Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) vừa hoàn thiện Đề án cải tiến cơ cấu biểu giá điện nhằm lấy ý kiến rộng rãi các Bộ, ngành, địa phương, các chuyên gia kinh tế và người dân. Theo đó, EVN đưa ra ba phương án tính giá điện bán lẻ gồm:
- Phương án 1 vẫn giữ nguyên 6 bậc như hiện hành

- Phương án 2 áp dụng một mức đồng giá 1.747 đồng/kWh

- Phương án 3 được EVN rút gọn biểu giá điện sinh hoạt bậc thang từ 6 bậc về 3 hoặc 4 bậc. Riêng phương án này, EVN đưa ra 5 kịch bản với khoảng cách chia thang bậc khác nhau.

Với 3 phương án giá điện trên, Vinanet có cuộc trao đổi với Giáo sư, Viện sĩ, TSKH Trần Đình Long, Phó Chủ tịch Hội Điện lực Việt Nam nhằm góp phần chọn ra phương án hợp lý cho người tiêu dùng.

Hiện tại EVN công khai lấy ý kiến các đơn vị về việc lựa chọn biểu giá điện mới, ông đánh giá thế nào về ba phương án EVN đang đưa ra?

Ông Trần Đình Long, Phó Chủ tịch Hội Điện lực Việt Nam: Về phía doanh nghiệp EVN, các phương án đưa ra có thể nói là như nhau vì dù chọn phương án nào, doanh thu của doanh nghiệp cũng không biến động nhiều.

Theo quy định, doanh thu của Tập đoàn là năng lượng được sử dụng nhân (x) với giá bán điện. Trong khi số điện tiêu dùng của khách hàng không thay đổi và các mức giá vẫn giao động trong một giới hạn doanh nghiệp đưa ra. Do đó, có thể nói chọn phương án thang điện nào thì EVN cũng không thay đổi lợi ích ở đây.

Còn đối với người tiêu dùng thì sao, ở mỗi phương án, người dùng sẽ thiệt hơn như thế nào so với khung giá điện 6 bậc như hiện nay, thưa ông?

GS TSKH Trần Đình Long

Đối với các doanh nghiệp sử dụng điện và người tiêu dùng, thì các phương án bậc giá có mức độ ảnh hưởng khác nhau. Cùng một bậc thang đưa ra, một nhóm người tiêu dùng sẽ hưởng lợi, nhưng số khác có thể thiệt hơn.

Tôi lấy ví dụ nếu giá điện được giảm từ 6 bậc xuống 3 bậc, thì có sự xáo trộn lớn vì khoảng cách các bậc sẽ bị rút ngắn lại. Cụ thể, khi chuyển thang giá điện xuống 3 bậc, thì người ở bậc 3 trước đây (bậc 3 trong số 6 bậc) vẫn sẽ ở bậc 3, tức bậc cao nhất. Với nhóm khách hàng này, hóa đơn điện sẽ tăng vì họ phải thanh toán giá điện cao nhất.

Nhưng, đối với những khách hàng trước đây ở bậc sử dụng điện nhiều nhất, tức là bậc cao nhất trong thang 6 bậc thì đương nhiên được xuống thang bậc 3.

Như vậy, chúng ta cần phải tìm ra một phương án bậc thang để giảm thiểu sự chênh lệch này cho khách hàng, thưa ông?
 
Tôi cho rằng, phương án không có bậc thang là không khả thi. Vì nếu phương án này được áp dụng, thì đồng nghĩa với việc thị trường đang quay lại chế độ cũ, tức thị trường có duy nhất một bậc giá điện.

Như vậy, tác động điều chỉnh nhu cầu sử dụng điện bằng chính sách giá cả là không còn nữa. Đối với điện sinh hoạt thì người giàu, người nghèo, người sử dụng ít và sử dụng nhiều vẫn trả mức giá như nhau.

Còn đối với phương án giữ nguyên thang điện như hiện nay là 6 bậc thang thì cũng không nên. Số lượng bậc thang nhiều sẽ khó tính toán và rối. 

Theo tôi hai bậc đầu tiên của 6 bậc hiện nay có thể rút xuống làm một bậc. Tức bậc một từ 0 - 50kWh và bậc hai từ 50 - 100kWh nên rút xuống là một bậc. Tức từ 0 - 100kWh là 1 bậc. Như vậy bậc thang 6 bậc điều chỉnh xuống 5 bậc là hợp lý.

Còn đối với phương án 3 bậc mà EVN đưa ra với nhu cầu sử dụng điện hiện nay là hơi thô. Nếu bậc điều khiển càng ít thì bước nhảy càng cao. Như vậy tác động điều khiển nhu cầu tiêu dùng bằng cơ chế bậc thang xấu hơn là giữ 5 bậc.

Như vây, quan điểm của ông là nên chọn phương án thang điện 5 bậc là hợp lý nhất, thưa ông?

Theo tôi, EVN nên điều chỉnh thang điện từ 6 bậc xuống 5 bậc là hợp lý nhất. Việc giảm thang xuống 1 bậc vừa giảm thiệt cho khách hàng và đồng thời doanh nghiệp cũng dễ tính toán hóa đơn điện.

Xin cảm ơn ông!

Huyền Thương