Ngày 3/7 vừa qua, Công ty cổ phần Tài Nguyên Masan (Masan Resources) đã chốt danh sách cổ đông để dừng mọi thủ tục chuyển nhượng cho đến ngày cổ phiếu công ty được chính thức giao dịch trên  thị trường UpCom.

Một doanh nghiệp trong lĩnh vực khai thác khoáng sản niêm yết thị trường, sẽ chẳng có gì đáng nói nhưng Masan Resources lại đang sở hữu mỏ Núi Pháo, Thái Nguyên - được kỳ vọng đem lại doanh thu 400 triệu USD mỗi năm khi đi vào ổn định.

Thương vụ mua bán không dùng tiền mặt
Masan Resources được thành lập năm 2010, trong đó Công ty Cổ phần Tập đoàn Masan (MCK: MSN) sở hữu 74,3% cổ phần (tính tại thời điểm 31/3/2015).

Theo Báo cáo thường niên 2010 của MSN, vào cuối năm 2010, Masan Group đã mua lại 100% lợi ích kinh tế của Núi Pháo từ các cổ đông thiểu số, các quỹ đầu tư và công ty do Dragon Capital sở hữu hoặc quản lý. Giao dịch không sử dụng tiền mặt.

Để đổi lại phần góp vốn tại Núi Pháo, Dragon Capital nhận được quyền chọn mua cổ phần phát hành mới của Masan Group và các hối phiếu nhận nợ có thời hạn bảy năm.
 
Dragon Capital có thể dùng các hối phiếu nhận nợ này để thanh toán cho quyền chọn mua cổ phần được thực hiện từ năm thứ 3 đến năm thứ 5 kể từ ngày hoàn tất giao dịch để đổi lấy 29.770.465 cổ phần phổ thông của Masan. Dragon Capital cũng nhận được quyền sở hữu 20% vốn cổ phần trong Masan Resources.
 
Quyền sở hữu 20% vốn cổ phần này của Dragon Capital có thể được điều chỉnh trong khoảng từ 15% đến 35%, tùy theo giá của ammonium paratungstate (sản phẩm sơ chế của vonfram) bán trong 2 năm đầu tiên trong kế hoạch sản xuất vonfram. Giá cao hơn sẽ làm tăng quyền sở hữu của Dragon Capital trong Masan Resources.
 
Ngược lại, Masan có quyền chọn mua trong ba năm để mua lại toàn bộ quyền sở hữu của Dragon Capital trong Masan Resources với số tiền ban đầu là 61,28 triệu USD, sau đó tăng thêm 2,39 triệu USD sau mỗi quý đến mức giá cuối cùng là 90 triệu USD vào thời điểm cuối năm thứ ba. Tất cả giao dịch bằng tiền USD sẽ được thanh toán bằng VND theo tỷ giá 19.000 VND/USD.
 
Trong trường hợp Masan không thực hiện quyền chọn mua trong vòng 1 tháng vào cuối năm thứ ba, Dragon Capital có quyền chọn bán cổ phần của họ trong Masan Resources cho Masan Group để đổi lấy 25.942.505 cổ phần của Masan Group.
 
Tháng 12/2010, Mount Kellett đã ký thỏa thuận đầu tư 100 triệu USD vào Masan Resources nhằm đổi lấy tỷ lệ sở hữu 20%. Giao dịch này được hoàn tất vào tháng 3 năm sau, làm giảm tỷ lệ sở hữu của các cổ đông trong Masan Resources.

Dự án Núi Pháo quy mô lớn
Theo kỳ vọng của Masan Group, Masan Resources sẽ trở thành công ty tài nguyên hàng đầu khu vực tư nhân ở Việt Nam bằng cách thăm dò, mua lại và phát triển các dự án có quy mô lớn. Masan Resources đặt kỳ vọng vào dự án Núi Pháo.

Dự án Núi Pháo có diện tích 9,21 km2 tại huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên, cách thủ đô Hà Nội 80km, cách cảng Hải Phòng 180km và cách cảng Quảng Ninh 240 km. Dự án đã nhận được khoản đầu tư hơn 130 triệu USD trước khi Masan Group mua lại.

Dự án này liên tục nhận được các khoản đầu tư và cho vay từ các tổ chức trong và ngoài nước. Năm 2010, Ngân hàng Phát triển Việt Nam ký thỏa thuận cung cấp hạn mức tín dụng 2.377 tỷ đồng. Năm 2011, Ngân hàng Standard Chartered cho dự án vay 80 triệu USD trong 2 năm. Tháng 3/2011, Vietcombank cho vay 90 triệu USD.

Báo cáo quý I/2015 của Masan Group cho biết, dự án Núi Pháo là dự án thành công duy nhất trong 15 năm qua tính trên toàn cầu. Hiện, mỏ Núi Pháo sản xuất khoảng 20% sản lượng Vonfram trên toàn cầu không tính Trung Quốc. Các sản phẩm chất lượng cao trên toàn bộ bốn khoáng sản – vonfram, florit, bismut và đồng – và bán cho các khách hàng trên khắp Bắc Mỹ, châu Âu và châu Á.

Vị trí Masan Resources ở đâu trên sàn?
Dự án Núi Pháo - nơi Masan Resources nắm giữ 100% quyền sở hữu - chính thức được vận hành thương mại từ tháng 3/2014, đóng góp 2.826 tỷ đồng vào doanh thu của Masan Group trong năm 2014, tương đương 17% tổng doanh thu. 

Trong 3 tháng đầu năm 2015, doanh thu từ dự án mang lại là 813 tỷ đồng, lợi nhuận trước lãi, thuế và khấu hao đạt 342 tỷ đồng.

So sánh với 9 doanh nghiệp trên sàn HOSE và HNX, có lẽ tiềm năng về tăng trưởng doanh thu, lợi nhuận của Masan Resources là không nhỏ. 
Kết quả kinh doanh tính tại thời điểm 31/3/2015.

Công ty Cổ phần Khai thác và chế biến khoáng sản Bắc Giang (MCK :BGM) được xem là gương mặt sáng giá trên cả 2 sàn với doanh thu cao nhất, đạt 165 tỷ đồng trong quý I/2015. Tuy nhiên, doanh thu của Masan Resoures lại gấp gần 5 lần doanh thu của BGM. Đối với KSS - vị trí thấp nhất trong các DN khoáng sản, doanh thu Masan Resources gấp tới 39 lần.

Tính đến thời điểm hiện tại, vốn điều lệ của Masan Resources còn là một ẩn số. Tuy nhiên, với một vài con số hé lộ về doanh thu và lợi nhuận quý I/2015 của Công ty này và những khoản đầu tư không nhỏ trong suốt quá trình xây dựng, người ta có thể tin tưởng về một Masan Resources có quy mô và tầm vóc lớn trên sàn.

Khổng Chiêm