Đứng tên trong thông cáo phát đi có Chủ tịch Công ty Văn hóa Phương Nam (PNC) - Phan Thị Lệ và Tổng giám đốc Công ty Envoy Media Partners (EMP) - Dong Won Kwak. EMP là đối tác ngoại mà theo công bố tại cuộc họp Đại hội cổ đông PNC ngày 16/7, đang nắm 90% vốn tại CJ CGV. Tuy nhiên trong thông cáo vừa phát đi, 2 bên cho biết tỷ lệ vốn góp nội - ngoại trong liên doanh lần lượt là 20% và 80%.

Để đối tác nước ngoài nắm tới 90% cổ phần trong liên doanh là lý do khiến một số cổ đông bất bình vì bị động chạm lợi ích và vi phạm giới hạn góp vốn pháp luật quy định (quy định hiện hành là không quá 80%). Sau thông cáo nói trên, đại diện Phương Nam không cho biết tại sao có sự chênh lệch, lúc trước công bố tỷ lệ nắm giữ 10% còn nay là 20%.

Doanh nghiệp chỉ cho biết nguồn cơn sự việc bắt đầu từ năm 2006. Do nhu cầu phát triển, liên doanh Megastar khi đó (tiền thân của CJ CGV ngày nay) quyết định tăng vốn điều lệ từ 4 lên 8 triệu USD. Với tỷ lệ sở hữu 20%, phía Việt Nam khi đó phải góp thêm 800.000 USD. Tuy nhiên, do tình hình tài chính của PNC khi đó không khả quan, hội đồng quản trị doanh nghiệp đã đồng ý chuyển quyền góp vốn cho phía đối tác là Envoy Media.

Cùng với 800.000 USD vốn góp, EMP sẽ phải trả thêm cho PNC 400.000 USD nữa nếu việc chuyển nhượng được cơ quan quản lý chấp thuận (do còn vướng quy định giới hạn sở hữu nước ngoài không quá 80%). 

Bất bình với lãnh đạo, cổ đông PNC đã phủ quyết toàn bộ tờ trình tại
đại hội thường niên lần 2.

Cơ quan chức năng đến nay vẫn không chấp thuận việc chuyển quyền góp vốn giữa PNC và Envoy. "Do thỏa thuận này không thực hiện được, PNC hoàn toàn có quyền hợp pháp tiếp tục nắm giữ 20% vốn điều lệ của Megastar", thông cáo cho biết. EMP xác nhận khoản vốn 800.000 USD mà công ty góp thay là thuộc quyền sở hữu của PNC, và phía Việt Nam đã hoàn thành nghĩa vụ góp vốn vào liên doanh.

Năm 2011, Công ty CJ CGV Hàn Quốc mua lại 92% vốn Envoy và tiếp tục duy trì quan hệ liên doanh với PNC. 3 năm sau, Megastar đổi tên thành CJ CGV Việt Nam. Theo giấy chứng nhận đầu tư của CGV Việt Nam, PNC vẫn nắm giữ 20% vốn điều lệ của công ty này. "Trong quá trình liên doanh, Envoy xác nhận PNC chưa chuyển nhượng bất kỳ khoản vốn góp nào trong liên doanh cho bất kỳ chủ thể nào khác, kể cả cho nhà đầu tư nước ngoài", thông cáo nhấn mạnh.

Trước đó, trong cuộc họp đại hội cổ đông thường niên diễn ra ngày 16/7, lãnh đạo Phương Nam cho biết mặc dù giấy phép và sổ sách vẫn ghi nhận tỷ lệ sở hữu của doanh nghiệp này tại CJ CGV là 20%, song thực tế do việc bán quyền góp vốn nêu trên, tỷ lệ thực tế chỉ còn 10%.

Đối với hợp đồng 7 triệu USD được PNC vay của một doanh nghiệp ngoại khác là Cross Junction (CJI), Envoy cũng cho biết, họ đã thông qua Tập đoàn CJ Hàn Quốc, giới thiệu CJI để PNC vay khoản nợ này với lãi suất 4% một năm. Theo đó, đây chỉ là hợp đồng vay bình thường chứ không phải chuyển nhượng vốn góp và PNC chưa từng từ bỏ bất kỳ quyền sở hữu vốn góp trong liên doanh.

Liên quan đến yêu cầu của cổ đông PNC đòi hủy việc bán cổ phần cho Công ty Xuất nhập khẩu Bình Tây - Bitex vì cho rằng việc này làm ảnh hưởng tới quyền lợi của họ. Mới đây, Sở Giao dịch Chứng khoán TP HCM (HOSE) đã có văn bản về việc tạm thời chưa công bố thông tin phát hành cổ phiếu riêng lẻ cho nhà đầu tư chiến lược đối với cổ phiếu PNC.

Lý do được HOSE đưa ra là tại Đại hội cổ đông thường niên lần hai năm 2015, nhóm cổ đông chiếm tỷ lệ 61% cổ phần tham dự không đồng ý tiếp tục ủy quyền cho Hội đồng quản trị PNC trong việc phát hành 10 triệu cổ phiếu riêng lẻ.

Do đó, để đảm bảo việc phát hành cổ phiếu này đúng quy định, HOSE sẽ xin ý kiến của Uỷ ban chứng khoán và tạm thời chưa công bố thông tin cho đến khi có ý kiến chính thức từ cơ quan này.

Theo Lệ Chi
Vnexpress

 

Nguồn: Vnexpress