Về phía Việt Nam, cùng tham dự hội đàm, có: Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Lào Nguyễn Bá Hùng; Lãnh đạo, đại diện các đơn vị thuộc Bộ Công Thương; đại diện Lãnh đạo của các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực đầu tư, thương mại, công nghiệp tại Lào. Về phía Lào, cùng tham dự hội đàm có Thứ trưởng Bộ Công Thương Lào, Lãnh đạo các Cục, Vụ chức năng liên quan của Bộ Công Thương Lào cùng đại diện một số doanh nghiệp.
Mở đầu buổi hội đàm, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đã gửi những lời chúc tốt đẹp nhất tới Bộ trưởng Malaithong Kommasith, các đồng chí Thứ trưởng và cán bộ Bộ Công Thương Lào nhân dịp Tết cổ truyền Bun-Pi-May của Lào.
Bộ trưởng khẳng định hợp tác trong lĩnh vực Công Thương là trụ cột hết sức quan trọng trong quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Lào. Vì vậy, hai Bên cần thường xuyên gặp gỡ, trao đổi để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và thúc đẩy hợp tác giữa hai nước trong lĩnh vực công nghiệp, thương mại và dịch vụ.
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết Việt Nam thời gian qua đã trở thành công xưởng của thế giới với kim ngạch xuất nhập khẩu đạt hơn 735 tỷ USD, nằm trong nhóm 20 nước có quy mô ngoại thương lớn nhất thế giới và nhóm các thị trường hấp dẫn nhất về thu hút FDI.
Chính vì vậy, Việt Nam có nhu cầu nhập khẩu rất lớn các loại nguyên liệu đầu vào và điện năng từ các nước, trong đó có Lào. Hai Bộ trưởng nhất trí nhận định kim ngạch thương mại song phương hai nước đã có sự tăng trưởng khả quan trong các năm qua. Từ 2012 đến nay, với những nỗ lực rất lớn của các Bộ ngành và doanh nghiệp hai nước, hai Bên liên tục hoàn thành mục tiêu tăng trưởng kim ngạch thương mại từ 10-15%/năm như Lãnh đạo cấp cao hai nước đã đặt ra (trừ giai đoạn COVID-19 do bị ảnh hưởng bởi bối cảnh chung). Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đánh giá cao sự cải thiện năng lực sản xuất của Lào trong thời gian qua. Lào đang dần trở thành một trong những nguồn cung cấp quan trọng các sản phẩm và nguyên liệu phục vụ sản xuất cho các nước ASEAN nói chung và cho Việt Nam nói riêng.
Tuy nhiên, kim ngạch thương mại Việt Nam - Lào mới đạt quy mô 1,65 tỷ USD, chỉ bằng 10% tổng kim ngạch ngoại thương của Lào và 0,2% tổng kim ngạch ngoại thương của Việt Nam, chưa tương xứng với tiềm năng và quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào. Để khai thác tiềm năng hợp tác thương mại, hai Bộ trưởng đã nhất trí các giải pháp cụ thể triển khai cam kết, thoả thuận đã được Lãnh đạo cấp cao hai nước thống nhất tại bản Thoả thuận về Kế hoạch hợp tác giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Lào; biên bản kỳ họp thứ 46 Uỷ ban liên Chính phủ Việt Nam - Lào; bao gồm:
(i) Thúc đẩy xuất khẩu hàng hoá giữa hai nước, gia tăng khối lượng kim ngạch thương mại giữa hai nước: Hai Bộ trưởng cùng chung nhận định việc thực thi có hiệu quả các cam kết hợp tác thương mại giữa Việt Nam và Lào phụ thuộc rất nhiều vào sự hợp tác chặt chẽ giữa doanh nghiệp hai nước. Trên cơ sở đó, hai Bên nhất trí đẩy mạnh việc tổ chức các hoạt động giao thương, kết nối doanh nghiệp hai nước như các diễn đàn doanh nghiệp, hội nghị kết nối giao thương doanh nghiệp, hội chợ thương mại, diễn đàn thúc đẩy thương mại, hội thảo thông tin thị trường.
