Bên lề Hội chợ triển lãm Tuần nhận diện hàng Việt Nam 2015 – Tự hào hàng Việt Nam do Trung tâm Thông tin Thương mại và Công nghiệp (VITIC) - Bộ Công Thương tổ chức từ ngày 27/9 - 4/10 tại Hà Nội và TPHCM, Vinanet ghi lại những chia sẻ của doanh nghiệp tham gia hội chợ:
Bà Nguyễn Thị Thanh Vân - Giám đốc Công ty TNHH Bảo tín Mạnh Hải:
Sản phẩm cần được chăm sóc và bảo hành tốt
Nhiều người tiêu dùng Việt Nam rất thích sử dụng hàng hóa trong nước vì sản phẩm gần gũi, phù hợp với đời sống. Đặc biệt, người tiêu dùng khi mua sắm hàng hóa được chăm sóc và bảo hành tốt. Tuy nhiên, hạn chế của hàng hóa nội địa là do bản thân doanh nghiệp chưa tập trung nhiều vào vấn đề quảng bá thương hiệu.
|
Thứ trưởng Bộ Công Thương Hồ Thị Kim Thoa đến thăm gian hàng của Công ty Bảo tín Mạnh Hải. Ảnh: Lê Hùng |
Một nguyên nhân nữa là do điều kiện kinh tế, tài chính của doanh nghiệp trong nước còn hạn chế dẫn đến việc doanh nghiệp chưa tập trung đầu tư máy móc công nghệ tiên tiến để có hàng hóa mẫu mã đẹp hơn. Do đó, hội chợ lần này là cơ hội lớn để cho các bạn hàng trong nước và quốc tế biết đến tên tuổi nhà sản xuất cũng như hàng hóa sản xuất tại Việt Nam.
Ông Vũ Tuấn Anh, Trưởng phòng Maketting Chi nhánh Tập đoàn Hoa Sen tại Hà Nội:
Đẩy mạnh tiếp thị để ngăn chặn hàng giả, hàng nhái
Hoa Sen và hầu hết các doanh nghiệp tham gia hội chợ lần này đều kỳ vọng gặp gỡ với người tiêu dùng nhằm quảng bá hình ảnh cũng như muốn hướng dẫn người mua tìm đến hàng hóa trong nước.
Mặc dù hàng Việt Nam có chất lượng tốt, không hề kém hàng hóa nhập khẩu. Nhưng hạn chế của hàng trong nước là doanh nghiệp chưa tìm hiểu thật kỹ từng phân khúc tiêu dùng và cũng chưa quảng bá hình ảnh tốt. Do đó, mỗi doanh nghiệp nên chọn hướng đi và cần đẩy mạnh hơn nữa công tác quảng bá hình ảnh để nâng sức cạnh tranh hàng hóa sản phẩm trong bối cảnh hội nhập.
Đối với riêng sản phẩm tôn, kẽm của Hoa Sen, hiện công ty đã và đang mở rộng mạng lưới phân phối khắp các tỉnh. Hoa Sen theo đó đó đẩy mạnh việc xây dựng đại lý và có đội ngũ tiếp thị đến từng người tiêu dùng. Vì lý do đó, tôn Trung Quốc chỉ có thể in giả mác Hoa Sen mới có thể bán được tại thị trường Việt.
Ông Nguyễn Văn Đức - Tổng Giám đốc Tổng công ty Hóa dầu Petrolimex (PLC):
Nâng cao chất lượng, mẫu mã hàng Việt tương xứng hàng ngoại
Người tiêu dùng Việt trước đây thường có tâm lý dùng hàng ngoại. Khi đó chất lượng hàng hóa trong nước cũng chưa đáp ứng được nhu cầu và công tác truyền thông cũng không được đẩy mạnh. Tuy nhiên, thời gian gần đây, doanh nghiệp trong nước cũng đã đầu tư để sản xuất những sản phẩm có chất lượng cao, đáp ứng được nhu cầu người tiêu dùng. Đặc biệt tiêu chuẩn hàng hóa trong nước đã tương ứng với hàng hóa nước ngoài và chất lượng không thua kém so với sản phẩm do đơn vị liên doanh sản xuất.
|
Ông Nguyễn Văn Đức, Tổng giám đốc PLC. Ảnh: Huyền Thương |
Mặt khác, doanh nghiệp sản xuất cũng đã quan tâm đến việc quảng bá sản phẩm đến tay người tiêu dùng. Nhờ đó, hiện nay người tiêu dùng đã chuyển đổi dần thị hiếu tiêu dùng từ sử dụng hàng ngoại nhập sang mua sắm và lựa chọn nhiều hàng Việt. Vì thực tế hàng Việt Nam chất lượng tương đương với hàng nhập khẩu nhưng giá thành lại rẻ hơn đáng kể.
Tuy nhiên, hàng hóa trong nước cần phải đa dạng hơn các chủng loại, để đáp ứng đủ các tầng lớp người tiêu dùng. Đồng thời, doanh nghiệp cũng cần chú trọng đầu tư sản xuất những sản phẩm có chất lượng công nghệ cao, mẫu mã đẹp như hàng nhập ngoại. Tôi nghĩ đây cũng chính là định hướng sản xuất trong tương lai. Vì những sản phẩm tương lai cần phải đáp ứng tiêu chuẩn chất lượng, môi trường không chỉ trong nước mà còn phải đáp ứng tiêu chuẩn kỹ thuật quy định trên thế giới.
Ngoài ra, doanh nghiệp cần tập trung đến kênh phân phối. Vì nếu có sản phẩm tốt, chất lượng cao, mà không quan tâm đến phát triển kênh phân phối thì sản phẩm không được người tiêu dùng biết đến. Đơn cử như Petrolimex, nhiều năm nay, doanh nghiệp đã đẩy mạnh công tác phân phối sản phẩm đến người tiêu dùng. Sản phẩm dầu nhờn do Petrolimex sản xuất đã đáp ưng trên 90% nhu cầu trong nước và chỉ phải nhập khẩu khoảng 5-7%. Ngoài ra, Petrolimex cũng đã đẩy hàng hóa ra nước ngoài, xuất khẩu khoảng 15-18% tỷ trọng sản xuất.
Chương trình vinh dự đón nhận sự bảo trợ chính thức của Ban Chỉ đạo TW Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, sự đồng hành của Nhà tài trợ Kim Cương - Tổng Công ty Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco), Đồng tài trợ: Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và Tổng Công ty Bia - Rượu - Nước giải khát Hà Nội (Habeco), Ngân hàng Công Thương Việt Nam (VietinBank).
Huyền Thương - Kiều Linh thực hiện