-85%), Auchan (65%), TTTM Emart (96%), TTTM Saigon Centre (68%), (iii) Tỷ lệ hàng Việt Nam tại các chợ truyền thống, cửa hàng tiện lợi chiếm tỷ lệ từ 60% trở lên, trong đó, nhóm mặt hàng Việt Nam có tỷ lệ cao là những hàng hóa Việt Nam có thế mạnh về điều kiện sản xuất, nguyên liệu đầu vào như: nông sản, lương thực, thực phẩm (tươi sống).

- Sau những năm thực hiện các chương trình lớn của Chính phủ nhằm thúc đẩy sản xuất trong nước phát triển theo quy mô lớn thông qua các hoạt động kết nối cung cầu nhằm gắn kết tạo nguồn hàng ổn định giữa các nhà sản xuất trong nước với các hệ thống phân phối lớn trên toàn quốc như: Satra, Hapro, Sài Gòn Co.op, Lotte, AEON, Big C, Vinmart, Fivimart…

Bộ đã chỉ đạo và phối hợp với các địa phương trong cả nước tổ chức nhiều Hội nghị để trao đổi, tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn, xúc tiến mở rộng thị trường, thúc đẩy tiêu thụ nông, lâm, thủy hải sản tại thị trường trong nước và nước ngoài, điển hình như: Hội nghị kết nối cung cầu tiêu thụ sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu tại 3 khu vực Bắc, Trung, Nam (năm 2013, 2014, 2015, 2016, 2017 và 9 tháng đầu năm 2018); Hội nghị “Kết nối cung - cầu giữa thành phố Hồ Chí Minh với các tỉnh, thành” năm 2014 và năm 2015; Hội nghị kết nối hỗ trợ tiêu thụ vải thiều, nhãn lồng tại thành phố Hồ Chí Minh, Bắc Giang, Hưng Yên, Hải Dương; Hội nghị Kết nối cung – cầu hàng hóa giữa các cơ sở công nghiệp nông thôn với hệ thống phân phối tại Huế; Hội nghị “Kết nối cung – cầu hàng hóa giữa các cơ sở công nghiệp nông thôn với hệ thống phân phối khu vực phía Bắc năm 2015” tại Hà Nội; Hội nghị XTTM tiêu thụ vải quả và nông sản năm 2014, 2015, 2016, 2017 và 2018...; phối hợp với UBND thành phố Móng Cái (Quảng Ninh), Chính quyền thành phố Đông Hưng (Quảng Tây, Trung Quốc) cùng các doanh nghiệp của hai nước thực hiện các hoạt động kết nối tiêu thụ thanh long và nông sản, thủy sản tại Bình Thuận và An Giang (từ ngày 29/10 -02/11/2017); tổ chức Hội nghị phổ biến các quy định của thị trường Trung Quốc đối với sản phẩm dưa hấu nhập khẩu và kết nối tiêu thụ nông sản tại Quảng Ngãi (đầu tháng 12/2017); tổ chức Đoàn công tác nhằm khảo sát, nghiên cứu, đánh giá thực trạng tình hình sản xuất, tiêu thụ sản phẩm dưa hấu và một số nông sản, thủy sản tại 04 tỉnh (Quảng Ngãi, Quảng Nam, Phú Yên, Bình Định) với thương nhân kinh doanh nông sản trong và ngoài nước. Đồng thời, tổ chức Hội nghị kết nối tiêu thụ các loại nông sản này tại Quảng Ngãi vào ngày 17/4/2018, với thành công của chuỗi các hội nghị này, từ năm 2013 sự kiện này đã trở thành hoạt động thường niên của các địa phương và nhân rộng nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước.

- Về tổ chức kênh tiêu thụ ngoài nước: Trong khuôn khổ Đề án “Thúc đẩy doanh nghiệp Việt Nam tham gia trực tiếp các mạng phân phối nước ngoài giai đoạn đến 2020” được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Bộ Công Thương đã phối hợp với Tập đoàn Central Group tổ chức Tuần hàng Việt Nam tại Thái lan năm 2017 (từ ngày 17-21 tháng 8/2017) quy tụ được hơn 40 doanh nghiệp Việt Nam trong các lĩnh vực tham gia, trong đó đối với hàng nông sản chế biến, như gia vị, cà phê, hoa quả sấy, nước mắm, các sản phẩm chế biến từ gạo…). Trong khuôn khổ Tuần hàng Việt Nam tại Thái lan đã tổ chức Hội thảo kết nối cung cầu giữa hơn 40 doanh nghiệp Việt Nam với 15 đơn vị thu mua của Tập đoàn Central Group. Đồng thời, ký “Biên bản ghi nhớ giữa Bộ Công Thương và Tập đoàn Central” về việc hàng năm tổ chức chương trình “Tuần hàng Việt Nam” tại các cơ sở bán lẻ của Tập đoàn Central ở Thái Lan và các nước nước ngoài khác với sự tham gia của các doanh nghiệp Việt Nam để quảng bá, tiêu thụ hàng Việt Nam. Biên bản ghi nhớ này ký ngày 18/8/2017 dưới sự chứng kiến của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và Đoàn công tác Việt Nam nhân chuyến thăm Thái Lan.