(ii) Thúc đẩy hợp tác phát triển hạ tầng thương mại biên giới Việt Nam - Lào: Hai Bộ trưởng nhất trí thương mại biên giới có vai trò hết sức quan trọng đối với thương mại hai nước. Hiện nay, kim ngạch thương mại biên giới giữa Việt Nam và Lào chiếm tới hơn 90% tổng kim ngạch thương mại hai nước. Để tiếp tục đẩy mạnh hoạt động thương mại biên giới Việt Nam-Lào giai đoạn tới, hai Bên cần triển khai có hiệu quả Bản ghi nhớ về phát triển và kết nối hạ tầng thương mại biên giới Việt Nam – Lào (ký vào tháng 01/2024); rà soát, trao đổi để sửa đổi, bổ sung Thỏa thuận Hà Nội năm 2007 và Hiệp định Thương mại biên giới Việt Nam - Lào cho phù hợp với tình hình và bối cảnh mới. Cũng tại buổi hội đàm, hai Bộ trưởng cũng nhất trí sẽ giao các đơn vị chức năng trao đổi, sớm thống nhất thời gian Hội nghị Thương mại biên giới Việt Nam - Lào lần thứ 13 tại Việt Nam để kịp thời thảo luận các vướng mắc, khó khăn thương mại biên giới phát sinh giữa hai nước cũng như thống nhất phương hướng hợp tác trong các năm tới.
(iii) Tập trung khai thác tối đa hiệu quả của các khu công nghiệp, khu kinh tế cửa khẩu hiện có tại khu vực biên giới hai nước: Hai Bộ trưởng đánh giá cao sự cần thiết phải nghiên cứu, khảo sát việc phát triển khu công nghiệp, khu kinh tế cửa khẩu ở biên giới hai nước. Tuy nhiên, trước mắt, để tận dụng nguồn lực sẵn có, hai Bên cần tập trung khai thác tối đa hiệu quả của các khu công nghiệp, khu kinh tế cửa khẩu hiện đã có tại khu vực biên giới Việt Nam và Lào. Song song với đó, hai Bên cần nghiên cứu, bổ sung, hoàn thiện pháp lý cho hoạt động hợp tác công nghiệp biên giới. Trên cơ sở đó, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên và Bộ trưởng Malaithong Kommasith đã giao các đơn vị đầu mối khẩn trương đàm phán, thống nhất Bản ghi nhớ về Phát triển chuỗi liên kết công nghiệp giữa hai nước để tiến tới ký kết trong thời gian tới.
(iv) Phối hợp chặt chẽ để đảm bảo ổn định thị trường xăng dầu của Lào: Tại buổi hội đàm, Bộ trưởng Malaithong Kommasith đề nghị phía Việt Nam hỗ trợ Việt Nam chia sẻ kinh nghiệm quản lý thị trường xăng dầu; đồng thời giúp Lào ổn định nguồn cung xăng dầu. Trước đề nghị của Bộ trưởng Malaithong Kommasith, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết vấn đề ổn định thị trường năng lượng của Lào cũng là vấn đề phía Việt Nam hết sức quan tâm. Bộ Công Thương đã và sẽ tiếp tục khuyến khích các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu của Việt Nam chủ động kết nối với doanh nghiệp của Lào. Tuy nhiên, về lâu dài, cần nghiên cứu tháo gỡ khó khăn về tiêu chuẩn xăng dầu và cơ chế tỉ giá hối đoái để hỗ trợ thị trường xăng dầu phát triển ổn định.
