Tiếp theo chương trình hành động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” do Bộ Chính trị phát động, tháng 6/2014 Thủ tướng Chính phủ ban hành đề án phát triển thị trường trong nước gắn với chương trình hành động “người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Thực hiện đề án này Bộ Công thương chỉ định Trung tâm thông tin Công nghiệp và thương mại (VITIC) thực hiện chương trình “Tuần nhận diện thương hiệu Việt Nam”.
Theo Thứ trưởng Bộ Công thương Hồ Thị Kim Thoa, mặc dù gọi là “Tuần nhận diện” nhưng đây là chương trình kéo dài 4 tháng từ tháng 7 đến tháng 10/2015.

Thứ trưởng Hồ Thị Kim Hoa cho biết, điểm nhấn của chương trình này là truyền thông các thông tin về các sản phẩm thương hiệu Việt Nam đến người tiêu dùng, càng nhiều thông tin đến người tiêu dùng thì sự tiếp cận hàng hóa Việt Nam đến người tiêu dùng càng tốt.

Do đó ở tuần cuối cùng tháng 10, Bộ Công thương sẽ triển khai chương trình hội chợ để người tiêu dùng tiếp cận được hàng hóa trong quá trình truyền thông vừa qua giới thiệu. Hội chợ này cũng giúp các DN tham gia chương trình nắm được các thông tin phản hồi của người tiêu dùng để điều chỉnh sản phẩm của mình nâng cao năng lực cạnh tranh đáp ứng được yêu cầu của người tiêu dùng.

Tại buổi họp báo công bố triển khai chương trình “Tuần nhận diện hàng Việt 2015 – Tự hào hàng Việt Nam” chiều nay do Bộ Công thương chủ trì, Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa cũng đã giải đáp thắc mắc rất nhiều câu hỏi của các phóng viên.

Trả lời câu hỏi của phóng viên về việc những doanh nghiệp nào được tham gia chương trình nhận diện hàng Việt, liệu các doanh nghiệp nước ngoài có được tham gia không, Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa cho biết theo quy định tài liệu tuyên truyền cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, hàng Việt Nam được định nghĩa là hàng hóa được sản xuất lắp ráp trên lãnh thổ Việt Nam, tuân thủ pháp luật Việt Nam, không phải hàng hóa dịch vụ nhập khẩu từ nước ngoài, do đó các sản phẩm được tuyên truyền trong chương trình không phân biệt quốc gia hoặc công ty đa quốc gia, miễn là hàng được sản xuất và lắp ráp tại Việt Nam, không phân biệt quy mô của công ty đó.

Theo Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa, trong 4 tháng triển khai rất khó giới thiệu được hết tất cả các thương hiệu trong nước, tuy nhiên Bộ Công thương mong muốn các cơ quan thông tấn báo chí và các địa phương giới thiệu các sản phẩm, thương hiệu của địa phương và trung ương có uy tín. Uy tín ở đây tập trung tại các thương hiệu đạt tiêu chí thương hiệu quốc gia, những thương hiệu mạnh và các thương hiệu thực hiện tốt cuộc vận động "Người Việt Nam dùng hàng Việt Nam".
Bên cạnh đó Bộ Công thương cũng kết nối với các địa phương, các ngành, có thông tin về các sản phẩm sản xuất tại Việt Nam được người tiêu dùng cả nước tín nhiệm.

Thứ trưởng rất mong muốn các cơ quan thông tấn báo chí phối hợp với Bộ Công thương tuyên truyền nhận diện các sản phẩm có thể đáp ứng với các tiêu chí. Bộ Công thương cũng phối hợp với Bộ Khoa học công nghệ, Bộ Nông nghiệp và các bộ ngành, địa phương, nhằm thông tin liên tục từ nay đến tháng 10 về các sản phẩm hàng Việt.

Cũng tại cuộc họp báo, ông Võ Văn Quyền, Vụ trưởng Vụ thị trường trong nước cho biết tiêu chí tuyển chọn các mặt hàng tham gia chương trình “Tuần nhận diện hàng Việt 2015” là những sản phẩm có uy tín được qua tuyển chọn của các khu vực, không chủ định nhằm vào mất cứ một mặt hàng nào mà các mặt hàng đều có cơ hội tham gia.
Vụ trưởng Vụ thị trường trong nước Võ Văn Quyền - Ảnh: Lê Hùng

Việc triển lãm hội trợ chỉ là một phần của hoạt động truyền thông, thông qua Tuần hàng gồm rất nhiều các hoạt động từ tuyên truyền, hội trợ, các cầu truyền hình trực tuyến, điểm bán hàng Việt… tạo ra nhận thức chung của cộng đồng về hàng Việt nhằm thay đổi nhận thức cho người tiêu dùng Việt.

Chương trình "Tuần nhận diện hàng Việt" là hoạt động thường niên nên cơ hội tham gia của các DN Việt rất lớn. Còn các DN nào được tuyển chọn thì có hội đồng tuyển chọn lựa chọn các mặt hàng tiềm năng, các thương hiệu Việt có uy tín.