2. Một số giải pháp chủ yếu trong thời gian tới

Thời gian tới, để tổ chức tốt các kênh phân phối trong nước, thúc đẩy tiêu thụ hàng hóa trên thị trường nội địa (trong đó có chú trọng đến việc hỗ trợ tiêu thụ nông sản), Bộ Công Thương sẽ tập trung vào một số giải pháp cụ thể sau:

- Về cơ chế chính sách: Bộ Công Thương tiếp tục phối hợp với các Bộ, ngành liên quan theo dõi tình hình triển khai các cơ chế chính sách ưu đãi đầu tư, hỗ trợ đầu tư phát triển hạ tầng thương mại nhằm khuyến khích các thành phần kinh tế bỏ vốn đầu tư xây dựng trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng tiện lợi, chợ đầu mối, chợ dân sinh..., tạo tiền đề vật chất cho hoạt động lưu thông hàng hóa nói chung, nông sản-thực phẩm nói riêng. Đồng thời, sẽ tiếp tục rà soát, tổng hợp tình hình thực hiện các cơ chế chính sách này để tiếp tục đề xuất có những điều chỉnh nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa.

- Về hỗ trợ tiêu thụ hàng hóa nói chung và nông sản nói riêng:

+ Phối hợp chặt chẽ với các địa phương trong việc triển khai Chương trình bình ổn thị trường, giá cả, góp phần tiêu thụ sản phẩm nông sản với giá ổn định. Việc triển khai chương trình vừa thực hiện được mục tiêu kiềm chế lạm phát, vừa tạo điều kiện để gắn kết các doanh nghiệp sản xuất, bán lẻ với nông dân, qua đó giúp nông dân yên tâm sản xuất khi đầu ra tiêu thụ ổn định.

+ Tiếp tục phối hợp với các địa phương trong cả nước tổ chức các hội nghị kết nối cung cầu để trao đổi, tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn, xúc tiến mở rộng thị trường, thúc đẩy tiêu thụ nông sản tại thị trường trong nước và nước ngoài.

+ Tăng cường phối hợp ở cấp địa phương giữa Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Sở Công Thương ở những địa phương nông sản có số lượng lớn, thiết lập đầu mối tại tất cả các Sở Công Thương và tại Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công Thương để tiếp nhận các thông liên quan đến tình hình tiêu thụ (sản lượng, giá cả, khả năng xuất khẩu, số lượng cần tiêu thụ trong nước... ) để kịp thời thông tin cho các địa phương yêu cầu các nhà phân phối, các chợ đầu mối tổ chức tiêu thụ.

- Về việc đẩy mạnh thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”: Tiếp tục thực hiện Quyết định số 634/QĐ-TTg về việc triển khai thực hiện Đề án phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”giai đoạn 2014 - 2020.

- Về xúc tiến thương mại: Tiếp tục đẩy mạnh chương trình xúc tiến thương mại quốc gia, mở rộng thị trường trong và ngoài nước; tăng cường công tác tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu các sản phẩm nông sản, thủy sản của các doanh nghiệp sản xuất, chế biến, hộ nuôi trồng trong nước đến các nhà phân phối (hệ thống siêu thị, chuỗi các cửa hàng cung cấp sản phẩm nông sản, thủy sản và các chợ đầu mối, các chợ dân sinh kinh doanh nông sản, thủy sản).

Chủ động đưa nông sản vào hệ thống phân phối của các doanh nghiệp FDI. Tiếp tục chỉ đạo và hướng dẫn các doanh nghiệp phân phối trong nước cũng như các doanh nghiệp phân phối có vốn đầu tư nước ngoài triển khai các chương trình liên kết ổn định, lâu dài với nhà sản xuất và người nông dân để tiêu thụ hàng hóa qua các hệ thống phân phối trong nước cũng như xuất khẩu thông qua các cơ sở phân phối của các doanh nghiệp này ở nước ngoài.

Ngoài ra, trong thời gian qua, mặc dù các Bộ, ngành đã nỗ lực triển khai công tác đổi mới và thúc đẩy phát triển các kênh phân phối hàng hóa theo chuỗi liên kết bền vững, tuy nhiên công tác này vẫn chưa được thực hiện một cách toàn diện, đồng bộ tại tất cả các thị trường chủ lực và tiềm năng. Theo Bộ Công Thương, để thực hiện hiệu quả vấn đề này trong thời gian tới, cần phải tập trung: (i) Hoàn thiện hệ thống hạ tầng thương mại (giao thông, vận tải, logistics...) nhằm tăng khả năng kết nối phục vụ lưu thông hàng hóa; (ii) Tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận lợi hóa tối đa cho thương mại, đặc biệt là hoạt động xuất khẩu; (iii) Nghiên cứu xây dựng kho ngoại quan tại các nước nhập khẩu nhằm giảm chi phí cho doanh nghiệp; (iv) hỗ trợ doanh nghiệp tham gia trực tiếp vào các mạng phân phối tại nước ngoài; (v) tổ chức các Hội nghị kết nối cung cầu để thúc đẩy tiêu thụtrong nước, đặc biệt là các nông sản mang tính thời vụ cao...

Văn phòng Bộ

Nguồn: Moit.gov.vn