(v) Tăng cường hợp tác trong công tác quản lý thị trường; phát triển thương mại điện tử: Trước những quan tâm của phía Lào liên quan đến công tác quản lý thị trường (chống buôn lậu, chống gian lận thương mại) và phát triển thị trường thương mại điện tử, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đã giao Tổng cục Quản lý thị trường có kế hoạch chia sẻ kinh nghiệm và hỗ trợ phía Lào nâng cao năng lực trong công tác quản lý thị trường, chống gian lận thương mại, chống buôn lậu (gian lận thương mại truyền thống và gian lận thương mại điện tử); giao Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số cùng phối hợp, hỗ trợ phía Lào chia sẻ kinh nghiệm, phát triển thương mại điện tử.
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đã cùng Bộ trưởng Bộ Công Thương Lào ký kết Hiệp định Thương mại Việt Nam - Lào mới
Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương Việt Nam) và Vụ Cạnh tranh và Kiểm tra thương mại (Bộ Công Thương Lào) Ký kết Biên bản ghi nhớ hợp tác
Sau buổi hội đàm, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đã cùng Bộ trưởng Bộ Công Thương Lào ký kết Hiệp định Thương mại Việt Nam - Lào mới; chứng kiến lễ ký kết Biên bản ghi nhớ hợp tác giữa Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương Việt Nam) và Vụ Cạnh tranh và Kiểm tra thương mại (Bộ Công Thương Lào); Biên bản ghi nhớ hợp tác giữa GP Holdings, Viện Nghiên cứu cơ khí và Tập đoàn Phonesack Group về hợp tác xây dựng kho bãi và băng truyền tải than. Việc ký kết các Bản ghi nhớ hợp tác theo từng chuyên ngành sẽ tiếp tục góp phần làm sâu sắc hơn mối quan hệ hợp tác giữa hai nước.
Hiệp định Thương mại Việt Nam - Lào được ký lần đầu năm 2015. Chính phủ Việt Nam và Lào giao Bộ Công Thương hai nước đàm phán, sửa đổi, bổ sung để xây dựng Hiệp định Thương mại Việt Nam – Lào mới (gọi tắt là Hiệp định) phù hợp với bối cảnh hiện nay. Sau quá trình đàm phán kéo dài 03 năm, hai Bên đã thống nhất được các nội dung Hiệp định mới.
Bản Hiệp định mới hướng tới mục tiêu tăng cường, củng cố hơn nữa quan hệ hữu nghị đặc biệt và hợp tác toàn diện Việt Nam - Lào, thúc đẩy tiếp cận thị trường cho hàng hóa, dịch vụ và tạo sự kết nối phát triển ổn định, bền vững và lâu dài. Các điều khoản của Hiệp định được xây dựng dựa trên nguyên tắc phù hợp với các luật, quy định và chính sách tương ứng của mỗi nước; bình đẳng, cùng có lợi; cùng hướng tới việc tạo thuận lợi tối đa trong việc xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa và cung ứng dịch vụ, dành cho nhau những ưu đãi đặc biệt về thương mại hàng hóa và dịch vụ .
Hiệp định gồm 05 chương, tương ứng với 15 điều khoản và 05 phụ lục đã bao phủ các vấn đề quan trọng trong hợp tác thương mại giữa hai nước, bao gồm: Quy định về việc tiếp cận thị trường đối với hàng hóa và dịch vụ; tạo thuận lợi thương mại; xúc tiến thương mại và ứng dụng thương mại điện tử; hợp tác chống buôn lậu, gian lận thương mại, chống rửa tiền và vận chuyển trái phép qua biên giới.
Hiệp định Thương mại Việt Nam-Lào mới sau khi ký kết và đi vào thực thi sẽ góp phần giải quyết các vấn đề phát sinh sau một thời gian thực hiện Hiệp định Thương mại Việt Nam – Lào năm 2015; tiếp tục hoàn thiện cơ sở pháp lý cho hoạt động thương mại giữa Việt Nam – Lào; đặc biệt việc rà soát và đưa ra các ưu đãi về thuế suất thuế nhập khẩu đi trước lộ trình giảm thuế của Việt Nam và Lào trong ASEAN sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa, góp phần thúc đẩy hơn nữa quan hệ thương mại Việt Nam - Lào.