Công ty sữa lớn nhất Việt Nam

Công ty Cổ phần Sữa Việt Nam – Vinamilk (MCK: VNM) tiền thân là Công ty Sữa, café Miền Nam thuộc Tổng Cục Công nghiệp Thực phẩm với 2 đơn vị trực thuộc là Nhà máy sữa Thống Nhất và Nhà máy sữa Trường Thọ. Vinamilk được cổ phần hóa năm 2003 và niêm yết HOSE năm 2006. 

Cơ cấu cổ đông của VNM gồm SCIC (45,06%), cổ đông nước ngoài (49%) và cổ đông trong nước (5,94%). Vốn điều lệ tính tại ngày 31/3/2015 là 10.006  tỷ đồng. Giá trị vốn hóa thị trường tính đến ngày 24/7/2015 là 122.000 tỷ đồng, lớn thứ 2 trên thị trường chứng khoán Việt Nam, sau Vietcombank.
Cơ cấu cổ đông Vinamilk tại ngày 25/8/2014
(Nguồn: Báo cáo thường niên VNM 2014)

Vinamilk là công ty sữa lớn nhất Việt Nam, nắm giữ khoảng 53% thị phần sữa nước, 84% thị phần sữa chua và 80% thị phần sữa đặc. Xuất khẩu đóng góp khoảng 10% vào doanh số Công ty. Sản phẩm xuất khẩu chủ yếu là sữa bột, bột dinh dưỡng và sữa đặc có đường...

Hiện, Công ty xuất khẩu đi 31 quốc gia và vùng lãnh thổ với kim ngạch xuất khẩu hàng năm hơn 200 triệu USD, duy trì xuất khẩu đi các thị trường truyền thống tại khu vực Trung Đông và Đông Nam Á, phát triển các thị trường mới tại Châu Phi và Trung Mỹ.

Tính đến cuối 2014, tổng đàn bò của VNM là 76.400 con, bò vắt sữa trên 37.200 con và 7 trang trại bò sữa đã đi vào hoạt động với tổng đàn bò sữa lên đến 11.000 con. 5 trang trại của VNM tại Tuyên Quang, Nghệ An, Lâm Đồng, Thanh Hóa, Bình Định đạt được tiêu chuẩn Global G.A.P.

Theo Vinamilk, trong 5 năm tới, Vinamilk sẽ có ít nhất 9 trang trại bò sữa quy mô công nghiệp với tổng đàn bò khoảng 46.000 con. Với chiến lược này, VNM dự kiến nguồn cung sữa nguyên liệu trong nước sẽ tăng từ 30% lên 40% và góp phần làm giảm tỷ lệ phụ thuộc nguồn nguyên liệu nhập khẩu.

Tính đến tháng 12/2014, Vinamilk có 268 nhà phân phối độc quyền với hơn 215.000 điểm bán lẻ trên toàn quốc. Công ty có 13 nhà máy sản xuất gồm 3 nhà máy tại TP. HCM, 3 nhà máy tại Bình Dương và các nhà máy tại TP. Biên Hòa, Cần Thơ, Đà Nẵng, Bình Định, Thanh Hóa, Nghệ An…

Tăng trưởng lợi nhuận bình quân 16%
Thống kê tình hình tài chính 5 năm gần nhất của VNM cho thấy, tăng trưởng doanh thu bình quân 22% và tăng trưởng lợi nhuận bình quân 16%. Hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu bình quân 20%.

Đơn vị: tỷ đồng
Trong 10 năm (2004-2014), doanh thu của công ty tăng 8,3 lần từ 4.227 tỷ đồng lên 34.977 tỷ đồng; vốn điều lệ cũng tăng 6,4 lần, từ 1.569 tỷ đồng lên hơn 10.000 tỷ đồng.

Mới đây, trong buổi gặp gỡ nhà đầu tư diễn ra chiều ngày 10/7, đại diện Vinamilk cho biết, 6 tháng đầu năm, doanh thu ước hoàn thành 50% kế hoạch năm, lợi nhuận sau thuế ước hoàn thành 55%.

Trong khi đó, năm 2015, công ty đặt kế hoạch doanh thu 38.424 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 6.830 tỷ đồng. Tính toán cho thấy, 6 tháng đầu năm, công ty ước đạt doanh thu 19.212 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 3.756 tỷ đồng.

Cũng dựa trên kết quả kinh doanh này, bà Mai Kiều Liên cho biết, thay vì tạm ứng 20% cổ tức cho cổ đông, Công ty quyết định tạm ứng 40%. Lộ trình đến tháng 4/2016, ĐHĐCĐ sẽ quyết định tỷ lệ cổ tức năm 2015.
Lch trả cổ tức của Vinamilk qua các năm

Liên tục mở rộng quy mô hoạt động ra nước ngoài
Tính đến cuối năm 2014, công ty có 7 công ty con và đơn vị liên kết cả trong và ngoài nước.
Mô hình Tập đoàn và các công ty con, công ty liên kết của Vinamilk
(Nguồn: Báo cáo thường niên VNM 2014)
Năm 2010 đánh dấu mốc quan trọng trong việc đầu tư ra nước ngoài của Vinamilk khi Công ty này góp vốn với các đối tác nước ngoài để thành lập Miraka Limited tại trung tâm Đảo Bắc, New Zealand. 
Miraka đi vào hoạt động tháng 8/2011 và đạt công suất 100% vào tháng 8/2012. Năm 2014, Miraka Limited tiếp tục đầu tư dây chuyền sản xuất sữa tươi 100% nguyên chất để xuất khẩu sang các nước khác. Tỷ lệ hoàn vốn của Miraka là 20%.

Năm 2013, Vinamilk đầu tư 7 triệu USD mua lại 70% cổ phần chi phối tại Công ty Driftwood Dairy Holding Corporation của Hoa Kỳ.

Năm 2014, Vinamilk góp 51% vốn với một đối tác nước ngoài để thành lập Công ty Angkor Dairy Products Co., Ltd tại Campuchia. Mục tiêu hoạt động là xây dựng nhà máy chế biến các sản phẩm sữa cho thị trường Campuchia. Dự kiến nhà máy này sẽ đi vào hoạt động vào cuối năm 2015.

Cũng trong năm 2014, Công ty góp 100% vốn thành lập công ty con Vinamilk Europe Spóstka Z Organiczona Odpowiedzialnoscia tại Ba Lan. Mục tiêu hoạt động là buôn bán động vật sống, nguyên liệu sản xuất sữa, sữa, các chế phẩm từ sữa, thực phẩm và đồ uống.

Trong năm 2015, Vinamilk dự kiến dành 4.000 tỷ đồng để thực hiện M&A. Mục tiêu M&A của Vinamilk, theo bà Liên từng chia sẻ là đầu tư vào nơi có giá nguyên liệu rẻ và đầu tư vào các công ty sữa sản xuất thành phẩm như Miraka. Đến nay, công ty vẫn đang cân nhắc các cơ hội đầu tư.
Khổng Chiêm