Bộ Tài chính cho biết, ngày 13/5/2015 đã có công văn số 6181/B TC-CST và công văn số 6205/BTC-CST gửi các Bộ, ngành, địa phương xin ý kiến về Dự án Nghị quyết thay thế Nghị quyết số 712/2013/UBTVQH13 ngày 16/12/2013 của Ủy ban Thường vụ quốc hội (UBTVQH) về việc ban hành biểu mức thuế suất thuế tài nguyên. Theo Dự án nghị quyết đang đưa ra lấy ý kiến, hầu hết thuế suất các khoáng sản đều được điều chỉnh tăng từ 2 - 5%.
Đó là khẳng định của đại diện Bộ Tài chính trước những phản ứng mạnh mẽ của doanh nghiệp tại Hội thảo lấy ý kiến góp ý dự thảo sửa đổi Nghị quyết về thuế suất tài nguyên. Hội thảo do Phòng thương mại công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức sáng ngày 8/9.
Tại hội thảo, ông Vũ Tiến Lộc – Chủ tịch VCCI cho biết, ngành khai khoáng đang là ngành quan trọng đối với nền kinh tế Việt Nam.
Trước khi phát triển một nền kinh tế có giá trị gia tăng cao thì ngành kinh tế Việt Nam đang bắt đầu bằng việc dựa vào việc sử dụng nguồn tài nguyên và sức lao động. Việc tận dụng lợi thế đó để Việt Nam tiến tới một bước cao hơn cho nền kinh tế sử dụng công nghệ.
"Những chính sách liên quan của ngành khai khoáng, đặc biệt là chính sách thuế phải đảm bảo hài hòa với cộng động các doanh nghiệp và nhà đầu tư. Nếu các nhà đầu tư không có lợi ích trong này, họ sẽ không đầu tư và theo đó ngành sẽ bị kìm hãm sự phát triển. Từ đó, ngành khai khoáng cần có chính sách thuế cần hướng tới lợi ích dài hạn”, ông Lộc nói.
Doanh nghiệp kêu khó nếu tăng thuế
Hầu hết các doanh nghiệp ngành khai khoáng cho rằng Việt Nam là nước có khung thuế suất cao nhất thế giới. Trong khi Trung Quốc là nước khai khoáng khoáng sản hàng đầu thế giới nhưng mức thuế suất khoáng sản chỉ 5 – 10%. Đối với Úc thuế tài nguyên đối với khoáng sản kim loại dao động từ 1,6 – 7,5%.
Đối với hoạt động kinh doanh, Ông Vũ Hồng - Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH Khai thác chế biến khoáng sản Núi Pháo thuộc tập đoàn Masan đánh giá việc tăng thuế suất tài nguyên sẽ làm tăng chi phí khai thác, khiến doanh nghiệp chỉ tập trung khai thác phần quặng giàu, bỏ quặng nghèo. Việc này dẫn đến sự lãng phí tài nguyên.
Cũng theo ông Hồng, với sức ép về cắt giảm chi phí do hậu quả của việc tăng thuế gây ra, sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến người lao động, không khuyến khích chuyên gia giỏi. Ngoài ra, tăng đóng thuế sẽ khiến cho ngân quỹ cho cộng đồng địa phương như y tế, đào tạo,… cũng sẽ bị cắt giảm.
Trong khi đó, ông Evan Spenser – Tổng Giám đốc Công ty TNHH Mỏ Nikel Bản Phúc lo ngại việc tăng thuế sẽ ảnh hưởng đến doanh thu của công ty và khiến khoản lỗ sẽ tăng lên.
“Vừa qua, Bản Phúc đã lỗ 35 triệu USD do tỷ giá cũng như việc thay đổi của chính sách thuế. Do đó, nếu tiếp tục tăng thuế phí, doanh thu của công ty sẽ bị ảnh hưởng nặng nề. Đặc biệt, theo tôi, với tình hình khai khoáng như hiện nay, tăng thuế là hình phạt cho những công ty hoạt động đúng đắn nhưng lại bảo về những công ty kinh doanh không đúng đắn.
Hơn nữa, vì chính sách tài khóa không ổn định khiến cho việc tìm kiếm nhà đầu tư trở lên chật vật. Các nhà đầu tư nước ngoài của Bản Phúc nhận định rằng Việt Nam là môi trường đầu tư nhiều kỳ vọng nhưng chính sách tài khóa lại làm họ sợ và e ngại. Vì khai khoáng là ngành đòi hỏi vốn lớn và cần thời gian dài. Nhưng trong thời gian đó, nhà đầu tư nước ngoài không đo định được việc thay đổi các chính sách tài khoán của Việt Nam để có chiến lược cụ thể".
Sẽ điều chỉnh thuế dựa trên hài hòa các lợi ích
Một số ý kiến khác đưa ra tại hội thảo như PGS.TS Nguyễn Cảnh Nam - Đại diện Hội Khoa học và Công nghệ ở Việt Nam kiến nghị giữ nguyên thuế khoáng sản và giảm thuế khai thác than từ 5 – 7%. Ông Nam đưa ra bài học từ giá dầu thô giảm, rằng thời gian qua, giá dầu thô giảm nhưng không vì thế mà giảm thu ngân sách Nhà nước .
Đại diện đại sứ đến từ Úc và New Zealand nhấn mạnh Việt Nam cần thận trọng trong việc tăng thuế suất. Do đó, Việt Nam nên hoãn lại việc tăng thuế suất thuế tài nguyên khoáng sản và cần có phân tích kỹ lưỡng hơn. Đồng thời, Việt Nam cần phải rà soát lại chính sách công sau đó mới đưa ra quyết định có tăng hay không.
Về phía cơ quan chức năng, ông Phạm Đình Thi – Vụ trưởng vụ chính sách thuế, Bộ Tài chính cho biết, trên cơ sở ý kiến các doanh nghiệp, Bộ Tài chính sẽ có phân tích và đánh giá sao cho đảm bảo hài hòa lợi ích Nhà nước, doanh nghiệp và người dân.
Giải thích rõ hơn về mục tiêu và những lợi ích của việc tăng thuế suất, ông Phạm Đình Thi cho rằng "
việc tăng thuế sẽ hướng khai thác đi đôi với việc bảo vệ tài nguyên quốc gia, nhất là đối với tài nguyên không tái tạo. Đồng thời, việc sửa đổi biểu thuế nhằm thực hiện phương pháp quản lý thu cho phù hợp với thực tiễn hoạt động khai thác tài nguyên theo từng giai đoạn"
Đặc biệt, ông Thi nhấn mạnh rằng, việc tăng thuế suất góp phần hạn chế tối đa việc xuất khẩu tài nguyên chưa chế biến, góp phần đảm bảo nguồn thu Nhà nước trong bối cảnh hội nhập quốc tế.
Huyền Thương