Tham dự buổi làm việc có đại diện lãnh đạo các đơn vị Vụ Thị trường Châu Phi, Tây Á, Nam Á, Vụ Hợp tác quốc tế, Tổng cục Năng lượng, Cục Xuất nhập khẩu, Cục Xúc tiến thương mại, Chủ tịch Tập đoàn Dầu khí Việt Nam Nguyễn Quốc Khánh.
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nhiệt liệt chào mừng Ngài Mohammad Reza Nematzadeh cùng các thành viên đến làm việc với Bộ Công Thương Việt Nam và chúc cho chuyến thăm của đoàn Tổng thống I-ran với nhiều quan chức cao cấp giữ các cương vị quan trọng của nhà nước I-ran sẽ thành công tốt đẹp, góp phần vào việc thúc đẩy quan hệ hợp tác nhiều mặt giữa Việt Nam và I-ran. Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cũng đánh giá cao quá trình công tác cùng với những kinh nghiệm quý báu của Ngài Mohammad Reza Nematzadeh sẽ tiếp tục đóng góp tích cực vào việc phát triển quan hệ hợp tác trong các lĩnh vực công nghiệp sản xuất, khai mỏ, năng lượng và trao đổi thương mại giữa hai nước.
Ngài Mohammad Reza Nematzadeh cảm ơn sự đón tiếp trân trọng và lời chúc mừng của Bộ trưởng Trần Tuấn Anh dành cho đoàn I-ran. Ngài Mohammad Reza Nematzadeh cho biết Việt Nam là đất nước có truyền thống anh hùng và dũng cảm. Việt Nam và I-ran có mối quan hệ lâu dài tốt đẹp, lãnh đạo cấp cao của hai nước đều mong muốn thúc đẩy phát triển mối quan hệ nhiều mặt giữa hai bên. Mặc dù, hai nước có mối quan hệ hợp tác về văn hóa khá chặt chẽ nhưng do I-ran bị cấm vận nên thời gian qua quan hệ hợp tác trong lĩnh vực kinh tế thương mại vẫn còn hạn chế, giao dịch trao đổi buôn bán giữa các doanh nghiệp và đối với một số mặt hàng xuất nhập khẩu giữa hai nước nhiều lúc không tiến hành được trực tiếp mà phải tiến hành thông qua nước thứ ba. Hiện tại, I-ran và nhóm P5+1 đã đạt được thỏa thuận hành động chung về vấn đề hạt nhân và các lệnh cấm vận được gỡ bỏ từ đầu năm nay sẽ tạo thuận lợi cho I-ran mở rộng quan hệ hợp tác và trao đổi kinh tế với các nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam.
Bộ trưởng Bộ Công nghiệp, Mỏ và Thương mại I-ran cũng giới thiệu tiềm năng của I-ran trong một số các lĩnh vực, hoạt động sản xuất như dầu mỏ và hóa dầu, năng lượng, khai thác khoáng sản, sản xuất ô tô, dược phẩm, công nghệ thông tin...... Bộ trưởng I-ran cho rằng mỗi nước có những lợi thế riêng và có thể bổ sung cho nhau nên cần tận dụng để thúc đẩy hợp tác song phương trong từng lĩnh vực chuyên ngành cụ thể, vì lợi ích của mỗi bên. Phía I-ran đã mở Cơ quan Thương vụ và cử đại diện thương mại tại Việt Nam là cầu nối trao đổi thông tin về thị trường và kết nối các cơ hội giao dịch, hợp tác, giao thương giữa cộng đồng doanh nghiệp hai bên. Việt Nam có thể tìm hiểu cơ hội hợp tác với I-ran trong các lĩnh vực đầu tư, sản xuất công nghiệp (nhất là đối với sản xuất, luyện nhôm tại I-ran để tận dùng nguồn điện giá rẻ), công nghệ và hóa dầu, khai thác khoáng sản..... Bộ Công nghiệp, Mỏ và Thương mại I-ran sẵn sàng hỗ trợ cho Tập đoàn Dầu khí Việt Nam gia hạn hợp đồng thăm dò, khai thác dầu khí tại lô Danan và bày tỏ mong muốn mua nguyên liệu bô-xít từ Việt Nam để đáp ứn yêu cầu trong nước. Bên cạnh đó, I-ran cũng có thể nhập khẩu các sản phẩm thế mạnh của Việt Nam như hàng dệt may, hàng lương thực, thực phẩm, sản phẩm điện tử các loại.... và ngược lại, Việt Nam cũng có thể nhập khẩu các sản phẩm của I-ran như hóa dầu, xơ sợi các loại, nguyên vật liệu, thảm.... Bộ trưởng I-ran bày tỏ phía I-ran mong muốn có chương trình chiến lược hợp tác lâu dài với Việt Nam để tăng cường hợp tác giữa hai bên và nhấn mạnh mục tiêu đẩy mạnh kim ngạch thương mại song phương lên 2,0 tỷ USD trong vòng 05 năm tới đã được các nhà lãnh đạo hai bên nhất trí trong chuyến thăm I-ran của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang vào tháng 3 năm nay.
