Theo đó, Starbucks đạt doanh số cao hơn ở Mỹ trong quý kết thúc vào ngày 2/1, nhưng doanh số bán trên các thị trường quốc tế thấp hơn với sự sụt giảm lớn ở Trung Quốc do chính sách “zero COVID" (COVID bằng 0) của quốc gia nước này.
Cụ thể, lợi nhuận trong quý kết thúc vào đầu tháng 1/2022 của Starbucks đã tăng 31,1% lên 815,9 triệu USD.
Tổng doanh thu ròng của công ty cũng tăng 19% lên 8,1 tỷ USD, cao hơn ước tính của các nhà phân tích là 7,95 tỷ USD.
Tuy nhiên, doanh số bán trên toàn cầu dù tăng 13% nhưng vẫn thấp hơn ước tính của giới phân tích là 13,2%.
Trong đó, doanh số bán tại cùng một cửa hàng ở bộ phận quốc tế giảm 3%, trái ngược kỳ vọng tăng 0,5% của giới phân tích và phản ánh mức giảm 14% ở Trung Quốc.
Tương tự, Starbucks báo cáo lợi nhuận là 72 xu Mỹ trên mỗi cổ phiếu, thấp hơn ước tính của Phố Wall là 80 xu/cổ phiếu.
Công ty đã điều chỉnh dự báo tăng trưởng thu nhập trên mỗi cổ phiếu cho năm 2022 vào khoảng 8-10%, thay vì tối thiểu 10% theo trước đó.
Giám đốc điều hành (CEO) Kevin Johnson chia sẻ rằng tại thị trường nội địa, Starbucks ghi nhận nhu cầu "rất mạnh" trong những ngày nghỉ lễ.
Doanh số bán ở Mỹ trong quý kết thúc vào ngày 2/1 đã tăng 18%, được hưởng lợi từ các sản phẩm đồ uống lạnh mới, giá cao hơn và tăng phần thưởng cho các thành viên.
Nhưng ông Johnson cho biết biến thể Omicron cũng đã ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh tại Mỹ, dẫn đến tình trạng thiếu nhân sự trong mạng lưới phân phối và vận chuyển của Starbuck cùng mức lương cao hơn cho những nhân viên bị ốm.
Do chi phí cao hơn, Starbucks có kế hoạch tăng giá bổ sung dàn đều trong cả năm, sau khi đã tăng giá vào tháng 10/2021 và tháng 1/2022. Chuỗi cũng có kế hoạch cắt giảm chi tiêu cho tiếp thị và khuyến mãi cho năm nay.
Starbucks không nêu rõ sản phẩm nào sẽ tăng giá. Một ly cà phê cappuccino cỡ lớn (20 ounces) hiện có giá 5,25 USD. Phía công ty cho hay họ đã sử dụng các thuật toán phân tích kế hoạch tăng giá, và không thấy bất kỳ tác động đáng kể nào đối với nhu cầu sau hai đợt tăng trước đó./