Cụ thể, trong đại hội đồng cổ đông bất thường dự kiến diễn ra vào ngày 22 tháng 10 tới, VDSC sẽ xin ý kiến cổ đông để hủy phương án phát hành riêng lẻ 200 tỉ đồng được ĐHĐCĐ thường niên 2014 thông qua, thay vào đó là phương án phát hành riêng lẻ mới trong 2015.
Về phương án này, nguồn tin của Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online tiết lộ VDSC sẽ tăng vốn từ 350 tỉ đồng lên 700 tỉ đồng, thông qua việc phát hành thêm 35 triệu cổ phiếu bằng mệnh giá, tương đương 350 tỉ đồng vốn điều lệ. Đối tác tham gia mua cổ phần là Công ty cổ phần Tập đoàn KIDO và nhóm cổ đông liên quan. Như vậy, Công ty cổ phần Tập đoàn KIDO và nhóm cổ đông liên quan sẽ nắm 50% cổ phần của VDSC.
Song song với kế hoạch tăng vốn, VDSC cũng trình cổ đông thông qua việc tăng số lượng thành viên Hội đồng Quản trị và bầu bổ sung Ban kiểm soát nhiệm kỳ 2012-2016.
VDSC hiện vẫn nằm trong diện cảnh báo do kết quả kinh doanh 2013 bị âm. Dù vậy công ty đã có kết quả kinh doanh tốt hơn trong năm 2014, cụ thể lợi nhuận 2014 lên đến hơn 105 tỉ đồng; 6 tháng đầu năm nay mức lãi sau thuế là 7 tỉ đồng. Môi giới vẫn là mảng mang lại doanh thu chính cho VDSC trong 2015.
Rồng Việt đã có ý định tăng vốn từ năm 2014 nhưng thị trường chưa thuận lợi và nhiều nhà đầu tư đến tìm hiểu nhưng chưa đàm phán được về giá.
Trong khi đó, KIDO đang có thế mạnh về tài chính sau khi bán 80% cổ phần mảng bánh kẹo cho tập đoàn Mondelēz International với với giá khoảng 370 triệu đô la Mỹ.
KIDO trước đó cũng đã từng đàm phán với DongA Bank để nắm giữ cổ phần của ngân hàng này, tuy thế KIDO đã quyết định không mua 1.000 tỉ đồng cổ phần như kế hoạch ban đầu. Lý do được phía mua đưa ra là tình hình tài chính của DongABank có quá nhiều vấn đề cần cải thiện và KIDO cho rằng thời điểm này chưa phải lúc đầu tư vào DongABank. Hiện DongA Bank đã bị đưa vào diện kiểm soát đặc biệt sau khi Ngân hàng Nhà nước đã thanh tra toàn diện về DongA Bank. Kết quả thanh tra cho thấy từ năm 2012 trở về trước ngân hàng này đã có nhiều vi phạm pháp luật về quản lý tài chính, cấp tín dụng và hoạt động kinh doanh khác, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình tài chính của ngân hàng.
Nhiều nguồn tin trên thị trường chứng khoán cho biết KIDO vẫn đang đàm phán với một số cổ đông của một ngân hàng TMCP lớn để mua lại lượng lớn cổ phần, nhưng cho đến nay các bên chưa thỏa thuận được về điều kiện và giá chuyển nhượng.
Cùng với việc thâm nhập vào lĩnh vực thiết yếu với các sản phẩm ban đầu là mì ăn liền, dầu ăn, hạt nêm, bên cạnh mảng kem, sữa và các sản phẩm từ sữa… KDC cho biết sẽ tập trung phát triển thương hiệu KIDO Corp. KDC vẫn đang trong tiến trình xem xét để đầu tư vào các ngành hàng tiếp theo trong lĩnh vực F&B.
KIDO hiện nắm 51% vốn tại Vocarimex, doanh nghiệp có vị trí quan trọng trên thị trường dầu thực vật, khi Vocarimex sở hữu 51% cổ phần của Dầu thực vật Tường An, 24% cổ phần tại Dầu thực vật Cái Lân (nhãn hiệu Neptune, Simply), 49% cổ phần Golden Hope Nhà Bè và 27% cổ phần tại Dầu thực vật Tân Bình.
Trong đó, ông Trần Kim Thành, Chủ tịch HĐQT KIDO là Chủ tịch HĐQT Vocarimex, còn hôm nay, bà Nguyễn Thị Xuân Liễu, Phó tổng của KIDO cũng được bổ nhiệm chức Tổng giám đốc điều hành Vocarimex.
Theo Thanh Thương
TBKTSG