Bất ngờ là có khá nhiều điều vô lý đã tồn tại trong BCTC của JVC suốt thời gian dài, nhưng dường như ít được NĐT chú ý.

Số dư tiền mặt khổng lồ

Báo cáo tài chính năm 2014 của JVC, được kiểm toán bởi Công ty TNHH KPMG cho thấy, tại thời điểm 31/3/2015, Công ty có 465,787 tỷ đồng tiền mặt. Nếu không có sự kiện khởi tố ông Lê Văn Hướng, nguyên Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc JVC, có lẽ ít ai để ý kỹ chi tiết này.

Khoản mục Tiền và tương đương tiền trên bảng cân đối kế toán thường được hiểu là bao gồm tiền mặt tại quỹ, tiền gửi ngân hàng không kỳ hạn, tiền gửi có kỳ hạn dưới 3 tháng, tiền đang chuyển. Nhưng theo thuyết minh báo cáo tài chính 2014 của JVC, số tiền này là tiền mặt tại quỹ.

Đặc biệt hơn, lần giở lại quá khứ của JVC thì hóa ra không phải đến cuối quý I/2015, lượng tiền mặt của Công ty tại két mới nhiều như vậy. Tình trạng đó đã diễn ra ít nhất hơn một quý trước đó. Cuối quý IV/2014, JVC có 128,823 tỷ đồng số dư tiền mặt. Con số này cuối quý III/2014 là hơn 46 tỷ đồng, cuối quý II/2014 là 39 tỷ đồng, còn đầu năm 2014 là 15,7 tỷ đồng.

Số dư tiền mặt liên tục tăng và ở quy mô vô lý (chiếm tới hơn 41,4% vốn điều lệ Công ty) thì quả thực là dấu hiệu bất thường của một doanh nghiệp.

Còn nhớ, trong một cuộc phổ biến kiến thức kế toán – tài chính cho các nhà báo lĩnh vực kinh tế, tài chính, chứng khoán, lãnh đạo một công ty kiểm toán từng nói: “Nếu thấy các DN có số dư tiền mặt quá lớn, hãy nghi ngờ. Bởi tiền mặt tại két là thứ có thể dễ dàng thêm bớt để bù đắp cho phần hao hụt đã bị mất, chỉ với một cách dễ dàng là… mượn tạm về Công ty trong lúc kiểm toán kiểm kê rồi mang đi!”.

Để xem xét mức độ tin cậy của con số 465,787 tỷ đồng này, có lẽ cần phải trả lời câu hỏi vì sao JVC sử dụng nhiều tiền mặt như vậy? Đây có lẽ là câu hỏi mà công chúng đầu tư không dễ trả lời, vì thông thường, DN để tiền trong tài khoản và việc thanh toán được tiến hành qua chuyển khoản, chứ ít ai dùng tới 465,787 tỷ đồng tiền mặt, tương đương hơn 1m3 thể tích tiền (nếu dùng toàn tiền mệnh giá 500.000 đồng) tại quỹ công ty.

Điều này càng vô lý hơn nếu so sánh với các “đại gia tiền mặt” và những DN có đặc trưng sử dụng tiền mặt lớn như Vinamilk, FPT, Thế giới di động… Thế nhưng, ở thời điểm 31/3/2015, Vinamilk có tiền mặt tại quỹ là 1,354 tỷ đồng trên tổng cộng 973,56 tỷ đồng tiền và tương đương tiền; FPT có 47,7 tỷ đồng tiền mặt trên 3.995 tỷ đồng tiền và tương đương tiền; Vingroup có 18,787 tỷ đồng tiền mặt trên 5.399,7 tỷ đồng tiền và tương đương tiền; Thế giới di động cũng chỉ có 108,8 tỷ đồng trên 234,5 tỷ đồng tiền và tương đương tiền. 

Khoản phải thu bí ẩn

So sánh BCTC hợp nhất quý I/2015 và BCTC hợp nhất có kiểm toán năm tài chính từ 1/1/2014 đến 31/3/2015 của JVC, dễ dàng để nhận ra tình trạng không rõ ràng trong thuyết minh chi tiết của JVC.

