Trong vòng một tuần qua, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam tăng khoảng 5-10 USD/tấn, một phần bởi thắng thầu 450.000 tấn gạo bán cho Philippines, phần nữa bởi khách hàng Trung Quốc quay trở lại.
Kết quả cuộc mở thầu mới đây của Cơ quan Lương thực Philippines là Việt Nam sẽ cung cấp 450.000 tấn gạo 25% tấm, còn Thái Lan sẽ cung cấp 300.000 tấn.
Tháng 9 này Trung Quốc cũng tăng cường mua gạo Việt Nam sau khi giảm mua xuống mức thấp nhất 5 tháng vào tháng 8. Trung Quốc là nước sản xuất gạo hàng đầu thế giới, là một trong những nước nhập khẩu lớn nhất toàn cầu, đồng thời là khách hàng mua gạo lớn nhất của Việt Nam. Mặc dù sụt giảm mạnh so với 4 tháng trước đó song xuất khẩu gạo Việt Nam sang Trung Quốc trong tháng 8 vẫn cao hơn 40% so với một năm trước đó, đưa tổng khối lượng xuất sang Trung Quốc 8 tháng đầu năm nay chiếm gần 30% tổng xuất khẩu gạo của Việt Nam. Tính chung trong 8 tháng đầu năm, Trung Quốc nhâp khẩu khoảng 1,18 triệu tấn gạo Việt Nam, tăng 31% so với cùng kỳ năm ngoái. Tổ chức Nông Lương Liên hiệp quốc (FAO) dự báo năm nay Trung Quốc sẽ nhập khẩu 3,2 triệu tấn gạo, tăng 6,7% so với năm 2014.
Indonesia cũng đang rục rịch mua gạo. Mặc dù cho tới gần đây cơ quan lương thực quốc gia nước này (Bulog) vẫn tuyên bố chưa chắc sẽ cần nhập khẩu gạo trong năm nay, bởi hạn hán đang cản trở việc trồng lúa ở quốc gia này. Oryza mới đây dẫn lời phó Tổng thống Indonesia, Jusuf Kalla cho biết, hơn 200.000 ha lúa của nước này đang thiếu nước, và có hơn 30.000 ha có nguy cơ mất trắng do hạn hán.
Chủ tịch danh dự Hiệp hội Xuất khẩu Gạo Thái Lan, Chookiat Ophaswongse cho rằng Indonesia sẽ cần mua khoảng 500.000 tấn vào cuối năm nay, khi không thể sản xuất đủ gạo để tiêu thụ trong nước, ít nhất vào thời điểm hiện tại. Nhiều khả năng nước này sẽ cần nhập khẩu tổng cộng 1-1,5 triệu tấn bởi dự trữ gạo của Bulog hiện chỉ đạt 1,5 triệu tấn, trong khi mức cần thiết là 2,5-3 triệu tấn.
Ông Chookiat dự báo giá gạo Thái có thể tăng 8-10% vào cuối năm nay và đầu năm tới (tháng 12- tháng 1) bởi đó là mùa lễ hội cuối năm – mùa tiêu thụ mạnh, trong khi nguồn cung của nước này lại sụt giảm. Sản lượng lúa vụ chính của Thái Lan dự báo sẽ chỉ khoảng 23 triệu tấn so với 27-28 triệu tấn dự kiến ban đầu, do hạn hán.
Theo ông Chookiat: “Giá gạo 5% tấm của Thái Lan hiện rất thấp, chỉ 355 – 360 USD/tấn, và có thể đã chạm đáy”. Ông nhận định Nigeria – khách hàng truyền thống của Thái Lan – sẽ trở lại mua gạo đồ từ tháng 11 tới.
Ông Chookiat dự báo Thái Lan có thể xuất khẩu khoảng 9 triệu tấn gạo trong năm nay, nhưng rất khó để dự báo quốc gia này có giành lại được vị trí nước xuất khẩu số 1 thế giới hay không.
Thái Lan đã mất vị trí này về tay Ấn Độ từ năm 2012, trong khi Việt Nam vươn từ vị trí thứ 3 lên thứ 2. "Chúng ta vẫn phải chờ xem Ấn Độ sẽ xuất khẩu bao nhiêu gạo trong những tháng cuối năm”, ông Chookiat chia sẻ.
Năm ngoái, mặc dù nỗ lực của Thái Lan, Ấn Độ vẫn duy trì vị trí số 1 với 11,3 triệu tấn gạo xuất khẩu, trong khi Thái Lan chỉ bán được 10,8 triệu tấn.
Tính tới 17/8, Thái Lan đã xuất khẩu 6 triệu tấn gạo, trong khi Ấn Độ xuất 5,7 triệu tấn. Ông Chookiat dự báo Việt Nam sẽ xuất khẩu 6,1-6,2 triệu tấn gạo trong cả năm nay.
Theo Vân Chi
CafeF/Trí Thức Trẻ