Phạm vi điều chỉnh
Nghị định quy định việc thực hiện độc quyền nhà nước trong hoạt động thương mại bao gồm: Khái niệm, nguyên tắc thực hiện, trách nhiệm của chủ thể, trách nhiệm kiểm tra giám sát của cơ quan nhà nước về độc quyền nhà nước trong hoạt động thương mại; Danh mục hàng hóa, dịch vụ thực hiện độc quyền nhà nước trong hoạt động thương mại.
Trong đó, khái niệm độc quyền nhà nước là “các hoạt động thương mại chỉ do cơ quan nhà nước có quyền thực hiện hoặc các tổ chức, cá nhân được Nhà nước giao thực hiện”.
Nguyên tắc thực hiện độc quyền nhà nước trong hoạt động thương mại
Để đảm bảo việc thực hiện độc quyền nhà nước được thống nhất, công khai, minh bạch, Nghị định quy định những nguyên tắc để thực hiện độc quyền nhà nước gồm:
- Chỉ thực hiện độc quyền nhà nước trong hoạt động thương mại đối với các hàng hóa, dịch vụ thiết yếu mà Nhà nước cần phải độc quyền liên quan đến quốc phòng, an ninh, đảm bảo lợi ích quốc gia hoặc các thành phần kinh tế khác không có nhu cầu và khả năng tham gia.
- Cơ quan nhà nước có quyền thực hiện độc quyền nhà nước trong hoạt động thương mại thông qua hình thức trực tiếp thực hiện hoặc chỉ định cho tổ chức, cá nhân thực hiện. Việc chỉ định phải do Thủ trưởng cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định bằng văn bản.
- Hoạt động thương mại độc quyền nhà nước phải được thực hiện dưới sự giám sát của cơ quan quản lý nhà nước theo quy định của pháp luật.
- Bộ, cơ quan ngang Bộ, chính quyền địa phương các cấp không được quy định hoạt động, hàng hóa, dịch vụ, địa bàn thực hiện hoạt động thương mại độc quyền nhà nước. Đối với hàng hóa, dịch vụ, địa bàn phục vụ mục đích quốc phòng, an ninh thực hiện độc quyền nhà nước trong hoạt động thương mại theo hướng dẫn của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng Bộ Công an.
Danh mục hàng hóa, dịch vụ, địa bàn độc quyền nhà nước
Danh mục ban hành kèm theo Nghị định quy định 20 hàng hóa, dịch vụ kèm theo một hoặc một số công đoạn của hoạt động thương mại tương ứng. Nghị định không quy định về ngành, nghề thực hiện độc quyền nhà nước.
Việc thực hiện độc quyền nhà nước trong hoạt động thương mại đối với các hàng hóa, dịch vụ này đã được quy định trong hệ thống pháp luật hiện hành như ở Luật Điện lực, Luật Bưu chính, Luật Xuất bản, Luật Hàng không dân dụng, Luật Đường sắt, Pháp lệnh quản lý vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ...và các Nghị định của Chính phủ như Nghị định số 24/2012/NĐ-CP về quản lý hoạt động kinh doanh vàng, Nghị định số 30/2007/NĐ-CP về kinh doanh xổ số, Nghị định 67/2013/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật phòng, chống tác hại của thuốc lá v.v...và nhất cam kết của Việt Nam khi gia nhập Tổ chức thương mại thế giới và các Hiệp định thương mại tự do khác có liên quan.
Địa bàn độc quyền nhà nước là toàn bộ lãnh thổ Việt Nam.
Cơ chế bổ sung, sửa đổi hàng hóa, dịch vụ thuộc Danh mục
Lần đầu tiên, Nghị định quy định rõ cơ chế của việc sửa đổi bổ sung Danh mục như sau:
- Theo yêu cầu quản lý nhà nước do các Bộ, cơ quan ngang Bộ hoặc Ủy ban nhân dân các tỉnh đề xuất;
- Theo đề nghị bằng văn bản nhu cầu tham gia của doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế.