BCTC hợp nhất quý I/2015 chỉ chưa đến 45 tỷ đồng khoản phải thu trong tổng số trên 650 tỷ đồng phải thu của JVC được thuyết minh chi tiết. 616,5 tỷ đồng khoản phải thu còn lại được thuyết minh ngắn gọn: “Phải thu khác”! Tình trạng cũng tương tự tại báo cáo tài chính hợp nhất quý IV/2014, tổng các khoản phải thu của JVC tại thời điểm 31/12/2014 là 685,458 tỷ đồng, trong đó khoản phải thu các đối tượng khác lên tới 638,87 tỷ đồng.

So với số dư khoản phải thu khách hàng ngắn hạn đầu năm 2014 là 407,4 tỷ đồng, cả niên độ tài chính vừa qua, JVC phát sinh thêm hơn 200 tỷ đồng khoản phải thu này. Nhưng nếu nhìn vào tương quan doanh thu của JVC, nhà đầu tư sẽ có cảm giác e ngại về chất lượng doanh thu và khả năng thu hồi các khoản này.

Năm 2013, tổng doanh thu của JVC là 594 tỷ đồng, trong khi số dư khoản phải thu cuối kỳ là 407,4 tỷ đồng, tương đương 2/3 tổng doanh thu. Niên độ tài chính 1/1/2014 đến 31/3/2015, với tổng doanh thu 1.116,5 tỷ đồng, tỷ lệ số dư khoản phải thu cuối kỳ trên doanh thu trong kỳ cũng lên tới hơn 58%. Con số trên cũng lớn hơn 1/3 vốn chủ sở hữu.

Đáng lưu ý là, tất cả các khoản phải thu này đều không có tài sản đảm bảo, với thời hạn phải thu kéo dài từ 30 ngày đến 720 ngày.

 
Và “bí mật” danh tính chủ nợ

Thuyết minh BCTC năm 2012 của JVC cho thấy, tại thời điểm 31/12/2012, Công ty có khoản vay hơn 410 tỷ đồng nợ ngắn hạn từ 3 ngân hàng là Vietinbank (308,9 tỷ đồng), VIB (33,415 tỷ đồng) và MB (67,7 tỷ đồng). Dư nợ vay dài hạn của JVC thời điểm trên khá khiêm tốn, chỉ 24,8 tỷ đồng từ 2 ngân hàng cũng là Vietinbank và VIB.

Thế nhưng, không hiểu sao, từ năm 2013, JVC bắt đầu rút vào vòng bí mật danh tính các chủ nợ. Các khoản vay ngắn hạn, dài hạn được thuyết trình theo hướng khoản vay 1, khoản vay 2…; vay ngân hàng 1, vay ngân hàng 2. Một nhà đầu tư đã nhận xét: Hiếm có DN nào “bảo vệ danh tính chủ nợ tốt như JVC”! Nhưng vì sao lại phải ẩn danh ngân hàng thì lại là điều khiến NĐT có chút băn khoăn.

Nghi ngại chất lượng tài sản JVC

Với tổng giá trị tài sản 2.551,4 tỷ đồng, JVC có tới gần 1.697 tỷ đồng tài sản là những khoản mục khiến NĐT có chút ngần ngại, bao gồm: 465,787 tỷ đồng tiền mặt tại quỹ, 883,7 tỷ đồng phải thu ngắn hạn (trong đó có 650,6 tỷ đồng phải thu khách hàng), 347,4 tỷ đồng hàng tồn kho.

Tất nhiên, với một doanh nghiệp đang hoạt động bình thường, những chỉ tiêu về tình hình tài sản như trên có thể được nhìn nhận là tích cực. Nhưng, với một doanh nghiệp đang vướng vào những lùm xùm thông tin như JVC, người ta hoàn toàn có quyền nghi ngờ về độ tin cậy của những con số trên.

Nguồn: Tinnhanhchungkhoan