Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, cơ hội vẫn đang nằm trên các văn bản hiệp định nhưng rủi ro, thách thức đã hiện hữu, đòi hỏi nhà nước và doanh nghiệp phải chủ động, nỗ lực để hội nhập thành công.

Chính phủ quyết tâm hành động

Theo Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ, việc đàm phán các hiệp định thương mại tự do (FTA) không chỉ nhằm mục tiêu mở cửa thị trường mà còn là bước đi khẳng định Việt Nam cam kết hội nhập với nền kinh tế khu vực và thế giới; tạo lập môi trường cạnh tranh bình đẳng và tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp (DN) phát triển. Trên cơ sở đó, Việt Nam thúc đẩy đàm phán và ký kết các FTA trong thời gian vừa qua, bao gồm cả những FTA thế hệ mới như Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và Hiệp định FTA với Liên minh châu Âu (EVFTA).

Tuy nhiên, Phó Thủ tướng cũng chỉ ra rằng: “Các FTA mở ra một con đường, thậm chí là đại lộ thênh thang cho Việt Nam, nhưng vấn đề là "cỗ xe" kinh tế Việt Nam chuẩn bị như thế nào để đi trên con đường này bảo đảm an toàn và tới đích”.

Chính phủ đã chủ động và quyết tâm hành động để tạo ra sức bật mới cho nền kinh tế mà một trong những việc đó là cải thiện hơn nữa môi trường đầu tư, kinh doanh cho các nhà đầu tư và DN trong, ngoài nước. Cụ thể, tại phiên họp đầu tiên sau kiện toàn vào tháng 5/2016, Chính phủ đã thảo luận và quyết định việc sớm trình Hiệp định TPP để Quốc hội phê chuẩn. Chính phủ rà soát tất cả hệ thống pháp luật, thông qua những sửa đổi bổ sung, ban hành mới bộ luật, thể chế chính sách để đáp ứng nhu cầu hội nhập và thành công; triển khai quyết liệt với những cam kết về đổi mới, hoàn thiện chính sách, tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi… với mục tiêu đến năm 2020 có ít nhất 1 triệu DN hoạt động có hiệu quả.

Doanh nghiệp đã sẵn sàng nhưng chưa đủ

Theo khảo sát của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), khoảng 88% DN Việt Nam cho rằng các FTA thế hệ mới (cụ thể là TPP và EVFTA) có tác động tích cực đến hoạt động kinh doanh của họ. Trong đó, gần 90% DN cho biết có kế hoạch cải thiện hoạt động sản xuất để tham gia vào các hiệp định này trong vòng 3 năm tới. Các khía cạnh được tập trung cải thiện nhiều nhất là chất lượng sản phẩm, tận dụng công nghệ, tiếp cận các thị trường mới.

Bà Nguyễn Thị Thu Trang - Giám đốc Trung tâm WTO của VCCI - cho rằng, mặc dù vậy, DN vẫn chưa dũng cảm thay đổi để thích ứng. Thực tế cho thấy, năng lực cạnh tranh thấp vẫn là vấn đề bất cập đối với DN khi tham gia FTA, một phần vì cam kết trong các FTA rất phức tạp. Ngoài ra, vẫn còn một số yếu tố cản trở DN cải thiện năng lực sản xuất như chính sách thuế, thủ tục hải quan, tay nghề lao động, chính sách lương... Vì thế, bên cạnh sự tự nỗ lực của DN vẫn không thể thiếu sự nâng đỡ, hỗ trợ của tổ chức, hiệp hội, cơ quan nhà nước đóng vai trò là cầu nối, giúp DN nâng cao năng lực để phát triển.

Nguồn: Báo công thương điện tử

 

Nguồn: Báo Công thương điện tử