Tiếp tục hoàn thiện thể chế
Phóng viên: Thưa Bộ trưởng, xin Bộ trưởng cho biết, để đạt được kế hoạch 2016 đã đề ra, ngành Công Thương đã đặt ra những mục tiêu như thế nào?
Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng: Năm 2016, các mục tiêu, chỉ tiêu mà Quốc hội, Chính phủ giao cho ngành Công Thương cao hơn nhiều so với năm 2015. Đứng trước tình hình đó, ngành Công Thương đã bàn bạc, tính toán và đề ra nhiều mục tiêu cụ thể:
Trước hết, đó là làm thế nào tiếp tục thực hiện hoàn thiện thể chế, kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Trong đó tập trung vào hoàn thiện các khung khổ pháp lý, nâng cao chất lượng công tác, xây dựng chiến lược xây dựng quy hoạch, hướng dẫn tổ chức thực hiện.
Thứ hai, tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, tìm kiếm mở rộng thị trường, nhất là các thị trường xuất khẩu.
Thứ ba, coi trọng và phát triển hơn nữa thị trường trong nước với sức tiêu dùng của hơn 90 triệu người dân. Đây là yêu cầu chính trị hết sức quan trọng, bảo đảm cung cầu không để xảy ra sốt giá do thiếu hàng, quan tâm đến cả thị trường các thành phố lớn, thị trường nông thôn, thị trường miền núi, thị trường biên giới, hải đảo. Đi đôi với đó là tăng cường quản lý thị trường, phòng chống buôn lậu, hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng để duy trì bảo hộ sản xuất trong nước một cách hợp lý, bảo vệ quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng, sức khỏe của nhân dân.
Thứ tư, tiếp tục chương trình tái cơ cấu ngành Công Thương theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Kể cả các Tập đoàn, các Tổng công ty, các Sở Công Thương cũng phải tham mưu cho các tỉnh, thành phố, xây dựng chương trình tái cơ cấu công nghiệp và thương mại của từng địa phương.
Thứ năm, đó là đẩy mạnh hoạt động hội nhập quốc tế về kinh tế sau khi đã ký kết rất nhiều Hiệp định thương mại tự do. Giai đoạn tới là giai đoạn thực thi, vì vậy phải đề ra các phương án để triển khai tốt các Hiệp định ký kết, tận dụng các ưu đãi do các Hiệp định mang lại, khắc phục và có những biện pháp ứng phó phù hợp đối với những thách thức cũng như khó khăn trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế.
Và cuối cùng, đó là tăng cường cải cách hành chính, trong đó tập trung vào cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho tổ chức, công dân trong hoạt động liên quan đến công nghiệp, xuất nhập khẩu, vấn đề thị trường, vấn đề hội nhập. Đây cũng được coi là mục tiêu chính đặt ra trong năm 2016.
Tận dụng tối đa các Hiệp định Thương mại tự do mang lại
Phóng viên: Để bắt kịp với hội nhập của các Hiệp định thương mại tự do thì ngành Công Thương có những hành động cụ thể nào?
Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng: Nhằm bắt kịp các hội nhập đặt ra trong bối cảnh chúng ta đã ký kết nhiều Hiệp định thương mại tự do, công tác đầu tiên tôi cho rằng là phải chú trọng thông tin tuyên truyền. Phải tổ chức thông tin tuyên truyền đến tận cộng đồng doanh nghiệp, những người là đối tượng cũng là những người thực hiện những cam kết đó; đến toàn thể xã hội làm cho mọi người hiểu rõ hơn, hiểu một cách đầy đủ nội dung của các Hiệp định và qua việc hiểu rõ như vậy thì sẽ khai thác tận dụng được những ưu đãi do các Hiệp định mang lại cho Việt Nam. Đồng thời cũng chủ động ứng phó với những khó khăn thách thức mà trong quá trình thực thi sẽ xuất hiện.
Công tác thứ hai là tiếp tục hoàn thiện những khung khổ về pháp luật, bởi những Hiệp định thương mại tự do đặt ra cho chúng ta bên cạnh hệ thống pháp luật hiện có nhất là hệ thống pháp luật về kinh tế thì cần phải tiếp tục ban hành một số luật mới hoặc sửa đổi bổ sung luật hiện nay đã có nhưng chưa phù hợp, tạo khung khổ thuận lợi về pháp lý cho hội nhập.
Thứ ba là công tác thực thi, trước hết ngành Công Thương phải là ngành đi đầu trong triển khai thực hiện các nội dung, mục tiêu của các Hiệp định thương mại tự do, phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành, các địa phương trong quá trình thực hiện các cam kết và cuối cùng là tìm mọi biện pháp để động viên, khuyến khích, tạo thuận lợi cho cộng đồng doanh nghiệp tham gia một cách có hiệu quả vào các Hiệp định thương mại tự do.
Tăng cường cải cách thủ tục hành chính
Phóng viên: Trong năm 2015 có một số lĩnh vực gạo, thủy sản không đạt được mục tiêu xuất khẩu. Vậy Bộ Công Thương có giải pháp gì để đẩy mạnh xuất khẩu trong năm 2016 cho các mặt hàng này?
Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng: Năm 2015 là một năm hết sức khó khăn đối với xuất khẩu của Việt Nam. Nhiều hàng hóa, sản phẩm có lợi thế giá bị giảm nhiều, đặc biệt như dầu thô, giảm đến 70 % so với năm 2014. Một số hàng hóa nông sản, thủy sản giảm sâu. Đây là yếu tố khách quan. Nếu như những mặt hàng này, nhất là dầu thô không giảm giá sâu như vậy thì chắc chắn mục tiêu tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu 2015 của Việt Nam hoàn toàn có thể thực hiện được, thậm chí là cao hơn.
Tôi lấy ví dụ, trừ kim ngạch xuất khẩu dầu thô còn lại thì tăng trưởng xuất khẩu của chúng ta cũng đạt trên 10% năm 2015 so với năm 2014. Tuy nhiên, để năm 2016 đạt được mục tiêu mà Quốc hội đã giao cho ngành Công Thương là tăng trưởng xuất khẩu ít nhất 10% thì tôi nghĩ rằng, đầu tiên phải thực thi tốt các Hiệp định thương mại tự do đã ký kết và tận dụng được những ưu đãi mà Hiệp định này mang lại cho xuất khẩu của Việt Nam.
Thứ hai, tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo thuận lợi hơn cho doanh nghiệp trong xuất khẩu. Các thủ tục về hải quan, các thủ tục về cấp phép phải được thông thoáng hơn, phải được dễ dàng hơn. Qua đó, doanh nghiệp xuất khẩu sẽ tiết kiệm được thời gian, chi phí, từ đó làm cho hàng hóa Việt Nam có tính cạnh tranh hơn.
Giải pháp thứ ba, đó là chúng ta phải tìm kiếm thêm những thị trường mới bên cạnh thị trường truyền thống. Lâu nay chúng ta vẫn tập trung vào Châu Âu, Hoa Kỳ, các nước Đông Bắc Á… nhưng thị trường Châu Phi hay thị trường Liên bang Nga, thị trường các nước thuộc khối SNG là những thị trường chúng ta cần phải coi trọng.
Thứ tư là, nếu như chúng ta thực hiện tốt công tác phối hợp giữa các Bộ, ngành có liên quan đến kinh tế, trong đó có hoạt động xuất nhập khẩu thì chắc chắn hiệu quả của công tác xuất nhập khẩu sẽ tốt hơn. Ngân hàng tạo điều kiện thuận lợi hơn cho doanh nghiệp xuất khẩu tiếp cận với các nguồn tín dụng thuận lợi, tỷ giá sao cho linh hoạt phù hợp, khuyến khích được việc xuất khẩu. Các thủ tục liên quan đến hải quan, thuế, liên quan đến cấp phép cần được thông thoáng hơn theo tinh thần chỉ đạo của Chính phủ.
Và cuối cùng là thực thi một cách nghiêm túc những cam kết của chúng ta khi Cộng đồng ASEAN được đi vào hoạt động vào ngày 31/12/2015. Thực thi nghiêm túc thỏa thuận của Việt Nam đã đạt được thì chắc chắn năm 2016 xuất khẩu sẽ thuận lợi hơn năm 2015.
Phóng viên: Thưa Bộ trưởng, vừa rồi trong chỉ đạo của Thủ tướng với ngành Công Thương thì một trong nhiệm vụ quan trọng là cải cách thủ tục hành chính và cải cách thể chế để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp và người dân được kinh doanh, sản xuất và thúc đẩy đầu tư. Vậy Bộ Công Thương sẽ có kế hoạch như thế nào để thực hiện chỉ đạo này?
Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng: Thứ nhất, Bộ Công Thương sẽ ban hành kế hoạch cải cách thủ tục hành chính năm 2016 với các mục tiêu làm thế nào năm 2016 triển khai tốt hơn, triệt để hơn các yêu cầu về cải cách thủ tục hành chính.
Thứ hai, trong cải cách thủ tục hành chính thì chú ý những thủ tục lâu nay đang tồn tại đã bộc lộ những hạn chế, những khiếm khuyết thì kiên quyết phải chấm dứt. Bên cạnh đó, khi ban hành các thủ tục mới liên quan đến các văn bản quy phạm pháp luật thì Bộ yêu cầu hạn chế tối đa việc phát sinh các thủ tục mới. Còn những thủ tục đó là cần thiết thì phải cố gắng làm sao thật đơn giản, thật thuận lợi cho tổ chức và công dân.
Một điểm nữa trong Chương trình cải cách thủ tục hành chính và kế hoạch cải cách thủ tục hành chính năm 2016 đó là tăng cường các dịch vụ công trực tuyến, nhất là dịch vụ công trực tuyến cấp độ 3, cấp độ 4. Tất cả thủ tục cần được giải quyết qua internet, như vậy vừa nhanh, vừa thuận lợi, vừa khắc phục tình trạng tiêu cực nẩy sinh trong quá trình cấp phép, giải quyết các thủ tục cho tổ chức và công dân.
Xin cảm ơn Bộ trưởng.
MOIT