Năm 2014, trong khi hàng loạt doanh nghiệp khó khăn xoay xở huy động vốn trên TTCK thì CTCP Xuyên Thái Bình (PAN Pacific) bất ngờ huy động được gần 100 triệu USD từ các tổ chức tài chính kinh tế lớn như GIC của Chính phủ Singapore hay TAEL, Temasek.

Người ta nhận thấy sự say sưa của ông chủ tịch Nguyễn Duy Hưng khi nói về nông nghiệp, về một khát vọng được cung cấp thực phẩm sạch, có thương hiệu uy tín ra thị trường thế giới.

Thay vì hướng đến bán những thứ mình có, quan điểm của ông Hưng là trong bối cảnh hội nhập như hiện tại, khi Việt Nam mở cửa thị trường gia nhập TPP, FTA thì các doanh nghiệp Việt Nam bằng cách nào đấy sản xuất và bán thứ thế giới cần. Khi đó các sản phẩm mang thương hiệu Việt Nam sẽ không phải cạnh tranh bằng giá, mà bằng chất lượng và thương hiệu để không vấp phải hàng rào kỹ thuật từ các nước bên ngoài.

Ngày 1/10/2015, The PAN Group ra mắt, thay đổi thương hiệu, mở ra một hành trình mới thông qua việc củng cố nền tảng sản xuất, hoàn thiện chuỗi cung ứng khép kín, chuyển sang xây dựng hệ thống phân phối nhằm cung cấp những sản phẩm nông sản, thực phẩm có chất lượng cao, có thể truy xuất nguồn gốc ra thị trường.

Gạo Ban Mai của PAN có giá 26.000 đồng/kg, không hề rẻ so với mặt bằng gạo chung, nhưng quan điểm của ông Hưng, để làm được thực phẩm sạch và chất lượng sẽ đòi hỏi chi phí nhất định.

Ông Hưng đã chia sẻ rằng, mục tiêu dài hạn của PAN hướng tới khát vọng cung cấp thực phẩm nuôi dưỡng thế giới, nhưng mục tiêu ngắn hạn trước tiên là giải quyết vấn đề đâu là địa chỉ an toàn vệ sinh thực phẩm. Trước bối cảnh vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm có xu hướng tăng lên một cách đáng báo động: Rau củ quả, thịt, cá với dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, dư lượng kháng sinh vượt quá hàng trăm lần tiêu chuẩn cho phép, người tiêu dùng đau đầu việc mua thực phẩm ở đâu để chắc chắn không có thuốc trừ sâu, không bị ngâm hóa chất.

Cách làm của PAN đi theo hướng đầu tư vào những cái đang hiện hữu, PAN giải ngân 1.500 tỷ vào NSC, LAF, BBC, ABT…đầu tư vốn, con người, tạo thương hiệu cho các sản phẩm Việt. Các công ty này tạo thành một chuỗi mắt xích cung cấp các hàng hóa theo tiêu chuẩn đặt ra. Các sản phẩm này trước tiên được tiêu thụ trong nước, sau đó để xuất khẩu. Theo ông Hưng, việc này không phải ngày một ngày hai có thể thực hiện được, trồng rau nếu không muốn làm giả phải độc quyền từ giống, phải xác định thổ nhưỡng, có chuỗi khép kín và đấy là khát vọng của PAN và là việc PAN sẽ làm.  

Phát biểu tại Diễn đàn đầu tư toàn cầu ngày 30/9, Tổng giám đốc GIC ông Richard Gilmore cho rằng nếu Việt Nam muốn gia nhập chuỗi cung ứng toàn cầu thì phải tiếp cận được nguồn vốn tài chính ngắn hạn. Ngày nay, để có thể tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu thì nhu cầu vốn cho ngành nông nghiệp ngày càng cao, ngoài chất lượng về sản phẩm còn khâu đóng gói, bao bì, đáp ứng yêu cầu an toàn thực phẩm, khi gia nhập chuỗi cung ứng toàn cầu thì các sản phẩm của Việt Nam không những phải đáp ứng chất lượng trong nước mà còn phải tuân theo chuẩn quốc tế.

 

 
Phương Mai