Nhượng 79,92% Kinh Đô Bình Dương thu về 7.613 tỷ đồng
KDC đã chính thức chuyển nhượng 80% mảng bánh kẹo
CTCP Tập đoàn Kido (mã KDC-HOSE) đã công bố báo cáo tài chính soát xét 6 tháng đầu năm 2015 với lợi nhuận giảm gần 90 tỷ đồng. Tuy vậy, mức giảm này không mấy đáng kể so với con số lợi nhuận khủng mà Tập đoàn này đạt được trong 6 tháng đầu năm 2015.
So với báo cáo do công ty tự lập trước đó, doanh thu từ hoạt động kinh doanh chính tăng nhẹ. So với cùng kỳ, doanh thu bán hàng của Kido tăng khoảng 20%. Hoạt động kinh doanh 6 tháng đầu năm được ghi nhận dựa trên 100% doanh thu mảng bánh kẹo. Nhưng tới đây, với việc hoàn tất thương vụ bán con, Kido chỉ còn nắm giữ 20% vốn tại Kinh Đô Bình Dương, doanh nghiệp hiện đang nắm toàn bộ mảng bánh kẹo của công ty.
Hoạt động tài chính đóng góp 6.533,2 tỷ đồng vào doanh thu, thay vì 6.613 tỷ đồng như KDC công bố trước đó. Trong đó, lãi từ thanh lý công ty con mà cụ thể là việc bán 79,92% vốn tại Kinh Đô Bình Dương cho Cadbury Enterprises Pte Ltd, (Mondelez). Tính đến 30/6, KDC vẫn chưa được nhận khoản tiền thanh toán từ Mondelez mà ghi nhận khoản phải thu 7.613 tỷ đồng. Tới giữa tháng 7/2015, Kido đã nhận tiền về.
Với việc điều chỉnh giảm doanh thu tài chính hơn 80 tỷ đồng, lợi nhuận của KDC đã giảm nhẹ 1,2% so với báo cáo trước đó. Thu nhập ròng trên mỗi cổ phiếu của KDC trong 6 tháng đầu năm đạt 21.497 đồng/cổ phiếu. Cũng nhờ mức EPS kỷ lục trên, cổ đông KDC được nhận cổ tức đặc biệt 200% không lâu sau khi KDC hoàn tất thương vụ.
Sáp nhập toàn bộ, “tước” tư cách pháp nhân của Vinabico
Hoạt động thâu tóm CTCP Vinabico (Vinabico) là một trong thương vụ “đình đám” của Kinh Đô. Đây là công ty bánh kẹo chuyên nghiệp với quy mô lớn đầu tiên tại miền Nam, được thành lập từ năm 1974. Các sản phẩm của Vinabico snack cua xanh hay bánh chữ 123, bánh sò... đã một thời tạo được chỗ đứng trên thị trường. Năm 2005, Vinabico năm trong 500 thương hiệu nổi tiếng nhất Việt Nam trong cuộc khảo sát người tiêu dùng toàn quốc do ACNielsen tổ chức
Từ năm 2011, Kinh Đô đã là cổ đông lớn nhất sở hữu 51% vốn điều lệ Vinabico. Tiếp đó, sau khi được ĐHĐCĐ thường niên năm 2012 đồng ý, Kinh Đô đã phát hành hơn 1,1 triệu cổ phần để hoán đổi cổ phần với Vinabico, tỉ lệ 2,2:1. Với việc phát hành cổ phần hoán đổi cho cổ đông của Vinabico, 100% vốn công ty này đã thuộc sở hữu của Kinh Đô từ năm 2013.
Tại báo cáo do KDC công bố mới đây, vào ngày 26/2/2015, Vinabico đã được sáp nhập toàn bộ vào Tập đoàn và không còn hoạt động như một pháp nhân độc lập như trước đó nữa. Toàn bộ nghĩa vụ và quyền lợi của Vinabico được chuyển giao cho KDC.
Giá trị còn lại của lợi thế thương mại, lợi thế quyền thuê đất và các khoản điều chỉnh tăng theo giá trị hợp lý của tài sản xác định tại ngày mua Vinabico trước đây, trị giá hơn 36,9 tỷ đồng đã được ghi nhận vào chi phí quản lý doanh nghiệp của KDC 6 tháng đầu năm 2015.
Mặc dù, vào thời điểm năm 2012, chiến lược “Bánh kẹo & Snack” (Snack & Confectionary) được xem là nền tảng của KDC và đã giúp công ty này thành công trong thời gian trước đó nhưng đến nay Kinh Đô lại vắng bóng trong mảng snack.
Trong khi đó, thương vụ mua lại nhà máy sản xuất kem Wall’s của Tập đoàn Hàng tiêu dùng Unilever năm 2003 lại giúp KDC có được xây dựng được hai nhãn hàng Merino và Celano. Ngoài hai thương hiệu kem trên, KDC còn là ông chủ nhãn hàng sữa chua Well yo và nhãn hàng Đại Gia đình trong lĩnh vực gia vị, dầu ăn.
Theo Mai Thanh
NDH