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nhất trí với các ý kiến trao đổi của Bộ trưởng Công nghiệp, Mỏ và Thương mại I-ran và cho biết, Bộ Công Thương Việt Nam sẵn sàng mở rộng hợp tác với phía I-ran trong các lĩnh vực trao đổi thương mại, đầu tư, sản xuất công nghiệp với phía I-ran trong các lĩnh vực này, đặc biệt trong đối với các mặt hàng như sản phẩm hóa dầu, cao su, năng lượng, lương thực, thực phẩm, nông sản các loại, sản phẩm dệt may, thủy sản, sản phẩm đồ gỗ, máy tính, sản phẩm điện tử, hàng tiêu dùng... Bộ trưởng nhấn mạnh tới việc tạo thuận lợi cho việc mua bán gạo giữa hai nước, do đây là mặt hàng phía I-ran có nhu cầu hàng năm với số lượng lớn và gợi ý hai bên cần thống nhất có thỏa thuận ở cấp Chính phủ về thương mại gạo. Bộ trưởng gợi ý các Bộ, ngành, Phòng Thương mại và Công nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp và ngành hàng của mỗi nước cần tăng cường trao đổi cơ chế hợp tác, thông tin về lĩnh vực chuyên ngành và thị trường của nhau, tích cực trao đổi các đoàn đi làm việc, khảo sát thị trường, tìm kiếm cơ hội và phát hiện ra khả năng, nhu cầu hợp tác lẫn nhau. Bộ trưởng cũng khuyến khích hoạt động của cơ quan Thương vụ I-ran tại Việt Nam cần tập trung vào việc tích cực hỗ trợ cho các hoạt động giao thương của cộng đồng doanh nghiệp hai bên. Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho rằng mục tiêu 2,0 tỷ USD kim ngạch trao đổi thương mại song phương là hoàn toàn có khả năng đạt được nếu cộng đồng doanh nghiệp hai nước được cung cấp đầy đủ thông tin về thị trường, cơ chế chính sách quản lý xuất nhập khẩu của nhau, được tạo thuận lợi trong các hoạt động giao thương cũng như được cung cấp những cơ hội hợp tác trao đổi mặt hàng cụ thể với nhau. Bộ trưởng cho biết phía Việt Nam sẵn sàng xem xét, ký kết các thỏa thuận hợp tác trong lĩnh vực thương mại và công nghiệp nhằm tạo khuôn khổ pháp lý cho hoạt động của các doanh nghiệp.
Nhân dịp này, Ngài Mohammad đã trân trọng gửi tới Bộ trưởng Trần Tuấn Anh lời mời tới thăm I-ran. Bộ trưởng Trần Tuấn Anh chân thành cảm ơn Bộ trưởng Công nghiệp, Mỏ và Thương mại I-ran và cho rằng chuyến thăm I-ran sẽ là cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam tìm hiểu rõ hơn về thị trường này.
Trước đó, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đã tham dự các hoạt động trong khuôn khổ chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống I-ran bao gồm lễ đón và hội đàm giữa Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Tổng thống I-ran, hội kiến giữa Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và Tổng thống I-ran.
Nguồn: Vụ Thị trường châu Phi, Tây Á, Nam Á/Cổng thông tin điện tử Bộ Công Thương