Ông Nguyễn Đức Kiên, Phó chủ nhiệm Ủy ban kinh tế Quốc hội cho biết như vậy bên lề hội thảo lấy ý kiến "Đề án cải tiến cơ cấu biểu giá bán lẻ điện" do Tập đoàn Điên lực (EVN) tổ chức ở Hà Nội ngày 22/9.

Theo dự thảo đề án biểu giá điện, EVN đưa ra ba phương án gồm: Giữ nguyên biểu giá điện 6 bậc thang như hiện hành; tính đồng giá ở mức 1.747 đồng/kWh; rút gọn biểu giá điện sinh hoạt từ 6 bậc thang về 3 hoặc 4 bậc thang. 

Thưa ông, tại sao EVN lại là đơn vị đứng ra lấy ý kiến góp ý về biểu giá điện mới mà không phải là cơ quan khác?

Ông Nguyễn Đức Kiên, Phó chủ nhiệm Ủy ban kinh tế Quốc hội: Đề án cải tiến cơ cấu biểu giá điện không phải do EVN đưa ra mà do cơ quan tư vấn độc lập xây dựng. EVN là đơn vị lấy ý kiến. Có thể nói rằng, EVN là một đối tác bị ảnh hưởng bởi phương án tính giá điện chia bậc thang do cơ quan tư vấn lập ra.

Hội thảo lấy ý kiến góp ý về việc cải tiến giá điện là do Cục Điều tiết điện lực chủ trì và EVN đứng ra xin ý kiến người dân là sự kết hợp hài hoà. Trên thực tế, ngay lập tức tách bạch EVN và Bộ Công Thương trong việc tính giá điện bậc thang là điều kiện không khả thi. Bởi hiện nay Nghị định về điều lệ hoạt động của EVN được xây dựng trong Luật doanh nghiệp sửa đổi và trong Luật điện lực. Do đó, EVN có nhiệm vụ đảm bảo vấn đề an sinh xã hội.

Mặt khác, đến thời điểm hiện nay, ngành điện đang thực hiện đúng quy định của Chính phủ, thậm chí thị trường điện cạnh tranh đang được đẩy nhanh tiến độ. Cụ thể là, Việt Nam đang trong quá trình tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước, trong đó có EVN. Hơn nữa, Việt Nam đang hình thành một thị trường điện lực cạnh tranh, bao gồm thị trường phát điện cạnh tranh, thị trường phân phối và ttruyền tải. Trong đó, khâu truyền tải là độc quyền của Nhà nước. Còn lại khâu phát điện cạnh tranh và khâu bán lẻ thì ngành điện đang có lộ trình thực hiện.


Biểu giá điện mới sẽ được cải tiến dựa trên nguyên tắc nào?

Cuộc hội thảo tại Hà Nội mới là cuộc hội thảo đầu tiên. Trong tháng 9 này, hai cuộc hội thảo nữa sẽ được tổ chức lấy ý kiến tại Đà Nẵng và TPHCM. Vấn đề xuyên suốt của hội thảo là thống nhất các nguyên tắc xây dựng biểu giá điện. Trong đó, nguyên tắc xây dựng biểu giá điện phải đảm bảo được sự công bằng của các hộ sử dụng điện và khả năng tiếp cận nguồn điện của người dân. Thứ hai nữa, cải tiến biểu giá điện là phải đảm bảo được việc tiết kiệm nguồn tài nguyên quốc gia. Thứ nữa là việc cải tiến giá điện phải tuân thủ lộ trình của ngành điện và vấn đề tái cơ cấu Tập đoàn Điện lực Việt Nam.


Ba phương án của cơ quan tư vấn điện lực đưa ra phản ánh cách nhìn của cơ quan tư vấn đối với tư cách là người làm kỹ thuật thuần túy. Đối EVN, doanh nghiệp này có thể chọn một phương án thuận lợi nhất. Nhưng tất cả các phương án đều phải tuân thủ theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ về giá bán điện. Trong đó, quyết định của Thủ tướng Chính phủ có quy định mức bán lẻ bình quân thấp nhất và mức bán lẻ bình quân cao nhất. Nếu có phương án nào thay đổi, đơn vị cần phải báo cáo lại để xin ý kiến Thủ tướng.

Với ba phương án giá điện cơ quan tư vấn đưa ra, ông có nghiêng về phương án nào không, thưa ông?

Trong điều kiện của Việt Nam hiện nay không thể thực hiện đồng nhất một giá điện. Nguyên nhân là vì cơ cấu giá điện xây dựng phải đảm bảo cho người sử dụng điện. Từ năm 2000 đến nay, số hộ nghèo đã giảm từ 54% xuống còn 14%, hộ cận nghèo còn 7%. Ngành điện cũng như xã hội phải có chính sách ưu tiên với 21% hộ nghèo và cận nghèo, cộng với hộ chính sách xã hội ưu tiên.

Đến thời điểm này, không có phương án nào đảm bảo được sự hài lòng của người sử dụng điện. Vấn đề là các phương án phải đảm bảo về lợi ích của số đông, mà nếu dựa theo lợi ích của số đông thì phải dựa trên thống kê liên tục đối với người sử dụng điện nhiều năm qua. Tuy nhiên, dù chọn phương án nào thì không nên làm ảnh hưởng nhiều đến người nghèo, người thu nhập trung bình và người làm công ăn lương. Hơn nữa, phương án giá điện chọn ra phải khuyến khích người tiết kiệm điện.

Xin cảm ơn ông!

Huyền Thương