Cụ thể, theo thông báo mới đây của Tập đoàn Hà Đô, đơn vị này đã ký hợp đồng mua toàn bộ cổ phần sở hữu từ 3 cổ đông của BĐS An Thịnh tại ngày 24/07 - tương đương 81,4% vốn cổ phần. Trong khi trước đó, ngày 8/9, VC2 cũng khẳng định đã ký hợp đồng chuyển nhượng gần 30% vốn của công ty bất động sản này. Tổng cộng hai con số được công bố đã vượt tổng vốn, tương ứng với gần 110% cổ phần.

Hợp đồng chuyển nhượng với VC2 được ký vào ngày 08/09/2015. VC2 sẽ nhận 1.573.985 cp, tương ứng 28,85% vốn của BĐS An Thịnh. Tổng giao dịch trị giá 20 tỷ đồng và thời gian nhận chuyển nhượng trong vòng 10 ngày kể từ ngày 09/09.

Còn theo Tập đoàn Hà Đô, ngày 24/07 Công ty đã ký hợp đồng mua bán toàn bộ cổ phần sở hữu của 3 cổ đông là ông Đoàn Hiếu Minh, ông Đoàn Văn Thức và CTCP An Xuân; tương đương 81,4% tổng số cổ phần BĐS An Thịnh. Dự kiến, HDG sẽ hoàn tất các thủ tục chuyển nhượng 6.515.200 cp này với các cổ đông và nhận bàn giao dự án đầu tư cải tạo chung cư cũ L 1,2 (khu Nam Thành Công) trong tháng 09/2015.

Dường như cả hai đơn vị đều nhận ra sự bất thường trong thương vụ? Phần cuối của văn bản thông báo sự việc này, Tập đoàn Hà Đô cho biết, các tổ chức và cá nhân có giao dịch mua bán cổ phần của BĐS An Thịnh ký với 3 cổ đông trên sau ngày 24/07/2015 là không đúng quy định pháp luật và ảnh hưởng đến quyền lợi của họ. Trong khi VC2 cũng nêu rõ, thời gian giải quyết tranh chấp với các tổ chức, cá nhân có liên quan đến quyền sở hữu cổ phần chậm nhất là 16h ngày 19/09/2015.

Nhưng câu chuyện vẫn chưa dừng lại ở tỷ lệ 110%!

Thực sự của câu chuyện chuyển nhượng cổ phần?

Theo như thông tin cả hai bên đã công bố, tổng cộng lại đã có gần 110% cổ phần của BĐS An Thịnh đã được "sang tay". Hay nói cách khác, chắc chắn đã có một hoặc một số cổ đông ký đồng thời vào hợp đồng chuyển nhượng cổ phần của BĐS An Thịnh cho cả HDG và VC2.

Bên HDG cho biết, việc chuyển nhượng cổ phần của BĐS An Thịnh với 3 cổ đông đã được HDG thực hiện từ ngày 24/07, tức là trước hơn 1 tháng so với hợp đồng chuyển nhượng của VC2 đã ký. Mặc dù đã ký từ cuối tháng 7 nhưng mới đây HDG mới công bố thông tin cũng xuất phát từ việc VC2 công bố sở hữu gần 30% của BĐS An Thịnh. HDG đồng thời cũng công bố cả danh tính của 3 cổ đông chuyển nhượng là để VC2 xác minh lại hợp đồng đã ký tránh trường hợp kiện tụng liên quan đến sở hữu không đáng có.

Trao đổi với người công bố thông tin của VC2, đại diện Công ty này cho biết, việc chuyển nhượng đối với gần 30% cổ phần của BĐS An Thịnh chỉ mới được VC2 ký hợp đồng và công bố thông tin ra công chúng nhằm xác minh những pháp nhân khác có liên quan đến sở hữu số cổ phần này. Sau khi nhận được phản hồi của HDG, hiện VC2 đã gửi công văn sang các cổ đông của BĐS An Thịnh để xác nhận lại thông tin nhưng chưa nhận được phản hồi từ phía các cổ đông này.

Đáng chú ý, cũng theo đại diện VC2, số cổ phần trong thương vụ chuyển nhượng này không chỉ dừng lại ở 30% bán cho VC2. VC2 cùng hai đơn vị khác là CTCP Vimeco (VMC) và CTCP Đầu tư Hạ tầng và Đô thị Vinaconex (Vinaconex IUC) nhận chuyển nhượng tổng cộng hơn 81% vốn từ chính 3 cổ đông của BĐS An Thịnh mà HDG nêu trên.

Cùng một lượng cổ phần nắm giữ, 3 cổ đông của BĐS An Thịnh đã thực hiện ký chuyển nhượng cho cả 2 bản hợp đồng dẫn tới tính trạng lớn hơn 160% cổ phần được "sang tay" khi VC2 và HDG công bố thông tin. Điều này cũng dẫn đến những lo ngại, liệu bản hợp đồng này còn âm thầm được ký với những ai khác nữa không?

Bất động sản An Thịnh và sức hút từ dự án 93 Láng Hạ

Không phải ngẫu nhiên mà BĐS An Thịnh trở thành đích ngắm của nhiều công ty BĐS.

CTCP BĐS An Thịnh được thành lập tháng 08/2007, hoạt động chủ yếu trong các lĩnh vực như xây dựng công trình, dân dụng, dự án khu công nghiệp, khách sạn, văn phòng, nhà ở, hạ tầng khu đô thị, tư vấn lập dự án đầu tư, kinh doanh BĐS... Điểm làm nên sức hấp dẫn của một công ty BĐS có quy mô vốn khá khiêm tốn ở mức gần 70 tỷ đồng là dự án duy nhất công ty này đang thực hiện.

Theo thông tin công bố, BĐS An Thịnh hiện đang triển khai Dự án Tổ hợp văn phòng, trung tâm thương mại và nhà ở tại số 93 Láng Hạ, Đống Đa, Hà Nội. Theo thiết kế ban đầu, tòa nhà được xây dựng theo hình thức "hợp khối" cao 27 tầng với các diện tích công năng khác. Mật độ xây dựng dự kiến chỉ ở mức 50%.

Được biết, năm 2010, Tp Hà Nội đã chấp thuận về nguyên tắc đề xuất tiến độ thực hiện các công tác chuẩn bị dự án của BĐS An Thịnh. Theo đó Công ty này sẽ là doanh nghiệp được giao thực hiện dự án cải tạo xây dựng lại hai khu chung cư cũ L1, L2 tại số 93 phố Láng Hạ, quận Đống Đa, trước khi xây dựng dự án. Tuy nhiên, từ năm 2011 đến nay, việc thực hiện gần như "giậm chân tại chỗ".

Theo Đăng Tùng

Vietstock

Nguồn: Vietstock