Tại diễn đàn Đầu tư toàn cầu Việt Nam 2015 vừa được tổ chức hôm qua 30/9 tại Hà Nội, nhiều đại diện đến từ các doanh nghiệp, tổ chức nghiên cứu, cơ quan quản lý nhà nước đã có buổi trao đổi sôi nổi về lĩnh vực đầu tư vào nông nghiệp.
Phát biểu tại diễn đàn, ông Richard Gilmore, Tổng giám đốc Tập đoàn GIC cho hay, thời gian qua, ngành nông nghiệp Việt Nam có nhiều bước phát triển, đóng góp vào sự phát triển kinh tế của đất nước. Đồng thời, góp phần ổn định an ninh lương thực quốc gia.
Việt Nam chủ yếu xuất khẩu các sản phẩm nông nghiệp như gạo, cà phê, hạt tiêu. Tuy nhiên, chủ yếu xuất thô, chưa có thương hiệu trên thế giới.
Theo ông Richard Gilmore, nếu như cách đây vài năm, Việt Nam xuất khẩu gạo với giá 400 USD/tấn thì Ấn Độ xuất khẩu với giá 600 USD/tấn. Như vậy, với giá xuất khẩu trên, người nông dân Ấn Độ đang thu được nhiều tiền hơn nông dân Việt Nam.
“Việt Nam cần phải làm nhiều hơn nữa, đặc biệt tăng cường hiệu quả sản xuất nông nghiệp, đẩy mạnh công tác vận chuyển hàng hóa. Nếu các quốc gia khác như Thái Lan có nhiều sản phẩm, nhãn hiệu thì Việt Nam cũng hoàn toàn tạo ra nhãn hiệu lớn trên thế giới từ mặt hàng gạo. Chính vì vậy, Việt Nam nên hợp tác với nước ngoài, doanh nghiệp Việt Nam sẽ có cơ hội đầu tư, đôi bên cùng có lợi”, ông Richard Gilmore nói.
Vị này cũng cho rằng, Việt Nam đứng vị trí thứ nhất, thứ hai về xuất khẩu nông sản trên thế giới nhưng ngành nông nghiệp đang phải gặp phải đối mặt khác biệt so với các quốc gia khác. Sự khác biệt này chính là vấn đề hóa chất, thuốc trừ sâu, năng suất lao động thấp, chưa có nhiều áp dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp.
Tuy nhiên, những yếu tố này nằm trong tầm kiểm soát và khả năng cải tiến của Việt Nam. Nếu sản xuất được những sản phẩm nông nghiệp đáp ứng đầy đủ tiêu chí thì sẽ khiến hàng hóa Việt Nam tăng được khả năng cạnh tranh về giá.
"Thực tế, giá gạo rẻ cuối cùng lại rơi xuống tay nông dân. Việt Nam cần có sự chung tay giữa cơ quan quản lý nhà nước và người dân để giải quyết được tình trạng này”, ông Richard Gilmore nhấn mạnh.
Vị này cũng bày tỏ tin tưởng rằng trong thời gian tới, khi Hiệp định Thương mại tự do được ký kết, đàm phán về TPP cũng sắp có kết quả cuối cùng, Bộ Nông nghiệp với tư cách là chủ trì trong chuỗi giá trị thành phẩm nông nghiệp sẽ đưa ra nhiều sáng kiến, đa dạng cây trồng, chuyển đổi cây trồng từ giá trị thấp sang giá trị cao, xây dựng thành công thương hiệu sản phẩm nông nghiệp Việt Nam.
Về vấn đề này, ông Michael Louis Rosen, Phó Chủ tịch PAN cho rằng, nông nghiệp là lĩnh vực thế mạnh của Việt Nam và nhiều tiềm năng để đầu tư phát triển lâu dài. Quan trọng là cách thức thực hiện như thế nào?
Ông Michael Louis Rosen đưa ra ví dụ về thỏi socola của JWMarriot nhưng thỏi socola này từ Bỉ nhưng có nguyên liệu từ cacao của Việt Nam. Chúng ta có thể thấy phần lớn hoạt động sản xuất nông nghiệp ở Việt Nam hướng tới phần có giá trị thấp trong phần sản phẩm cuối cùng.
Ông Michael Louis Rosen cho rằng: "nếu các quốc gia khác như Thái Lan có nhiều sản phẩm, nhãn hiệu thì Việt Nam cũng hoàn toàn tạo ra nhãn hiệu lớn trên thế giới từ mặt hàng gạo".
Về phía Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Lê Quốc Doanh cho hay, hiện nay, Việt Nam là nước nông nghiệp, nhiều mặt hàng xuất khẩu ra nước ngoài nhưng lợi nhuận gia tăng thấp vì chưa có thương hiệu.
“Tới đây, chúng tôi tập trung tái cơ cấu nông nghiệp, quan tâm đến các ngành hàng có chuỗi giá trị cao, gắn kết các doanh nghiệp với nhau lại, đồng thời xây dựng thương hiệu. Chẳng hạn như mới đây, Chính phủ đã phê duyệt đề án xây dựng thương hiệu gạo Việt Nam. Theo đó đến 2020 có 20% gạo xuất khẩu có thương hiệu Việt Nam” – Thứ trưởng Doanh cho biết.
Bên cạnh đó, Chính phủ đã đặt hàng tổ chức nghiên cứu trong và ngoài nước về giống lúa mới đi kèm với gói kỹ thuật để cung cấp cho người nông dân nhằm nâng cao chất lượng gạo xuất khẩu Việt Nam.
Kiều Linh