Phát biểu ý kiến với các nhà đầu tư, Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương Nguyễn Dương Thái khẳng định: Sản xuất nông nghiệp, làng nghề và tìm “đầu ra” cho các sản phẩm liên quan luôn được Tỉnh ủy, UBND tỉnh, các cấp, các ngành quan tâm đầu tư và tìm hướng phát triển. Đó cũng là tiềm năng và cơ hội đầu tư lớn đối với các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh. Hải Dương luôn nhiệt tình chào đón các doanh nghiệp, các nhà đầu tư quan tâm tìm hiểu và đầu tư vào nông nghiệp Hải Dương thời gian qua và những năm tiếp theo.
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hải Dương Nguyễn Văn Phú cho biết: Với chủ trương phát triển sản xuất hàng hóa tập trung cho hiệu quả kinh tế cao, Hải Dương đã xây dựng các vùng sản xuất lúa thuần chất lượng cao và nhiều giống lúa lai, lúa đặc sản với tổng diện tích 123 nghìn ha, sản lượng 750 nghìn tấn/năm. Rau, củ, quả các loại là nhóm cây trồng chủ lực, là thế mạnh với tổng diện tích 30 nghìn ha, sản lượng 700 nghìn tấn. Trong đó, hành tỏi 6.500 ha, sản lượng hơn 80 nghìn tấn; cà rốt 1.500 ha, sản lượng 50 nghìn tấn; bắp cải, su hào, súp lơ 4.600 ha, sản lượng 130 nghìn tấn; dưa hấu, dưa lê 2.700 ha, sản lượng 70 nghìn tấn; bí đỏ, bí xanh 1.700 ha, sản lượng 42 nghìn tấn; củ đậu 800 ha, sản lượng 40 nghìn tấn.
Diện tích cây ăn quả có 21 nghìn ha với ba loại cây trồng chủ lực là vải, ổi, na, trong đó cây vải chiếm 50 % diện tích tập trung ở huyện Thanh Hà và thị xã Chí Linh. Vải quả có diện tích 10 nghìn 700 ha sản lượng đạt 50 nghìn tấn. Từ trước tới nay, vải quả được tiêu thụ chủ yếu trong nước và xuất khẩu đi Trung Quốc, riêng năm 2015 đã xuất được khoảng 5% vải quả đi thị trường các nước Mỹ, Úc, Đức, Nhật Bản, Hàn Quốc dưới dạng quả tươi và cấp đông.
Trong chăn nuôi, sản lượng thịt hơi các loại trong tỉnh đạt 128 nghìn tấn và 330 triệu trứng gia cầm/năm. Diện tích nuôi trồng thủy sản 10 nghìn 400 ha, sản lượng 66 nghìn 500 tấn/năm. Tổng số cơ sở làm nghề tiểu thủ công nghiệp trong các làng nghề có hơn 16 nghìn 500 cơ sở, giải quyết việc làm thường xuyên cho 31 nghìn 500 lao động; giá trị sản xuất của sản phẩm làng nghề hàng năm đạt hơn 2.300 tỷ đồng, góp phần quan trọng vào sự tăng trưởng kinh tế.
Những năm qua, tỉnh Hải Dương đã đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối giao thương, hỗ trợ các doanh nghiệp và các hộ sản xuất, kinh doanh mở rộng thị trường tiêu thụ hàng hóa, nhất là hàng nông sản và các sản phẩm làng nghề. Qua đó, tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất giao lưu, trao đổi, ký kết các hợp đồng kinh tế; định hướng phát triển sản xuất kinh doanh trong nước cũng như tiếp cận thị trường và đối tác thương mại trên thế giới. Sự gắn kết giữa người nông dân với người tiêu dùng thông qua hoạt động của các đơn vị thu mua, sơ chế và tiêu thụ sản phẩm được tăng cường; sự liên kết chuỗi trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản được hình thành; giá trị hàng hóa được nâng cao và thâm nhập tới các thị trường khó tính, bảo đảm lợi ích cho người nông dân, doanh nghiệp và người tiêu dùng; giảm tối đa hiện tượng ép giá và lệ thuộc vào thương nhân Trung Quốc. Hội nghị tập trung thảo luận một số nhiệm vụ giải pháp tập trung như: Tích cực hỗ trợ, xây dựng hệ thống sản xuất, phân phối vải quả và sản phẩm nông nghiệp chuyên nghiệp và hiệu quả; tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, quảng bá sản phẩm; tổ chức tham gia các hội chợ triển lãm, hội nghị kết nối giao thương, nghiên cứu khảo sát thị trường; nâng cao trách nhiệm của các cấp, các ngành trong tỉnh; xây dựng cơ sở dữ liệu thông tin sản xuất, tiêu thụ nông sản và các sản phẩm làng nghề của tỉnh… nhằm nâng cao năng lực phân phối, tiêu thụ và xuất khẩu vải quả và các sản phẩm ở khu vực nông nghiệp, nông thôn.
Nguồn: Quốc Vinh/Nhân Dân