Theo kế hoạch của Bộ Tài chính, mức thuế tài nguyên than dự kiến điều chỉnh tăng thêm khoảng 3% từ ngày 1/1/2016. Cụ thể, than an - tra - xit hầm lò dự kiến điều chỉnh tăng thuế suất từ 7% lên 10%; than an - tra - xit lộ thiên và than nâu than mỡ được điều chỉnh thuế suất từ 9% lên 12%. Bộ Tài chính dự tính số thuế thu từ than sẽ đạt 5.176,4 tỷ đồng/năm, tăng 1.423,9 tỷ đồng so với mức thuế thu hiện nay.
Là một trong những doanh nghiệp có cơ cấu thị phần lớn trên thị trường khai thác khoáng sản, Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin) đã có những chia sẻ với Vinanet về vấn đề trên.
Bộ Tài chính dự kiến sẽ tăng thuế tài nguyên khoáng sản. Quan điểm của Vinacomin về vấn đề này ra sao, thưa ông?
Ông Nguyễn Văn Biên, Phó Tổng Giám đốc Vinacomin: Biểu mức thuế suất tài nguyên khoáng sản và than trong dự thảo Bộ Tài chính đưa ra đang rất cao.
Thuế tài nguyên than từ năm 2010 đến nay đã được điều chỉnh tăng hai và mỗi lần mức điều chỉnh khá mạnh tay, tăng từ 40% lên hơn 200%. Ngoài ra từ năm 2014, ngành than còn nộp thêm tiền cấp quyền khai thác với mức 2%.
Thật ra, khoản thuế này nên cần cắt giảm vì về bản chất phí cấp quyền khai thác cũng là hình thức khác của thuế tài nguyên.
Đối với khoáng sản than, thuế phí tài nguyên và cấp quyền khai thác hiện cao hơn nhiều so với các nước trên thế giới và đặc biệt chênh lệch rất lớn so với mức thuế phí khai khoáng của Trung Quốc.
Điều này ảnh hưởng đến tính cạnh tranh sản phẩm trong nước. Trong khi giá than trên thị trường đã bị sụt giảm từ 30-50% so với năm 2010 và giá khoáng sản giảm 30 - 80%.
Như vậy, việc tăng thuế suất thuế tài nguyên sẽ khiến cho Vinacomin gặp khó khăn hơn về tài chính?
Nhìn lại thị trường than thời gian qua, sản lượng than xuất khẩu đã giảm xuống mức cảnh báo. Những năm trước giá than xuất khẩu cao cũng như sản lượng xuất khẩu lớn đã tạo cho ngành than một khoản doanh thu lớn.
Doanh thu này đủ để bù 4.000 - 5.000 tỷ đồng chi phí sản xuất trong nước mà còn đáp ứng khả năng nộp ngân sách Nhà nước. Tuy nhiên, hiện nay, lượng than xuất khẩu đã sụt giảm mạnh, chỉ trên 1 triệu tấn/năm. Như vậy, ngành than thiếu hụt một khoản lợi nhuận đáng kể từ xuất khẩu than.
|
Ông Nguyễn Văn Biên, Phó Tổng giám đốc Vinacomin. |
Từ những khó khăn trên có thể nhìn thấy, khả năng cân đối tài chính của ngành than vừa qua mỗi năm càng khó và dự kiến có thể khó khăn hơn nữa nếu thuế khai thác điều chỉnh tăng.
Khi tăng thuế, lợi nhuận sụt giảm sẽ ảnh hưởng đến nguồn vốn đầu tư phát triển của doanh nghiệp cũng như giảm sức thu hút lao động để đảm bảo nhân lực gắn bó với tập đoàn.
Vinacomin đã sụt giảm tới 2,5% lợi nhuận từ năm 2010 đến năm 2014. Trong khi thuế phải nộp ngân sách Nhà nước cũng tăng chừng hơn 2 lần. Lương người lao động chỉ tăng 13% sau 4 năm mặc dù năng suất lao động liên tục tăng lên.
Trong bốn năm qua, sản lượng ngành than không tăng mà thuế liên tục điều chỉnh tăng sẽ khiến khó khăn nội tại của doanh nghiệp khó có thể lường trước. Nhiều khả năng, doanh nghiệp không có vốn để vay đối ứng để đầu tư phát triển. Đồng thời, ngành than cũng khó cải thiện đời sống người lao động để tăng sản lượng than theo kế hoạch mục tiêu đề ra.
Nếu như so với các nước trên thế giới, thuế khai thác than của Việt Nam đang cao. Vậy theo ông, cách tính thuế như thế nào là hợp lý?
Theo Vinacomin, biểu thuế mới cần xác định thuế suất than khoáng sản cần tuân thủ theo luật thuế tài nguyên. Theo luật thuế tài nguyên, quy định tính thuế suất dựa trên giá trị tài nguyên trong lòng đất để nộp vào ngân sách Nhà nước. Nhưng hiện tại, thuế tài nguyên đang chưa được tính đúng. Sau khi tài nguyên qua chế biến, sàng tuyển, vận chuyển hàng chục km đường sắt thì đây là giá trị sản xuất công nghiệp và dịch vụ chứ không phải giá trị để tính thuế.
Tại Úc phí khai thác than lộ thiên là 7% và 6% với khai thác than hầm lò. Thậm chí Úc còn giảm thuế còn 5% nếu việc khai thác phức tạp.
Trong tình hình kinh tế hiện hay, nhiều nước đã giảm một số loại thuế cho doanh nghiệp. Do đó, nếu Việt Nam không giảm được thuế thì ít nhất nên giữ nguyên.
Xin cảm ơn ông!
Huyền Thương