Theo Ông Lê Thanh Tâm- Giám đốc điều hành Tập đoàn IDG Đông Nam Á ở Việt Nam 60% DN khởi nghiệp phải tự thân vận động. Kết quả cho thấy 70% DN thất bại trong năm đầu, 90% thất bại trong năm thứ 2. Không riêng DN khởi nghiệp thiếu vốn mà bản thân các DN vừa và nhỏ cũng khó tiếp cận nguồn vốn ngân hàng, mặc dù Ngân hàng Nhà nước có nhiều chương trình hỗ trợ DN song trong giai đoạn 2011 – 2015 tỷ lệ dư nợ cho vay đối với DN vừa và nhỏ chỉ khoảng 25% tổng dư nợ cho vay toàn bộ nền kinh tế.
Ngay tại TP Hồ Chí Minh sau nhiều năm đầu tư cho DN khởi nghiệp song số vốn hiện đang dành cho khối này cũng chỉ dừng lại ở mức 30 tỷ đồng.
Khi so sánh vốn khởi nghiệp của Việt Nam với các nước, ông Tâm cho biết thêm ở Silicon Valley (Mỹ) có đến 50% vốn được huy động từ các quỹ, đây được xem là mô hình hiệu quả nhất hiện nay. Còn Singapore, chương trình khởi nghiệp cũng được các quỹ và chính phủ hỗ trợ hơn 50%, phần còn lại thuộc các nguồn khác.
Bàn về giải pháp thị trường vốn cho DN khởi nghiệp, bà Thạch Lê Anh – Giám đốc Đề án Vietnam Silicon Valley (Bộ Khoa học và Công nghệ) cho rằng muốn làm giàu nhưng không có nguồn lực thì cần liên kết giữa cộng đồng khởi nghiệp, quỹ đầu tư khởi nghiệp. Việt Nam có thể kêu gọi ngân hàng thương mại tham gia. Mỗi ngân hàng có thể tham gia vài chục tỷ và điều quan trọng là chọn nhà đầu tư.
Trước thực tế đó, một số ít ngân hàng đã tiên phong tạo điều kiện giúp đỡ những ý tưởng khởi nghiệp đi đến thành công, có thể kể tới các chương trình hỗ trợ DN vay vốn của TPBank, hay HSBC… Cụ thể với gói vay của TPBank, các thủ tục và điều kiện tín dụng sẽ được điều chỉnh theo hướng thông thoáng và dễ dàng hơn cho phù hợp với đặc thù của các khách hàng mới khởi nghiệp, thời hạn vay tối đa kéo dài tới 120 tháng với lãi suất cạnh tranh ưu đãi (so với phần lớn ngân hàng hiện giờ chỉ cho vay với thời hạn tối đa đến 4 năm).
Ngoài ra, về chính sách hỗ trợ dành riêng cho DN vừa và nhỏ, khởi nghiệp được quy định tại Dự thảo chính thức Luật Hỗ trợ DN vừa và nhỏ được Bộ Kế hoạch và Đầu tư công bố mới đây nhằm lấy ý kiến đóng góp hoàn thiện cũng dành nhiều ưu đãi cho các DN. Cụ thể DN nhỏ và vừa, DN khởi nghiệp thuộc ngành, lĩnh vực ưu tiên được áp dụng mức thuế suất thấp hơn 5% so với mức thuế suất phổ thông quy định trong thời hạn tối đa 5 năm kể từ khi DN bắt đầu có hoạt động sản xuất kinh doanh; DN khởi nghiệp còn được đào tạo miễn phí về khởi sự kinh doanh trong vòng 1 năm; DN khởi nghiệp sẽ được giảm 50% thuế thu nhập cá nhân từ tiền lương, tiền công của cá nhân là nhân lực công nghệ cao làm việc trong các DN khởi nghiệp sáng tạo; được hỗ trợ 100% chi phí hợp đồng tìm kiếm thông tin, quảng bá sản phẩm, phát triển thương hiệu.
Nguồn: Báo công thương