Do hàng hóa, dịch vụ thuộc Danh mục đều liên quan đến quốc phòng, an ninh, đảm bảo lợi ích quốc gia nên đối với đề nghị của các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế, cơ quan có thẩm quyền có trách nhiệm xem xét, đánh giá khả năng của doanh nghiệp trong đáp ứng các điều kiện đầu tư kinh doanh và các điều kiện đảm bảo an ninh, quốc phòng, lợi ích quốc gia theo quy định của pháp luật có liên quan.
Bộ Công Thương chịu trách nhiệm tổng hợp trình Chính phủ xem xét, quyết định việc sửa đổi, bổ sung Danh mục. Hồ sơ, trình tự, thủ tục đề nghị, đề xuất sửa đổi, bổ sung và việc sửa đổi, bổ sung Danh mục được thực hiện theo quy định của pháp luật về xây dựng văn bản quy phạm pháp luật đối với trường hợp sửa đổi, bổ sung Nghị định của Chính phủ.
Trách nhiệm của các chủ thể thực hiện dộc quyền nhà nước
Các chủ thể thực hiện độc quyền nhà nước phải chịu cơ chế kiểm tra, giám sát chặt chẽ về các hành vi khi thực hiện độc quyền trong hoạt động kinh doanh thương mại và đầu tư, sử dụng vốn nhà nước theo quy định của pháp luật doanh nghiệp, pháp luật cạnh tranh, pháp luật quản lý và sử dụng vốn nhà nước. Các nội dung của quy định này được xây dựng trên cơ sở rà soát pháp luật hiện hành về cạnh tranh, doanh nghiệp, pháp luật chuyên ngành để đảm bảo nguyên tắc đối xử bình đẳng giữa các doanh nghiệp và môi trường cạnh tranh lành mạnh của nền kinh tế.
Trách nhiệm kiểm tra, giám sát việc thực hiện độc quyền nhà nước trong hoạt động thương mại
Nghị định quy định trách nhiệm kiểm tra, giám sát việc thực hiện độc quyền nhà nước trong hoạt động thương mại. Các trách nhiệm này bao gồm trách nhiệm của đại diện vốn chủ sở hữu đối với phần vốn Nhà nước do Bộ, cơ quan ngang Bộ được giao theo quy định của Luật quản lý, sử dụng vốn nhà nước vào sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, Luật Doanh nghiệp; giám sát, kiểm tra, thường xuyên việc thực hiện chiến lược, kế hoạch; đánh giá việc thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ được giao của các doanh nghiệp mà Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ thuộc Bộ, cơ quan ngang Bộ theo quy định của pháp luật; rà soát Danh mục và đánh giá tình hình thực hiện Nghị định này đến Bộ Công Thương theo chức năng, nhiệm vụ được quy định của Bộ, cơ quan ngang Bộ và doanh nghiệp do mình chỉ định hoặc chủ quản; đề xuất bổ sung hoặc bãi bỏ các hàng hóa, dịch vụ địa bàn thuộc Danh mục độc quyền nhà nước theo quy định tại Nghị định này.
Với quan điểm chủ đạo là không mở rộng và không tăng thêm các lĩnh vực độc quyền nhà nước trong hoạt động thương mại, Nghị định được ban hành đã hệ thống hóa lại các lĩnh vực độc quyền nhà nước trong hoạt động thương mại hiện đang được quy định rải rác trong hệ thống pháp luật, cam kết quốc tế, góp phần thực hiện chủ trương, quan điểm chỉ đạo về tăng cường tính minh bạch trong hoạt động độc quyền nhà nước nêu tại Nghị quyết trung ương 5 khóa XII về hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa (NQ số 11-NQ/TW).
Nghị định có hiệu lực vào ngày 1/10/2017.
Chi tiết Nghị định, xem tại đây.
Nguồn: Cổng Thông tin điện tử Bộ Công Thương